Theo đó, VATM được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư các công trình phục vụ quản lý bay tại Dự án sân bay Long Thành . Tổng mức đầu tư đài kiểm soát không lưu gần 3.500 tỷ đồng do VATM tự huy động.
Các công trình quản lý bay gồm: Đài Kiểm soát không lưu; trạm radar; trạm thu/phát sóng vô tuyến và hệ thống giám sát tự động; trạm radar khí tượng; đài dẫn đường; hệ thống giám sát đa điểm; hệ thống quan trắc thời tiết tự động; hệ thống cảnh báo gió đứt; hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu; hệ thống cấp điện trung thế.
Công trình chính của dự án là đài Kiểm soát không lưu, được thiết kế theo ý tưởng hình búp sen có màu sắc và kết cấu kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách và các công trình xung quanh. Tháp điều hành cao 123m. Hệ thống thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hiện đại nhất hiện nay, có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.
Phối cảnh đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành giai đoạn 1 (Ảnh: VATM).
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với mục tiêu là cảng hàng không quốc tế cấp 4F, có diện tích 5.000 ha.Dự kiến các công trình quản lý bay sẽ hoàn thành đưa vào khai thác chính thức trong năm 2025, tương ứng với thời gian hoàn thành xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là hơn 300.000 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng; đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện từ 2020 - 2025.
Trong 4 dự án thành phần của đại dự án này, dự án thành phần 2 là các công trình phục vụ quản lý bay được Thủ tướng giao cho VATM làm chủ đầu tư.
Khi hoàn thành, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.