Sau khi mạng xã hội Facebook bị sập trên phạm vi toàn cầu vào tối 5/3, chị Ngọc Chi, 36 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) lập tức chia sẻ dòng trạng thái: “Anh có sao thì em đói nhe răng chứ không đùa" . Chị Chi cho biết chỉ thực sự hết "đau tim" sau khi Facebook hoạt động trở lại và chị có thể tiếp tục rao bán hàng, chốt đơn với khách như bình thường.
Năm 2018, chị Chi từ bỏ công việc văn phòng đã kéo dài 12 năm của mình để về mở tiệm bánh online. Sở dĩ chị đưa ra quyết định này vì công việc áp lực, vất vả và quan trọng nhất là vì chị nhận thấy việc bán hàng online cho thu nhập rất tốt. Chính vì thế, thời điểm này "nhà nhà bán hàng online, người người bán hàng online".
" Không chỉ những người thất nghiệp mới tìm đến bán hàng online mà không ít người đang có việc làm ổn định như tôi cũng bỏ việc để chuyển sang bán hàng online, khi công việc này không phải mất nhiều vốn và xoay vòng vốn nhanh ", chị Chi nói.
Chị cho biết, ngay cả lúc COVID-19 ập đến, vẫn có rất nhiều người đặt hàng của chị thông qua Facebook, công việc thuận lợi ngay cả lúc giãn cách xã hội. Cũng nhờ Facebook, chị Chi dần có thêm nhiều khách hàng thân thiết. Với công việc này, chị Chi kiếm được ít nhất cũng hơn chục triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí. Còn nếu chăm chỉ, dốc sức hơn, chị có thể kiếm nhiều hơn nữa. Đặc biệt là những buổi livestream bán hàng, nguồn hàng tiêu thụ rất tốt, mang về cho chị nguồn thu lớn.
Nhưng chị Chi kể, không ít lần chị khốn đốn do Facebook gặp sự cố. Có rất nhiều đơn hàng đang chốt dở phải dừng lại và sau đó không kết nối lại được với khách nữa. Nhiều dự định livestream cũng phải dừng lại, khiến chị phải lỡ hẹn với khách hàng.
Đỉnh điểm là tối qua, khoảng 22h ngày 5/3, như thường lệ, chị vào Facebook kiểm tra số lượng đơn đặt hàng của khách và chuẩn bị rao bán đợt hàng mới. Lúc này, chị tá hỏa khi cả Facebook, Messenger đều bị đăng xuất tài khoản. Sau thời gian chờ đợi, đăng nhập liên tục nhưng không thành công, chị Chi hoang mang lo sợ công việc bán hàng hơn 5 năm nay của mình nguy cơ bị chặn đứng.
“Chỉ còn số ít khách hàng tôi lưu số điện thoại hoặc nhắn tin qua Zalo là còn giữ được liên lạc, còn lại mất hết liên hệ. Hàng loạt câu hỏi bất chợt nổi lên trong đầu tôi: Mình sẽ làm gì nếu Facebook không hoạt động lại? Nếu không bán hàng qua Facebook, có kênh nào thay thế được không?", chị kể.
Dòng trạng thái tuy hài hước nhưng đầy lo lắng của chị Chi lập tức nhận về hàng nghìn lượt tương tác và bình luận, trong đó chủ yếu là sự đồng tình của những người cùng cảnh ngộ với chị.
“Xem ra tôi phải kết nối với khách thông qua cả Zalo, Viber và các nền tảng khác nữa để tránh tình trạng xảy ra như tối qua" , chị Chi chia sẻ và cho biết mình đã kêu gọi nhiều người bán hàng online thân thiết “chuyển nhà" sang các nền tảng mạng xã hội khác.
Chị Minh Anh, chuyên bán hoa quả online, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng bày tỏ nỗi niềm sau sự cố của Facebook: “Ôi trời, đau hết cả tim. Sổ nợ thì toàn lưu trên tin nhắn Messenger. Nhỡ may nó sập hẳn thì phá sản".
Chị Minh Anh cũng nhận ra tính nghiêm trọng khi việc bán hàng của mình lệ thuộc chỉ vào một nền tảng mạng xã hội. “ Sau lần này, tôi phải chăm chỉ ghi chú đơn hàng, nợ đọng vào sổ, không thể quá tin tưởng Facebook được. Ngoài ra cũng cần phải lập nhóm Zalo để phòng trường hợp bất đắc dĩ ".
Tuy nhiên, không chỉ người dùng các nền tảng của Meta (công ty mẹ của Facebook) mà người dùng ở các nền tảng mạng xã hội khác cũng tỏ ra hoang mang, lo lắng khi thời gian gần đây các mạng xã hội gặp sự cố.
Chị Lê Đặng, 24 tuổi, chỉ trong vòng 3 tháng không có việc làm đã xây kênh Tik tok đã có thể kiếm tiền trên nền tảng mạng xã hội này bằng việc liên kết tài khoản Tik tok của bản thân với các gian hàng phù hợp trên Tik tok. Công việc đơn giản đến mức chị không còn muốn tìm việc làm ở các công ty khác nữa.
“Khi ngộ ra cách kiếm tiền trên Tik tok, tôi đã xây dựng liền 10 kênh, quá nửa đã đủ điều kiện kiếm tiền. Nền tảng mạng xã hội này cũng đã mang về khoản thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng" , chị Đặng cho biết và dự tính chỉ 2 tháng nữa, thu nhập của chị sẽ nhân đôi, thậm chí nhân ba chỉ nhờ với việc sử dụng mạng xã hội này.
Tuy nhiên, sau những sự cố gây chấn động toàn cầu của các mạng xã hội, chị Đặng cho biết sẽ dự tính lại đường đi nước bước trong tương lai. “Xem ra tôi vẫn phải tìm một công việc ổn định và chỉ coi việc làm trên Tik tok như là một việc làm thêm. Đồng thời cũng tìm hiểu thêm các nền tảng mạng xã hội khác nữa" , chị nói.