Khởi động chương trình Làm sạch biển Việt Nam

Nguyễn Hoài |

Chương trình sẽ bắt đầu tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 8/2022, kéo dài 5 năm trên toàn bộ dải ven biển Việt Nam với hoạt động chính là dọn sạch bãi biển 28 tỉnh thành.

Sáng nay (15/6), Tạp chí Tòa án nhân dân phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường họp báo phát động Chương trình Làm sạch biển.

Các hoạt động chính của Chương trình gồm dọn sạch rác thải tại bãi biển của các tỉnh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Tổ chức lắp đặt, trao tặng các thùng rác công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích khách du lịch bỏ rác đúng nơi quy định.

Ngoài ra, Chương trình sẽ tặng quà các gia đình học sinh nghèo, cán bộ, chiến sỹ hải quân, biên phòng, các gia đình ngư dân vượt qua khó khăn, tích cực ra khơi, bám biển. Tổ chức các chương trình hoạt động nghệ thuật lan tỏa thông điệp làm sạch biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của cộng đồng.

Chương trình đặt mục tiêu trao tặng ít nhất 5000 suất học bổng cho học sinh nghèo, 5.000 quà tặng cho các hộ ngư dân nghèo, 10.000 thùng rác, 500 biển hiệu tuyên truyền, 500 loa phát thanh, 5 triệu tài liệu tuyên truyền cho các địa phương có biển.

Khởi động chương trình Làm sạch biển Việt Nam - Ảnh 1.

Rác thải nhựa đang là vấn đề ô nhiễm môi trường nhức nhối trên toàn cầu.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, câu chuyện rạn san hô ở vịnh Nha Trang bị suy thoái nghiêm trọng là hồi chuông cảnh tỉnh với môi trường biển, cần có sự vào cuộc ngay và quyết liệt của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như người dân.

Theo ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân, Trưởng ban tổ chức, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, việc làm sạch biển cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp và của mọi người dân. Chương trình đặt ra mục tiêu góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường biển đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó có sự chuyển biến về nhận thức đến hành động bảo vệ môi trường biển.

Chương trình làm sạch biển sẽ khởi đầu ở Hà Tĩnh vào tháng 8/2022, tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2022, sau đó là Kiên Giang (tháng 12/2022). Dự kiến trong vòng 5 năm, Chương trình sẽ làm sạch biển tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước.

Theo ông Trần Quốc Việt, Chương trình sẽ có sự tham gia của đội ngũ đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, lực lượng ngư dân, hải quân, biên phòng bám biển. BTC cũng sẽ xây dựng và duy trì đội tình nguyện viên tại các địa phương, thực hiện làm sạch biển hàng tuần, hàng tháng.

Theo nhóm nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu quản lý biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trên 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng thải ra biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới. Ô nhiễm nhựa đại dương được coi là vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Bà Adriana Dinu, Giám đốc Tài chính Môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) từng cảnh báo, nếu xu hướng ô nhiễm nhựa đại dương tiếp tục gia tăng, đến năm 2050 đại dương của chúng ta có nhiều nhựa và nilon hơn cá. Vì vậy, phải loại bỏ nhựa dùng một lần, từ chối những thứ không thể tái sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại