Cảnh quay đáng kinh ngạc về một vệt sao băng rực lửa trên bầu trời đêm ở ngoài khơi bờ biển Tasmania lan truyền trên mạng xã hội.
Quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện trên bầu trời
Cảnh quay từ một chiếc thuyền nghiên cứu ngoài khơi bờ biển Tasmania cho thấy các mảnh vỡ không gian nhấp nháy màu xanh lá cây rực rỡ trước khi vỡ ra.
Con tàu có tên gọi RV Investigator do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Úc (CSIRO) điều hành.
Giám đốc Hành trình CSIRO John Hooper cho biết: "Thiên thạch băng qua bầu trời ngay phía trước con tàu và sau đó vỡ ra. Thật tuyệt vời khi xem đoạn phim và chúng tôi cảm thấy rất may mắn vì đã ghi lại được hình ảnh tất cả các buổi phát trực tiếp trên tàu. Kích thước và độ sáng của sao băng thật đáng kinh ngạc".
Theo một bài đăng trên blog CSIRO, sao băng có màu xanh lục sáng, xuất hiện vào ngày 18/11. Vị trí xuất hiện ở vùng biển Tasman, khoảng 96 km ngoài khơi bờ biển Tasmania ở phía nam.
Các chuyên gia trên thuyền hiện đang tiến hành lập bản đồ đáy biển cho Parks Australia và chạy thử nghiệm các thiết bị hàng hải trên biển.
Chuyên gia thiên văn học của CSIRO, Glen Nagle cho biết đoạn video như một lời nhắc nhở rằng không gian rất rộng lớn bao la.
Ông Nagle nói: "Ước tính có khoảng hơn 100 tấn mảnh vỡ không gian tự nhiên xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất mỗi ngày. Hầu hết là không thể nhìn thấy vì sự xuất hiện xảy ra ở những khu vực không có dân cư như những vùng biển phía nam. Nhiều thiên thạch từng là tiểu hành tinh, du hành xuyên không gian theo quỹ đạo của riêng mình. Khi chúng đi vào bầu khí quyển của Trái Đất, sự xâm nhập của chúng có thể rất ngoạn mục".
Hàng nghìn mảnh vụn không gian với nhiều mảnh trong số đó là thiên thạch được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA theo dõi trong suốt nhiều năm để xác định quỹ đạo của chúng.
May mắn rằng hầu hết những mảnh đó đều quá nhỏ nên khó có thể gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Trái Đất. Trong khi đó những mảnh thiên thạch lớn đến mức có thể gây nguy hiểm sẽ không tấn công Trái Đất trong thời gian gần.