Tập 7 của Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ gây sốc với thương vụ thành công lớn nhất từ trước đến nay của chương trình. Bà Thái Vân Linh – Giám đốc đầu tư của VinaCapital đã quyết định chi ra 1 triệu USD (23 tỷ đồng) để lấy 45% cổ phần của startup Gcalls.
Đây là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mềm quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng.
Đến với Shark Tank, 2 nhà sáng lập Gcalls muốn gọi vốn 1 tỷ 249 triệu đồng cho 1% cổ phần, tương ứng việc định giá doanh nghiệp mình ở con số “ngất ngưởng” là hơn 5 triệu USD (sau khi kêu gọi đầu tư). Khi Shark Link đề xuất mua 45% cổ phần, họ vẫn chỉ muốn mức 500.000 USD cho 20% cổ phần.
Tại sao Shark Linh lại sẵn sàng chi 1 triệu USD cho 45% thay vì một nửa số tiền đó để đổi lấy 20%? Tất nhiên như vị giám đốc đầu tư này đã trình bày, 20% là tỷ lệ sở hữu quá thấp khi để đầu tư vào startup chưa có kinh nghiệm về quản trị như vậy, bà sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Bỏ qua con số 5 triệu USD “trên trời” mà nhà sáng lập đưa ra thì nhìn chung, định giá Gcalls theo 2 phương án nói trên không tạo ra sự khác biệt nhiều. 500.000 USD cho 20% cổ phần tương ứng với việc định giá Gcalls là 2,5 triệu USD. Còn 1 triệu USD cho 45% cổ phần tương ứng với việc định giá Gcalls là 2,22 triệu USD.
Tuy nhiên đằng sau đó còn là một “trò chơi toán học” của các cá mập bởi vì theo mỗi cách, tác động tới các nhà đầu tư rất khác nhau.
Để đơn giản, chúng ta có thể sử dụng dữ liệu được cung cấp là nhà đầu tư trước đó đã trả 280.000 USD để mua 30% cổ phần Gcalls. Điều này tương ứng giá trị hiện tại của DN là 933.000 USD.
Cơ cấu cổ đông bao gồm 70% thuộc về cổ đông sáng lập (tương đương 650.000 USD) và 30% là nhà đầu tư khác (tương ứng 280.000 USD). Việc tính toán cũng áp dụng với giả thiết là Shark Linh rót thêm tiền vào Gcalls chứ không phải là mua lại cổ phần từ đối tượng khác.
Nếu theo phương án 1: Shark Linh rót 1 triệu USD lấy 45% cổ phần, giá trị Gcalls là 2,22 triệu USD
Theo tỷ lệ hiện tại, cơ cấu cổ đông sẽ bao gồm: Shark Linh 45% (tương ứng giá trị 1 triệu USD), 2 nhà sáng lập nắm 38,5% (tương ứng giá trị 860.000 USD) và NĐT khác nắm 16,5% (tương ứng giá trị 370.000 USD).
Như vậy, giá trị tăng thêm cho cổ đông sáng lập và nhà đầu tư ban đầu là (2.222- 930- 1.000)= 290 (nghìn USD).
Ở đây, Shark Linh cũng là cổ đông lớn nhất tại Gcalls, tức là cổ đông có tiếng nói nhất.
Nếu theo phương án 2: Shark Linh rót 500.000 USD lấy 20% cổ phần, giá trị Gcalls là 2,5 triệu USD.
Cơ cấu cổ đông sẽ bao gồm: Shark Linh 20% (tương ứng giá trị 500.000 USD), 2 nhà sáng lập nắm 56% (tương ứng giá trị 1,4 triệu USD) và NĐT khác nắm 24% (tương ứng giá trị 600.000 USD).
Như vậy, giá trị tăng thêm cho cổ đông hiện hữu là (2.500- 930- 500)= 1.070 (nghìn USD).
Tức là theo phương án 2, các cổ đông hiện hữu của Gcalls sẽ có lợi hơn, còn về phía Shark Linh, đương nhiên bà phải đưa ra phương án có lợi cho mình hơn.
Xem chương trình Shark Tank Việt Nam, người xem có thể thấy bà Thái Vân Linh là một người rất thận trọng với câu nói quen thuộc: “Tôi không thấy công ty có gì đặc biệt. Tôi không đầu tư”. Nhưng bà Linh rõ ràng là không ngại chi tiền đối với những startup có hoạt động kinh doanh “độc”, và đặc biệt là có triển vọng mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, sang tầm khu vực.
Điều này đúng như quan điểm của bà: "Làm những gì không ai làm để có những gì không ai có".
Việc các startup đến gọi vốn còn thiếu kỹ năng về quản trị tài chính và định giá doanh nghiệp không phải là điều khó hiểu. Họ thường đưa ra mức giá ngất ngưởng và sau đó sẽ phải “mặc cả” với các Shark nhưng tất nhiên, giữa cá mập và cá con thì các Shark luôn chiếm ưu thế.