Khối ngoại mạnh tay gom cổ phiếu ngân hàng, những mã nào đã hết room?

Quốc Thuỵ |

Hiện một số mã ngân hàng đã hết room ngoại là ACB, MBB; thậm chí lượng sở hữu của khối ngoại tại một số ngân hàng đã vượt mức cho phép như TCB hay VPB.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần 21-25/3 ghi nhận sự hồi phục đáng kể khi chỉ số chính VN-Index tăng 29,4 điểm (2%) lên mức 1.498,5 điểm. Trong khi đó HNX-Index cũng tăng 10,54 điểm (2,34%) lên 461,75 điểm và UPCoM-Index tăng 0,96 điểm (0,83%) lên 117 điểm.

Một trong những yếu tố giúp thị trường đi lên có sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau 4 tuần bán ròng liên tiếp thì khối này đã quay đầu mua cổ phiếu Việt Nam trong tuần vừa qua. Theo đó, nhóm nước ngoài mua vào 202 triệu cổ phiếu trị giá 10.459 tỷ đồng và đồng thời bán ra 159 triệu cổ phiếu có giá trị 7.988 tỷ đồng. Tựu chung lại, nhóm này mua ròng gần 2.472 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng, khối ngoại cũng đẩy mạnh ''gom hàng'' tại một loạt ''cổ phiếu vua''. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 9,5 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tương ứng giá trị gần 319 tỷ đồng. Nhóm này cũng mua thêm gần 70 tỷ đồng cổ phiếu SHB và 17 tỷ đồng cổ phiếu LPB.

Sau khi bán ròng liên tục trong những tuần giao dịch đầu tháng 3, khối ngoại cũng quay đầu mua ròng gần 1,9 triệu cổ phiếu HDB, giá trị xấp xỉ 53 tỷ đồng. Sự đảo chiều của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh HDBank đã chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 vào ngày 23/3 để tổ chức vào ngày 22/4/2022.

Theo kế hoạch, cổ đông ngân hàng sẽ thảo luận và thông qua các nội dung, kế hoạch kinh doanh với mục tiêu cao, hướng tới vị trí ngân hàng bán lẻ trong top dẫn đầu. Tầm nhìn năm 2025, HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận đạt mốc tỷ đô.

Liên quan đến cổ phiếu này, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng giám đốc HDBank - mới đây đã hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB nhằm mục đích đầu tư.

Tuần qua, khối ngoại cũng gom thêm gần 33.000 cổ phiếu VIB, tương đương giá trị 1,5 tỷ đồng. Với đợt mua ròng này, lượng cổ phiếu VIB do các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đã tiệm cận mức tối đa cho phép là gần 318,4 triệu đơn vị, tương đương 20,5% vốn ngân hàng. Trong những phiên giao dịch tới, nhóm này chỉ có thể mua thêm 600 cổ phiếu VIB.

Trước đó, VIB đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào ngày 17/3 và thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 35%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021 so với mức thực hiện năm 2021.

Ngoài những mã kể trên khối ngoại cũng tích cực mua ròng tạị VCB (38 tỷ đồng), TPB (11,2 tỷ đồng), VPB (1,72 tỷ), NVB (2 tỷ đồng), EIB (1,3 tỷ đồng),…

Ở chiều ngược lại BID và CTG là hai mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 28 tỷ và 47 tỷ đồng.

Số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy, hiện một số mã ngân hàng đã hết room ngoại là ACB, MBB; thậm chí lượng sở hữu của khối ngoại tại một số ngân hàng đã vượt mức cho phép như TCB (6.390 cổ phiếu) hay VPB (99 cổ phiếu). Những cổ phiếu này nếu "hở room’’ thường lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đang tiệm cận mức tối đa cho phép như OCB, VIB, MSB.

Ngược lại, vẫn còn không ít ngân hàng còn trống nhiều room cho khối ngoại như SHB với khối lượng có thể mua thêm lên tới hơn 708 triệu đơn vị. Con số này tại HDB là hơn 120 triệu, STB (hơn 176 triệu), CTG (hơn 204 triệu), VCB (hơn 300 triệu), BID (hơn 668 triệu),…

Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài đã đưa ra quan điểm tích cực về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022.

Trong báo cáo mới đây, quỹ ngoại VinaCapital dẫn kết quả điều tra mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý IV/2021, các ngân hàng tại Việt Nam đánh giá tình hình kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt so với quý III. Các ngân hàng cũng đánh giá tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa trong quý I/2022 và cả năm 2022.

"Rủi ro tín dụng được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2022", VinaCapital đưa quan điểm.

Còn theo các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam, 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể, tín dụng năm 2022 được dự báo được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận bình quân toàn ngành dự báo đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Bên cạnh đó là nhiều thông tin hỗ trợ như một số ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền; được chấp thuận tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Được biết trong tháng 3 vừa qua, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã mua thêm một lượng lớn cổ phiếu Sacombank và MB, trở thành cổ đông lớn tại hai ngân hàng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại