Giá tôm hùm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm sau khi COVID-19 bùng phát vào đúng dịp tết Nguyên đán ở Trung Quốc và kéo dài tới tận thời điểm hiện tại. Thông thường, doanh số tôm hùm thường tăng vọt trong dịp Tết ở Trung Quốc, thời điểm người ta sẵn sàng chi nhiều tiền cho những món ăn xa xỉ.
Sự suy giảm nhu cầu tại Trung Quốc khiến tôm hùm được bán tràn lan ở Mỹ. Giá rẻ khiến loại thực phẩm này phù hợp hơn với nhiều người. Tuy nhiên, với các nhà sản xuất, đây là một đòn chí mạng. Khi họ còn chưa kịp khắc phục những tổn thương do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đại dịch corona giáng một đòn tiếp theo vào doanh số bán hàng.
Stephanie Nadeau, chủ sở hữu của Arundel, một doanh nghiệp sản xuất tôm hùm có trụ sở tại Maine, nói rằng các đơn hàng của họ đến Hồng Kông đang sụt giảm nghiêm trọng. Thay vì gửi 1.000 thùng tôm hùm tới đó mỗi tuần, giờ đây, họ chỉ có thể gửi 120 hộp. "Nó chẳng khác gì một đòn chí mạng. Chúng tôi đã sắp phải sa thải hầu hết các nhân viên của mình kể từ cuối tháng 1 đến nay", Nadeau cho biết.
Mỹ là nhà cung cấp tôm hùm sống lớn nhất cho Trung Quốc khi các nhà sản xuất của nước này tranh thủ tận dụng tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa với tôm hùm Mỹ, người Trung Quốc đã tìm đến các sản phẩm tương tự từ Canada.
Canada duy trì khoảng 9 chuyển bay mỗi tuần tới Trung Quốc, với tổng cộng 681 tấn tôm hùm. Nó sẽ bay từ Nova Scotia tới Hàn Quốc trước khi cập bến Trung Quốc và tới các nhà hàng cũng như các khu chợ. Tôm hùm là món ăn sang trọng, thường được dùng trong các bữa tiệc hoặc tiệc đám cưới.
Tuy nhiên, khi corona bùng lên ở Trung Quốc, các tuyến đường nối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đều bị hạn chế nhằm ngăn ngừa virus lây lan. Sản phẩm tôm hùm của Canada bắt đầu trở lại tràn ngập thị trường Mỹ. Điều này đẩy giá xuống thấp hơn.
Thay vì tăng như mọi năm, giá tôm hùm ở Bắc Mỹ đang giảm mạnh. Mùa đánh bắt chính chưa bắt đầu khiến sản lượng tôm thấp nhưng giá thành cũng không cao. Nhu cầu với tôm hùm sống của Canada cũng giảm mạnh kể từ Tết Nguyên đán đến nay.
Khi thị trường Trung Quốc gặp gián đoạn, các doanh nghiệp muốn nhắm tới các thị trường khác ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Việc lưu trữ hàng tồn kho khiến lượng tôm hùm đông lạnh tăng lên.
Mỹ và Canada cũng không phải những nạn nhân duy nhất. Trung Quốc là điểm xuất khẩu chính của tôm hùm đá (rock lobster) của Australia. New Zealand thì cho phép thả trở lại tự nhiên loại tôm hùm này trong bối cảnh Trung Quốc hủy các đơn đặt hàng.
Việc virus corona đang có dấu hiệu lây lan mạnh mẽ ở các quốc gia khác có thể khiến các nhà xuất khẩu tôm hùm gặp khó khăn hơm nữa.