Khoảng 50 tỷ USD cho các dự án LNG ở Việt Nam, Bangladesh và Pakistan có nguy cơ bị hủy bỏ?

Anh Vũ |

Tờ South China Morning Post nhấn mạnh, do giá cả biến động theo hướng ngày càng tăng, các quyết định đầu tư LNG trên khắp châu Á sẽ có thể bị ảnh hưởng.

Sức nóng thay đổi chính sách hỗ trợ tài chính đối với nhiên liệu hóa thạch

Đầu năm nay, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư châu Âu Werner Hoyer đã tuyên bố tầm nhìn của ngân hàng về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch rằng: "Thời kỳ của nhiên liệu hóa thạch đã kết thúc". Kể từ đó, các quan chức châu Âu đã kêu gọi Ngân hàng Thế giới dừng việc cho vay đối với các dự án khí đốt trên toàn cầu, chấm dứt hỗ trợ than và dầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống cũng đã cam kết sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính công cho những dự án phát triển nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Những thay đổi chính sách về tài chính đối với nhiên liệu hóa thạch không chỉ được áp dụng ở phương Tây. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã thông báo sẽ ngừng cấp vốn cho dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Đây được đánh giá là thông tin đáng chú ý bởi Nhật Bản vốn là nước tài trợ nhiều dự án điện đốt than tại các nước đang phát triển khu vực châu Á.

Điều này kéo theo những thay đổi tương tự về chính sách tại một số ngân hàng thương mại của Nhật Bản, bao gồm cả Sumitomo Mitsui Banking Corp và Mizuho Bank. Vào tháng 2, Mitsubishi Corp đã rút khỏi một dự án điện than lớn ở miền Nam Việt Nam và cam kết ngừng tham gia vào các dự án than mới ở nước ngoài.

Mặc dù các ngân hàng phát triển đa phương áp dụng các chính sách trên vẫn tương đối chậm, song sức nóng về sự thay đổi chính sách từ các ngân hàng châu Á và áp lực từ phương Tây ngày càng rõ rệt. Ngân hàng Phát triển châu Á tới đây sẽ phát hành bản dự thảo mới về chính sách năng lượng kéo dài hàng thập kỷ.

Gánh nặng dần tăng khi năng lượng tái tạo ngày càng rẻ

Đối với nhiều quốc gia châu Á, các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng trở thành gánh nặng tài chính, đặc biệt khi các công nghệ mới liên quan đến điện gió và năng lượng mặt trời ngày càng nâng cao chất lượng cũng như giảm giá thành.

Tại nhiều quốc gia, bao gồm Bangladesh, Pakistan và Indonesia, công suất điện than đang quá lớn, dẫn đến ngày càng nhiều các nhà máy hoạt động kém hiệu quả và nhận trợ cấp đền bù của Chính phủ. Tại Pakistan, các khoản "thanh toán theo công suất" này dự kiến đạt 10 tỷ USD/năm vào năm 2023. Đây là một gánh nặng tài chính rất lớn.

Vấn đề tương tự sẽ có khả năng xảy ra với cơ sở hạ tầng liên quan đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt là khi giá cả biến động mạnh. Giá LNG tăng vọt trong giai đoạn mùa lạnh tại Đông Bắc Á vào hồi tháng Giêng đã có tác động lập tức đến các quốc gia đang phát triển, khiến nhiều cuộc đấu thầu cho các chuyến hàng LNG đến Bangladesh và Pakistan đã bị hủy.

Nếu không tìm được các nguồn LNG đáng tin cậy và giá cả phải chăng, cơ sở hạ tầng lĩnh vực này sẽ không phát triển, từ đó chính phủ sẽ phải đưa ra các khoản trợ cấp và giá điện sẽ tăng đáng kể.

Bộ trưởng Năng lượng của quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, Qatar, đã cảnh báo giá sẽ tăng đột biến hơn nữa, trong khi S&P Global Ratings cập nhật đánh giá rủi ro ngành dầu khí từ "trung bình" lên mức "cao vừa phải" vào hồi tháng Giêng.

Bên cạnh đó, các quyết định đầu tư LNG trên khắp châu Á sẽ có thể bị ảnh hưởng do giá nhiên liệu và hóa thạch cao, nhu cầu dài hạn ngày càng giảm cùng với giá năng lượng tái tạo rẻ hơn. Khoảng 50 tỷ USD dự án LNG khắp Việt Nam, Bangladesh và Pakistan có nguy cơ bị hủy bỏ do giá cả biến động theo hướng ngày càng tăng.

Khoảng 50 tỷ USD cho các dự án LNG ở Việt Nam, Bangladesh và Pakistan có nguy cơ bị hủy bỏ? - Ảnh 2.

Sự cố mất điện trên diện rộng ở Rawalpindi, Pakistan ngày 10/1 khiến hàng triệu người chìm trong bóng tối. Ảnh: AP

Cái kết của những cuộc khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực năng lượng

Kế hoạch 5 năm của Bangladesh (2020-2025) nhấn mạnh rằng việc phụ thuộc vào LNG hay than nhập khẩu đồng nghĩa với việc hoặc tăng giá điện, hoặc tăng trợ cấp, hoặc áp dụng cả hai. Đây là một gánh nặng không bền vững. Ngoài ra, các khoản trợ cấp đã kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo ở Bangladesh, khi công suất điện tại đây vốn đã quá lớn.

Nhiều vấn đề tương tự cũng xảy ra tại Pakistan, khi khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực điện về cơ bản đang rất tệ. Đáng chú ý, nợ do trợ cấp nhiên liệu hóa thạch một phần và các khoản thanh toán quá công suất dự kiến sẽ lên đến hơn 17 tỷ USD vào cuối năm tài chính này.

Cũng trong năm nay, thuế điện đã tăng lần thứ 2 nhằm ngăn chặn các khoản nợ đang gia tăng cùng áp lực từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế của nước này. Pakistan mới đây đã tiếp cận Trung Quốc về vấn đề xóa nợ đối với các khoản vay điện than.

Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Imran Khan của Pakistan đã bất ngờ thông báo "sẽ không có thêm bất kỳ dự án năng lượng mới nào được làm từ than đá". Tuyên bố này đã khiến hàng loạt nhà máy điện than đã rút khỏi thị trường, và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay.

Các khoản tài trợ trong quá khứ đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á trở nên phụ thuộc vào than vào LNG, dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực năng lượng. Việc phụ thuộc nhiều vào than và LNG sẽ dẫn đến các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch ngày càng lớn và không bền vững, cùng với sự gia tăng của thuế điện. Cả hai yếu tố này đều sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại