Haotanto không phải là một start-up công nghệ hàng triệu đô, cô cũng không lớn lên trong sự giàu có. Thời niên thiếu, gia đình cô từng phải gánh chịu một khoản nợ tín dụng hàng nghìn đô, thêm vào đó là giá thuê căn hộ tại Singapore của họ ngày càng "leo thang".
Mọi thứ bắt đầu kể từ sau khi công việc kinh doanh hàng dệt may của bố mẹ cô bị phá sản do cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997.
Đối với Haotanto, đó là kinh nghiệm giúp cô tránh được những thất bại tương tự như vậy.
Nữ triệu phú chia sẻ với CNBC Make It: "Nếu bạn không sinh ra trong giàu sang thì bạn luôn lo lắng rằng mình sẽ tiêu hết tiền. Tôi muốn đảm bảo rằng bản thân đã hiểu đúng cách quản lý tiền".
Ở tuổi 21, tôi đã lập kế hoạch tài chính cho riêng mình
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Haotanto học tài chính ở Đại học Quản lý Singapore, cô cố gắng tham dự nhiều tiết học nhất có thể. Sau đó, cô bắt đầu quản lý tài chính và xác định thời gian để trả nợ và mua nhà cho bố mẹ.
Để thanh toán chi phí sống đắt đỏ tại Singapore, Haotanto cho biết: "Tôi đã lập kế hoạch tài chính ở tuổi 21 và tự cho bản thân 9 năm để kiếm được khoảng 600.000 đô la Singapore (tương đương khoảng 450.000 đô la Mỹ).
Trong 9 năm này, Haotanto đã làm một vài công việc và vận dụng những kiến thức về tài chính để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Cô bắt đầu với những cổ phiếu Singapore vốn hóa nhỏ trước tiên, tiếp đến là mua cổ phiếu Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Không chỉ vậy, nữ triệu phú tự thân cũng thực hành lối sống tiết kiệm. Cô đã tránh những sai lầm mà thế hệ Y thường mắc phải - những sai lầm có thể dẫn tới sự chi tiêu "phù phiếm". Thay vào đó, cô giới hạn chi tiêu - 100 đô Singapore một tuần (khoảng 75 đô la Mỹ) và chỉ đi nghỉ mát một lần trong năm.
Haotanto chia sẻ: "Thay vì nói là đấu tranh, tôi chỉ nói rằng tôi làm việc với ngân sách".
30 tuổi, tôi đã thành nữ triệu phú USD
Trước năm 30 tuổi, Haotanto đã trở thành một nữ triệu phú USD tự thân và quyết định sử dụng những kinh nghiệm của mình để giúp mọi người có hiểu biết sâu hơn về tài chính.
Vào năm 2015, cô thành lập một diễn đàn chia sẻ lời khuyên về tài chính mang tên The New Savvy nhắm vào đối tượng chủ yếu là phụ nữ Châu Á – đối tượng bị áp đặt trong quan niệm "không phù hợp để giải quyết những vấn đề tài chính".
Haotanto cho biết: "Trong một thời gian dài, người phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ Châu Á, bị áp đặt quan niệm rằng họ không giỏi trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới tiền bạc. Tôi muốn thay đổi suy nghĩ đó".
Diễn đàn The New Savvy cung cấp một loạt các chương trình học, bài báo và sự kiện trực tuyến giúp cho người dùng biết được cách làm thế nào để đồng tiền của họ "làm việc chăm chỉ hơn".
"Rất nhiều người không có mục tiêu tài chính. Họ không nhất thiết phải có thế mạnh, nhưng bạn cần cho họ biết bạn xây dựng mục tiêu tài chính cho riêng mình như thế nào".
Nữ triệu phú khuyên bạn nên lập một danh sách những mục tiêu mà bạn muốn đạt được và phân bổ thời gian cho mỗi mục tiêu ấy trước khi cân nhắc đến chiến lược đầu tư.
"Hiểu được bản thân muốn gì và khi nào đạt được những điều đó là một động lực lớn. Chính điều này đã giúp tôi lập được mục tiêu tài chính đầu tiên ở tuổi 21".