Người Thái nổi giận
Hiện nay, khi mà sự cạnh tranh đang ngày một gay gắt hơn, các hãng xe Trung Quốc đã không ngại thực hiện hàng loạt chiến lược bán hàng nhằm duy trì vị thế đứng đầu tại thị trường, điển hình phải kể đến như chương trình giảm giá xe liên tục trong thời gian ngắn.
Theo Nikkei Asia, BYD tại Thái Lan vào cuối tháng 7 đã đưa ra chương trình giảm giá nữa trong tháng này cho mẫu Atto 3. Cho tới nay, mức giá của Atto 3 được giảm thêm 340.000 bạt (khoảng 240 triệu đồng). Giá xe mới giảm kéo theo giá xe trên thị trường xe cũ cũng giảm - đây là điều khiến những người ủng hộ BYD từ những ngày đầu tại Thái Lan không hài lòng.
Đáng nói, với những chương trình giảm giá liên tiếp, khách hàng Thái Lan đang trì hoãn kế hoạch mua xe vì chờ đợi các đợt giảm giá nữa vào dịp cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm, doanh số ô tô đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Phàn nàn của các chủ xe BYD tại Thái Lan cũng đã tới được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Thái. Cơ quan này đã ra lệnh điều tra BYD và nhiều hãng xe khác về các chương trình giảm giá liên tục này.
Người Nhật buộc phải 'thoái lui'
Kể từ năm 2022, Thái Lan đã triển khai chương trình trợ giá xe điện dựa trên Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc. Mục tiêu của chương trình là phổ cập xe điện bằng cách hỗ trợ người mua xe số tiền lên đến 150.000 baht (khoảng hơn 100 triệu đồng) mỗi chiếc.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng miễn thuế nhập khẩu cho xe điện Trung Quốc với điều kiện các doanh nghiệp phải sản xuất xe điện trong nước, bắt đầu từ năm 2023, với số lượng tương đương lượng xe đã nhập khẩu từ năm 2022.
Chính sách này đã thu hút đông đảo doanh nghiệp xe điện Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan, trong đó có thể kể đến BYD với dự án nhà máy xe điện trị giá 490 triệu USD (khoảng hơn 12.000 tỷ đồng).
Ngược lại, nhiều hãng xe Nhật Bản lại có động thái thu hẹp sản xuất tại Thái Lan. Suzuki Motor Corporation (SMC) thông báo sẽ đóng cửa nhà máy Suzuki Motor Thailand Co., Ltd. (SMT) vào cuối năm 2025. “Quyết định này được đưa ra như một phần trong kế hoạch tái cấu trúc sản xuất toàn cầu của Suzuki”, Suzuki Motor Thailand cho biết.
Việc nhà máy SMT ngừng hoạt động vào năm 2025 sẽ chính thức khép lại hoạt động sản xuất của Suzuki tại Thái Lan sau 13 năm, kể từ khi đi vào hoạt động vào tháng 3/2012. Trước đó, nhà máy này sản xuất khoảng 60.000 xe mỗi năm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo Suzuki, hãng sẽ tập trung sản xuất tại các thị trường trọng điểm khác ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia. Tại Thái Lan, Suzuki sẽ chuyển sang mô hình kinh doanh nhập khẩu và phân phối.
Cũng theo chân Suzuki, Subaru cũng quyết định đóng cửa nhà máy tại Thái Lan vào tháng 12 năm nay do doanh số bán hàng sụt giảm. Theo Thai Auto News, doanh số bán xe Subaru tại Thái Lan đã giảm dần kể từ khi đạt mức kỷ lục 3.952 xe vào năm 2019. Dự kiến, doanh số bán hàng năm 2024 sẽ giảm xuống dưới 1.000 xe, dẫn đến quyết định đóng cửa nhà máy. Như vậy, sau khi đóng cửa nhà máy tại Malaysia và Thái Lan, Subaru sẽ chỉ còn duy trì một cơ sở sản xuất duy nhất bên ngoài Nhật Bản là tại Mỹ.
Không chỉ dừng lại ở việc đóng cửa nhà máy, Honda cũng thông báo sẽ cắt giảm sản xuất xe tại Thái Lan. Theo Bangkok Post, Honda Thái Lan có kế hoạch dừng sản xuất xe tại nhà máy ở Ayutthaya và chuyển toàn bộ hoạt động lắp ráp sang nhà máy Prachin Buri để nâng cao năng lực cạnh tranh trong mảng xe điện (EV).
Hai nhà máy của Honda tại Thái Lan có tổng công suất 270.000 xe/năm. Tuy nhiên, sản lượng năm 2023 chỉ đạt khoảng 150.000 xe. Theo kế hoạch, nhà máy Ayutthaya sẽ dừng sản xuất vào năm 2024 và được chuyển đổi mục đích sử dụng để sản xuất phụ tùng. “Thị trường ô tô Thái Lan không tăng trưởng như kỳ vọng. Chúng tôi muốn tập trung hơn vào mảng xe điện, bao gồm xe điện chạy pin và xe hybrid, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất”, người phát ngôn của Honda Thái Lan cho biết.
Asia Nikkei đưa tin, động thái của Honda là một phần trong kế hoạch cắt giảm sản lượng hàng năm tại Thái Lan từ 270.000 xe xuống còn 120.000 xe.