Năm 2010, ông L.Q.D. mua 254,4m2 đất ở tỉnh Bình Phước. Ông hoàn tất thủ tục chuyển tên chủ sở hữu đất. Lúc đó, gia đình ông V.C. xây nhà sát bên. Cho rằng hàng xóm xây lấn sang mảnh đất gia đình mình khoảng 39,5m2, ông D. khởi kiện đòi đất. Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM hủy bản án phúc thẩm lẫn sơ thẩm vụ kiện Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông L.Q.D. với bị đơn là ông V.C. (cùng ngụ tỉnh Bình Phước).
Chứng cứ lật ngược thế cờ
Suốt quá trình xét xử các cấp, gia đình ông C. nhất quyết không trả đất. Bị đơn giải thích đây là tài sản vợ chồng ông mua từ người chủ cũ. Do chưa có điều kiện nên vợ chồng ông chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Việc chuyển nhượng có giấy tay, có cả người làm chứng. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D., buộc gia đình ông C. phải trả 39,5m2 đất.
Kết luận của đoàn thanh tra địa phương sau khi xác minh sự việc
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2018, chính quyền địa phương bất ngờ phát hiện tình tiết mới và đề nghị tòa án xem xét lại; đồng thời, VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại TP xét xử tái thẩm theo hướng hủy án. Xem xét chứng cứ mới, TAND Cấp cao tại TP chấp nhận đề nghị do chính quyền địa phương và VKS gửi lên.
Theo TAND Cấp cao tại TP HCM, trong quá trình giải quyết vụ án, người bán đất (theo lời khai bị đơn C.) không thừa nhận có giao dịch với gia đình bị đơn C. Căn cứ lời khai đó, hai cấp tòa tuyên bố nguyên đơn thắng kiện.
Sau đó, vì bức xúc kết quả xử án, gia đình ông C. chống đối quyết liệt việc thi hành án, ông C. tự sát sau khi gây thương tích cho nhiều người trong gia đình ông D. Thấy vụ tranh chấp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hai bản án khiến người dân bức xúc nên chính quyền địa phương lập đoàn thanh tra xác minh lại nguồn gốc phần đất.
Đặc biệt, đoàn thanh tra trưng cầu giám định chữ ký trong giấy tay mua bán đất mà bị đơn C. nộp tòa án trước đó. Kết quả giám định chứng minh lời khai của bị đơn C. về việc mua đất bằng giấy tay là sự thật.
Chưa hết, cơ quan giám định phát hiện có người giả mạo chữ ký ông C. trong hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ đối với diện tích đất ông D. mua rồi làm thủ tục sang tên sau này. Giấy CNQSDĐ này là căn cứ ông D. khởi kiện. Với chứng cứ không thể chối cãi, người bán đất cho bị đơn thừa nhận bản thân không trung thực.
TAND Cấp cao tại TP HCM nhận định đây là những tình tiết mới mà các đương sự không thể biết trong quá trình giải quyết vụ án; làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Từ đó, cơ quan xét xử quyết định hủy hai bản án, giao cơ quan xét xử có thẩm quyền xét xử lại từ đầu.
Nơi bị đơn C. tự sát vì phản đối kết quả xử án
Mang tin nhắn… đi kiện công ty
Vừa qua, ông N.T.K. (ngụ TP HCM) khởi kiện nơi ông làm việc. Cho rằng phía sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với người lao động không đúng quy định pháp luật, ông K. khởi kiện yêu cầu công ty nhận lại ông vào làm việc.
Không chỉ vậy, nguyên đơn đòi bồi thường hơn 400 triệu đồng. Làm việc với tòa án, nguyên đơn cung cấp một đĩa CD, trong đó chứa nhiều hình ảnh nguyên đơn chụp từ màn hình điện thoại và máy tính hiển thị những đoạn tin nhắn trao đổi giữa ông với hai người (quản lý người nước ngoài và đại diện theo pháp luật công ty).
Ông K. cho biết đó là những tin nhắn trên ứng dụng nội bộ công ty. Hiện bản gốc tin nhắn không còn vì công ty đã xóa khỏi ứng dụng trên. Giải thích về nội dung tin nhắn, quản lý người nước ngoài (nhắn tin với ông K.) nhớ lại: "Năm 2017, ông K. nhắn tin trong ứng dụng, nói rằng ông sẽ bàn giao công việc và tài liệu trước khi nghỉ. Do sự việc trôi qua quá lâu rồi nên việc tìm lại tin nhắn là rất khó".
Tại tòa, nguyên đơn khẳng định đĩa CD là chứng cứ có giá trị. Đại diện bị đơn phản bác với lập luận: "Tài liệu ông K. đưa ra đơn giản là ảnh chụp những đoạn nói chuyện qua lại; không rõ nguồn gốc truy xuất cũng như không rõ thông tin các bên tham gia trao đổi. Chứng cứ như vậy không có giá trị".
Tòa án kết luận pháp luật không có căn cứ chấp nhận chứng cứ với hình thức và nội dung như nguyên đơn cung cấp. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. "HĐXX chỉ chấp nhận chứng cứ gốc. Cụ thể trong trường hợp này, những tin nhắn trên phải còn lưu trữ và có thể truy cập vào trong ứng dụng. Nếu đương sự in chứng cứ thành văn bản thì phải kèm dữ liệu gốc, đường dẫn truy cập" - chủ tọa phiên tòa giải thích.
Tương tự, đại diện VKSND TP nhận thấy cơ quan xét xử chỉ có thể xem tài liệu ông K. cung cấp là nguồn tham khảo chứ không thể coi đó là căn cứ quyết định kết quả vụ kiện.