Khác với những hình ảnh kinh điển về nước Nhật như sushi hay núi Phú Sĩ, cảnh tượng ở Tottori giống những thứ bạn sẽ thấy ở thế giới Ả Rập. Ở đây, người ta sẽ thấy những cồn cát uốn cong cao gần 50 m, cách di chuyển bằng lạc đà và ảo ảnh trên sa mạc thay thế ánh đèn điện thành phố.
Tottori Sakyu hay "những cồn cát Tottori" được hình thành từ hàng ngàn năm trước, khi sông Sendai mang cát đổ vào biển. Gió kết hợp với dòng chảy mạnh cát bồi tụ dọc bờ biển, tạo nên một ốc đảo sa mạc ở xứ sở hoa anh đào.
Với chỉ khoảng 14,5 km chiều dài và ít hơn 2,5 km chiều rộng, Tottori là một mảnh ghép nhỏ của Công viên Quốc gia San’in Kaigan. Nó là một công viên địa chất toàn cầu UNESCO, biểu tượng cho cam kết của Nhật Bản về bảo tồn, lịch sử văn hóa và đa dạng sinh học.
Tottori có thể không xuất hiện trong Nghìn lẻ một đêm, nhưng từng được đề cập đến trong một số tác phẩm văn học Nhật nổi tiếng, cho thấy ý nghĩa văn hóa lâu đời của nó.
Nhà thơ Nhật Takeo Arishima đã làm sa mạc này trở nên nổi tiếng khi ông viết bài thơ về chuyện tình của ông với một người phụ nữ đã có gia đình, mô tả nỗi khổ đau của ông khi bao quanh chỉ có cát. Không lâu sau đó, Takeo và người phụ nữ kia đã tự tử.
Những năm 1960, Tottori là bối cảnh chính cho tiểu thuyết Người phụ nữ trong cồn cát của nhà văn Nhật Bản Kōbō Abe. Cuốn tiểu thuyết được cho là đi trước thời đại, bộ phim chuyển thể từ truyện được đề cử giải Oscar.
Mỗi năm, Tottori đón hơn 2 triệu lượt du khách. Bạn có thể tham gia nhiều hoạt động ở sa mạc duy nhất của Nhật Bản này, bao gồm cưỡi lạc đà, trượt ván cát, dù lượn và tham quan bảo tàng điêu khắc cát ấn tượng.
Ở Tottori, sa mạc vươn ra đến tận biển, cùng tạo thành một chân trời mở rộng. Vào mùa đông, những đồi cát vàng sẽ bị bao phủ bởi màu trắng của tuyết. Tuy nhiên, du khách sẽ không tìm thấy bất kỳ chỗ cắm trại qua đêm nào ở đây như tại Dubai.