Không cần phong tỏa, Thụy Điển “lội ngược dòng” trên trận địa Covid-19

Hồng Anh |

Không phong tỏa, không cách ly, cách tiếp cận của Thụy Điển trong cuộc chiến Covid-19 có phần khác biệt so với nhiều nước châu Âu.

Trong khi phần còn lại của châu Âu áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với người dân, ban hành lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, hạn chế các hoạt động kinh tế thì Thụy Điển lại theo đuổi cách tiếp cận có phần ít căng thẳng hơn đối với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Khác với các nước láng giềng Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy, Thụy Điển không đóng cửa biên giới hoặc các trường học. Nước này cũng không đóng cửa những cơ sở kinh doanh không thiết yếu hoặc cấm tụ tập nhiều hơn 2 người giống Anh và Đức.

Phản ứng của Thụy Điển đối với dịch bệnh Covid-19 đang được giám sát phần lớn bởi Cơ quan Y tế công cộng của nước này. Ngay từ đầu, Thụy Điển đã theo đuổi cách tiếp cận khác biệt so với bạn bè quốc tế, tin tưởng người dân sẽ áp dụng các biện pháp một cách tự nguyện để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ngăn chặn dịch bệnh dựa trên tinh thần tự nguyện

Cách tiếp cận này đã làm dấy lên sự chỉ trích từ nhiều bác sỹ và nhà khoa học bên trong Thụy Điển cũng như từ bên ngoài, ở những quốc gia đang áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, đồng thời là nhân vật quan trọng phụ trách phản ứng quốc gia đối với dịch bệnh Covid-19 lại bảo vệ quan điểm nói trên.

Phát biểu với CNBC, ông Anders Tegnell nêu rõ, mặc dù chiến lược đối phó virus SARS-CoV-2 của Thụy Điển khác biệt, nhưng nước này vẫn có cùng mục tiêu với các quốc gia khác.

“Theo quan điểm của tôi, về cơ bản tất cả các nước châu Âu đang cố gắng làm điều tương tự. Chúng ta đang cố ngăn chặn sự lây lan của virus nhiều nhất có thể để giúp hệ thống y tế không bị quá tải và đảm bảo các hoạt động xã hội. Chúng tôi đã cho thấy có một số phương pháp khác nhau để hạn chế sự lây lan của virus”.

“Thụy Điển muốn hầu hết các biện pháp được áp dụng một cách tự nguyện bởi đây là cách chúng tôi thường làm từ trước đến nay. Truyền thống lâu đời của chúng tôi cho thấy cách thức này rất hiệu quả”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Worldometers, tính đến hết ngày 30/3, Thụy Điển đã ghi nhận 4.028 ca mắc Covid-19, trong đó có 146 trường hợp tử vong. Trong khi đó tại Italy – tâm chấn dịch bệnh ở châu Âu, số ca mắc là 101.739 trường hợp, trong đó có 11.591 ca tử vong. Tây Ban Nha, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 ở châu Âu ghi nhận 87.958 ca mắc và 7.716 ca tử vong.

“Tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong tại Thụy Điển thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và đó chính xác là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện”, ông Tegnell giải thích và cho biết thêm, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Thụy Điển nhìn chung ủng hộ cách tiếp cận của Cơ quan Y tế công cộng.

Tuy nhiên, chuyên gia này không loại trừ khả năng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng tại Thụy Điển trong trường hợp số ca nhiễm gia tăng. Chính phủ và Cơ quan Y tế công cộng sẽ có “một cuộc thảo luận lớn về những biện pháp khác mà chúng tôi có thể thực hiện”, ông Tegnell cho hay.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven cho biết, việc phong tỏa Stockholm có thể được thực hiện nếu dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, nhưng biện pháp này hiện vẫn chưa được thảo luận. Trước đó, ông Stefan Löfven nhấn mạnh, thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus phụ thuộc phần lớn vào hành vi của các cá nhân.

Giảm bớt áp lực cho người dân

Dẫu cách tiếp cận khác, nhưng những gì đang diễn ra tại Thụy Điển không trái ngược hoàn toàn với phần còn lại của châu Âu. Giống như các nước láng giềng, chính phủ Thụy Điển ủng hộ việc cho người lao động làm việc tại nhà nếu có thể, tránh việc đi lại không cần thiết và khuyến khích người cao tuổi hạn chế tiếp xúc xã hội. Tất nhiên, việc tuyên truyền rửa tay thường xuyên cũng được thực hiện.

Các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và câu lạc bộ đêm được yêu cầu chỉ cung cấp dịch vụ ngồi tại chỗ. Kể từ cuối tuần qua, nước này cũng cấm việc tụ tập trên 50 người, đóng cửa các trường học. Tuy nhiên các trường có học sinh dưới 16 tuổi vẫn được phép mở cửa. Như vậy, so với các nước khác ở châu Âu, cuộc sống của người dân Thụy Điển có phần “bình thường” hơn một chút.

Tại Thụy Điển, giới chức y tế công cộng cũng phát hành các mô hình để hướng dẫn người dân thực hiện những quy định trong trường hợp khẩn cấp. Đây là mức độ mà các bệnh viện cần phải tăng cường năng lực để ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân mắc Covid-19 cần được chăm sóc chuyên khoa.

Một số ý kiến cho rằng, rất khó để biết được bao nhiêu người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng vì không có sự sàng lọc có cấu trúc tại Thụy Điển và cũng không có xét nghiệm kháng thể để biết ai đã thực sự mắc Covid-19 và đã khỏi căn bệnh này. Về cơ bản, việc đánh giá thấp tình hình dịch bệnh có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ chiến lược chống Covid-19 hiện tại của Thụy Điển. Trong số này có ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải mở cửa một số trường học để cho phép các phụ huynh – những người làm việc trong các lĩnh vực chủ chốt như chăm sóc sức khỏe, vận chuyển và cung câp thực phẩm có thể tiếp tục công việc. Mặc dù Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến trẻ em song các biến chứng tương đối hiếm gặp. Chính sách phong tỏa dài hạn không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế mà còn gây ảnh hưởng tới lĩnh vực y tế do thiếu nguồn lực. Điều này có thể khiến số ca tử vong và số ca mắc bệnh tăng cao hơn.

Theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng?

Miễn dịch cộng đồng chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi một tỉ lệ lớn người dân trong cộng đồng ấy có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" cho những người chưa bị nhiễm.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Thụy Điển đang ở mức từ 0,5% đến 1%. Nếu đưa ra so sánh thì tỷ lệ tử vong do đại dịch cúm Tây Ban Nha kéo dài từ năm 1918 đến 1919 tại nước này thậm chí cao hơn, ở một số khu vực phía bắc là 3%. Để phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng với cúm Tây Ban Nha, Thụy Điển đã hứng chịu hai đợt bùng phát trong vòng 1 năm với làn sóng thứ 2 có tỷ lệ tử vong cao hơn làn sóng thứ nhất.

Nhìn vào lịch sử, nhiều người Thụy Điển đang lạc quan rằng nước này cũng có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, bởi so với cúm Tây Ban Nha, Covid-19 vẫn không nghiêm trọng bằng, hơn nữa nhiều người mắc bệnh còn không có triệu chứng.

Theo một số nhà chuyên gia, cách thức này sẽ khiến virus lây lan nhanh hơn, nhưng nó cũng đồng nghĩa với khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ đạt đến ngưỡng khoảng 60%. Khả năng này có thể đạt được tại những quốc gia không áp dụng chiến lược ngăn chặn mạnh tay. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro là rất cao. Chiến lược này không chỉ khiến số ca tử vong gia tăng mà còn gây hậu quả lâu dài đối với xã hội và nền kinh tế.

Xét đến tình hình dịch bệnh hiện nay tại Thụy Điển với số ca mắc và ca tử vong tương đối thấp so với các nước châu Âu, chiến lược ban đầu của nước này có thể đạt hiệu quả. Nhưng trong thời gian tới, Thụy Điển có thể sẽ phải áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt hơn, tùy vào mức độ lây lan của virus, đặc biệt là ở các đô thị, hoặc khi hệ thống y tế bị quá tải./.

Không cần phong tỏa, Thụy Điển “lội ngược dòng” trên trận địa Covid-19 - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại