"Không cần quà, chỉ cần chú thương tụi con"

Nguyễn Thị Thu Huyền (Người sáng lập và điều hành nhóm công tác xã hội Sách và trẻ thơ) |

Mối nhân duyên của họ bắt đầu từ đây và nó thay đổi hoàn toàn hướng đi cuộc đời của anh ấy.

Anh bạn tôi từ Phần Lan sang Việt Nam du lịch, tình cờ gặp 2 đứa trẻ 10 tuổi bán vé số ở Biên Hoà. Hai đứa trẻ làm quen vì thấy anh lạ lạ, chứ không hẳn có ý định bán vé số hay xin tiền. Mối nhân duyên của họ bắt đầu từ đây và nó thay đổi hoàn toàn hướng đi cuộc đời của anh ấy.

"Tụi con chỉ muốn chơi với chú"

Anh yêu thương hai đứa nhỏ một cách kỳ lạ và ngược lại, tụi nó cũng thế. Có lẽ nhiều người sẽ nghi ngờ tụi nhỏ lợi dụng anh ấy để lấy tiền, nhưng sự thật hoàn toàn khác. Nhiều lần tụi nó đi bán về đến quán cà phê để gặp anh, trong tay vẫn còn cỡ chục tờ vé số, anh đề nghị mua giúp, tụi nhỏ nhất định từ chối. Anh mua thức ăn cho tụi nó, khi đói thì nhận, không thì chúng từ chối.

Hôm Tết, anh mua cho mỗi đứa một bộ quần áo. Nhưng đưa ra thì mặt đứa nào cũng khó chịu, tức giận. Anh ngạc nhiên hỏi qua một người dịch thì nhận được câu trả lời: Tụi nó tức giận vì anh tốn tới 400.000 đồng cho tụi nó. Tụi nó không cần quần áo mới.

Anh dắt tụi nó đến khu vui chơi. Thấy có con thú bông rất to và dễ thương, không hỏi ý tụi nhỏ, anh nghĩ tụi nó chắc chắn thích nên mua luôn. Suốt cả buổi, anh không thấy hai đứa đụng tới. Chúng chỉ hào hứng với trò trượt patin cùng anh.

Khi về, anh hỏi: "Các con vui không?". Tụi nó nói: "Con vui vì có chú chơi cùng!".

Không cần quà, chỉ cần chú thương tụi con - Ảnh 1.

Trẻ em mồ côi ở Kim Bảng, Hà Nam mê mải với những bức ảnh chân dung được chụp tặng riêng cho mình. Ảnh: Soha.vn/Trí thức trẻ

Trước khi rời Việt Nam, anh mua hộp bánh, gửi chủ quán cà phê đưa lại cho chúng. Ra sân bay, anh nhờ người bạn hỏi thăm tụi nó ăn bánh hết chưa, có thích không? Tụi nhỏ bảo: "Không, tụi con ăn từ từ, để dành đến ngày chú quay lại".

Từ lúc gặp nhau lần đầu tới giờ, cứ 2 tháng một lần, anh ấy lại sang Việt Nam gặp 2 đứa trẻ này và chơi với tụi nó 2 - 3 tuần. Tụi nhỏ dắt anh đến lớp tình thương đang học và đề nghị anh dạy tiếng Anh cho cả lớp.

Mỗi ngày, chúng gặp anh sau khi bán xong vé số buổi sáng và ở lớp học. Chúng vẫn chưa nhận đồng tiền nào của anh, ngoài những món đồ chơi lặt vặt hoặc thức ăn anh mua cho. Tụi nó luôn nói: "Con chỉ muốn chú chơi cùng con thôi! Chỉ cần chú thương tụi con thôi!".

Anh đến gặp cha mẹ chúng. Xót xa thay, hai đứa là lao động chính của cả nhà, người cha cờ bạc và người mẹ vô công rỗi nghề.

Anh đã chảy nước mắt khi kể lại cho tôi câu chuyện hai đứa nhỏ bị đánh đòn khi không kiếm đủ tiền cho gia đình và bị bỏ đói. Nhưng dù vậy, chúng vẫn không đòi hỏi sự trợ giúp tiền bạc từ anh. Tụi nó cần TÌNH YÊU THƯƠNG.

Một kinh nghiệm ngỡ ngàng

Năm ngoái, trước khi quay lại Anh, tôi cùng nhóm Sách và Trẻ thơ tổ chức một buổi vui chơi cho trẻ con ở lớp tình thương Sơn Ca - Biên Hoà. Tôi bày đúng một trò duy nhất là trò ngậm muỗng múc trái chanh trong chậu nước rồi truyền cho nhau, đồng thời trả lời câu hỏi đố vui của các anh chị từng chặng.

Thời gian có hạn nên tôi định cho 3 nhóm chơi thôi, tức trẻ cử thành viên chơi, còn lại cổ vũ. Nhưng kế hoạch phá sản, tụi nhỏ kéo tay kéo chân tôi đòi chơi cho hết. Soeur phụ trách bảo nhỏ: "Cô ơi, từ hồi đó tới giờ, lần đầu tiên tụi nhỏ được chơi và có người bày trò cho chơi".

Tụi nhỏ chơi hăng say tới nỗi tới giờ phát bánh, phát kẹo cũng không hào hứng. Ồn ào, lộn xộn quá, tôi đùa: "Giữ trật tự nhen, cô lấy lại quà nha! Có đứa đi lên, dúi gói snack trả tôi luôn".

Hoá ra, có hàng trăm nhóm từ thiện, tình nguyện đã đến, tặng quà tưng bừng rồi đi, nhưng duy nhất nhóm tôi đến đây đặt tủ sách và chương trình sinh hoạt mỗi tháng một lần.

Hoá ra chỉ nhóm tôi duy trì sự kết nối thường xuyên với tụi nhỏ và hoá ra chúng không cần bánh kẹo mỗi buổi sinh hoạt, chúng cần có người chơi cùng, có người được ôm, có người để nghe, kể lể lẫn nhau.

Buổi sinh hoạt nào cũng mệt mỏi ở cái khâu kêu tụi nhỏ chú ý vì nhiều đứa yêu quý tình nguyện viên, thấy các anh chị đến là sà vô lòng, níu tay, níu chân. Điều này cũng diễn ra tương tự với lớp tình thương ở Sài Gòn mà nhóm đang hỗ trợ.

Xin cho tụi con tình yêu thương

Tháng 11 năm ngoái, tôi bắt đầu cử nhóm tình nguyện viên của tôi lên Kon Tum để trao sách và thực hiện các chương trình hỗ trợ giáo dục cho hơn 150 đứa trẻ ở một mái ấm lui sâu trong bản làng.

Nhóm tôi không mang bất cứ khoản tìền hay quần áo, thức ăn gì cho mái ấm, ngoài sách và vài món đồ chơi. Lên đó rồi mới thấy tụi nhỏ cơm áo đều thiếu thốn. Có cái máy làm bánh mì do mạnh thường quân cho cũng không có tiền mua bột thường xuyên để làm. Khi làm thì ăn một ít, còn lại đem bán để thêm ít tiền lời mua đồ ăn khác.

Có đợt lên đúng lúc khó khăn, tụi nhỏ không có thịt, cá, trứng gì ăn suốt nhiều ngày. Khi được ăn cá thì lại là cá khô, chiên một rổ, ăn dè cả tuần.

Thế nhưng, tụi nhỏ chưa bao giờ hỏi quà bánh, tiền bạc. Mấy ngày ở cùng, tình nguyện viên dạy nấu ăn, làm đồ thủ công, dạy giáo dục giới tính, đọc sách, giao tiếp, ứng xử và chơi cùng tụi nhỏ.

Tụi nhỏ bám dính các anh chị như cái đuôi. Ngày ra về lần nào tụi nhỏ cũng níu quần níu áo, đòi các anh chị ở lại đây luôn. Bớt ăn, bớt mặc cho các anh chị ở lại cũng được! Cơ mà không biết còn gì để bớt vì tụi nhỏ cũng đã đủ ăn, đủ mặc đâu?

Tôi đã gặp bao nhiêu đứa trẻ đường phố, trẻ ở mái ấm, nhà mở, từng dạy học gần 2 năm trời thời đại học cho những đứa trẻ ở một mái ấm ở Sài Gòn, tôi thấu hiểu nhu cầu của những đứa trẻ này.

Tụi nó nhịn đói cũng giỏi, mặc đồ cũ cũ bẩn bẩn cũng được, đi đôi dép mòn vẹt cũng được, thiếu tiền lăn lóc, vất vả ngoài đường làm thuê, làm mướn, đánh giày, bán vé số gì cũng được hết nên thứ tụi nó cần hơn là tình yêu thương.

Hiểu ra điều này nên tôi đã chọn không mở rộng ồ ạt các địa chỉ hỗ trợ của nhóm Sách và trẻ thơ mà chỉ giới hạn trong một số địa chỉ để duy trì sự gắn kết lâu dài của nhóm với trẻ.

Tôi cũng chủ trương lập đội tình nguyện viên sinh hoạt ổn định ở một địa chỉ để cả trẻ và tình nguyện viên đều có thể trao gửi tình yêu thương lẫn nhau vì thực ra mà nói, trên đời này, 'yêu từ cái nhìn đầu tiên' ít lắm! Phải gắn bó mới yêu nhau được!



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại