Khoảng trống quyền lực

Dương Trí |

Sự qua đời đột ngột của ông Islam Karimov, Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Uzbekistan kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, đã để lại “khoảng trống quyền lực” có khả năng gây ra bất ổn chính trị tại Trung Á, hủy hoại các nền tảng an ninh khu vực, nơi thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị lực lượng Hồi giáo cực đoan tấn công.

Ngày 3/9, hàng ngàn người dân Uzbekistan xếp hàng trên các đường phố chính của thủ đô Tashkent để tiễn đưa Tổng thống Islam Karimov, qua đời trước đó một ngày ở tuổi 78, sau khi đột quỵ.

Lễ tang của Tổng thống Karimov được cử hành trọng thể và xúc động với sự tham dự của nhiều quan chức và lãnh đạo thế giới.

Thế nhưng, bầu không khí tang thương bao trùm khắp đất nước Uzbekistan vẫn không làm "hạ nhiệt" chủ đề nóng bỏng: ai sẽ là người kế nhiệm?

Trong suốt 25 năm nắm quyền lãnh đạo đất nước Uzbekistan, ông Karimov thực thi chính sách "bàn tay sắt", nhờ đó chế ngự được lực lượng Hồi giáo cực đoan và các phong trào phản kháng khác, cân bằng lợi ích các phe phái chính trị, giúp nước này thống nhất, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, ông Karimov lại không có chính sách đào tạo thế hệ kế cận hay tự lựa chọn người kế nhiệm mình như một số nhà lãnh đạo trong khu vực và thế giới đã từng làm.

Vì vậy, sự qua đời đột ngột của Tổng thống Karimov khiến người dân Uzbekistan cảm thấy bất an và lo lắng với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp: liệu sự an toàn và ổn định dưới thời ông Karimov sẽ được tiếp tục duy trì?

Đặc biệt trong bối cảnh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang "hoành hành" ngay tại quốc gia láng giềng Afghanistan; các "ông lớn" như Mỹ, Trung Quốc và Nga thể hiện sự "ủng hộ" như thế nào đối với các cử viên Tổng thống Uzbekistan? Theo Hiến pháp Uzbekistan, Chủ tịch Thượng viện Nigmatilla Yuldashev sẽ tạm thời nắm quyền điều hành đất nước.

Hiện, nhiều cái tên được nhắc tới với tư cách là ứng cử viên "nặng ký" trở thành lãnh đạo tiếp theo của quốc gia đông dân nhất (30 triệu người) ở khu vực Trung Á này.

Trong số các ứng cử viên tiềm năng đáng chú ý có Phó thủ tướng thứ nhất Rustam Azimov - một chính khách thân phương Tây, người đã theo sát ông Karimov kể từ khi Uzbekistan độc lập; Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Uzbekistan ông Rustam Inoyatov, hay bà Lola Karimova Tillyaeva cũng có cơ hội kế nhiệm cha mình.

Theo giới phân tích, hiện khó có thể xác định được ai sẽ trở thành người lãnh đạo tiếp theo của Uzbekistan thời kỳ "hậu Karimov", bởi vì hiện tồn tại 7 phe phái chính trị mạnh trên thực tế đang quản lý đất nước.

Do có nhiều nhân vật "nặng ký" ứng cử vào chức Tổng thống Uzbekistan nên không loại trừ khả năng xảy ra xung đột kéo dài trong nhiều năm giữa các phe phái chính trị, thậm chí đối mặt với nguy cơ tái diễn kịch bản nổi dậy đẫm máu xảy ra tại thành phố Andijan vào năm 2005 làm hơn 50 người thiệt mạng.

Nếu bất ổn chính trị xảy ra tại Uzbekistan, quốc gia có tới hơn 90% dân số theo đạo Hồi, luôn bị lực lượng cực đoan lợi dụng để gia tăng ảnh hưởng, sẽ không chỉ tình hình an ninh tại Trung Á bị tác động tiêu cực mà còn cả các khu vực lân cận.

Hơn nữa, dưới thời cố Tổng thống Karimov, Tashkent nỗ lực thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng giữa các nước lớn.

Ông Karimov không ngần ngại "tống khứ" căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi lãnh thổ Uzbekistan, cũng như thẳng thừng từ chối tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEC).

Trong chính sách đối ngoại của Nga, những nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), trong đó có Uzbekistan luôn được ưu tiên hàng đầu.

Moskva công khai coi SNG là "khu vực đặc quyền ảnh hưởng" của mình. Sự thay đổi lãnh đạo ở Uzbekistan cũng tác động trực tiếp tới Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư số tiền lớn vào một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước Trung Á trong khuôn khổ hiện thực hóa sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Không chỉ quan trọng đối với Moskva và Bắc Kinh, Tashkent còn khiến Washington rơi vào vị thế rất cần sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia láng giềng Afghanistan. Vì vậy, ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Uzbekistan đang là mối quan tâm hàng đầu của các "ông lớn".

Khoảng trống quyền lực mà cố Tổng thống Karimov để lại quá lớn, đẩy Tashkent đối mặt với vô số khó khăn thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài.

Điều này đòi hỏi các phe phái chính trị phải nhanh chóng tìm được giải pháp thỏa hiệp để tiếp tục duy trì Uzbekistan trong quĩ đạo ổn định và phát triển.

Trong trường hợp ngược lại, kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng của Uzbekistan sẽ khép lại và một giai đoạn bất ổn được mở ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại