Khoán xe công: "Bộ Tài chính đã làm thì nên triển khai ra cả nước"

N. Huyền |

ĐBQH Bùi Việt Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vấn đề khoán xe công đã được đưa ra từ lâu, hiệu quả ai cũng thấy rõ nhưng việc triển khai còn chậm.

Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công

Ngày 21/9, Bộ Tài chính ban hành quyết định số 1997/QĐ-BTC về việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).

Theo đó, kinh phí hằng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi (loại 4 chỗ) phổ biến trên thị trường.

Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. Số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).

Theo cách tính này, Bộ Tài chính có 3 Thứ trưởng nhận mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng (nhà cách công sở khoảng 15km), 2 Thứ trưởng nhận mức khoán 5,28 triệu đồng/tháng (nhà cách công sở khoảng 8km) và Thứ trưởng ở gần công sở nhất nhận mức khoán 3,96 triệu đồng/tháng.

Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được điều chỉnh 12 tháng một lần, tính từ khi Bộ phê duyệt đơn giá khoán.

Số tiền khoán kinh phí sử dụng xe được chi trả cùng với kỳ trả lương cho từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán còn khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán sẽ do đoàn xe của Văn phòng Bộ Tài chính xác định.

Tháng 8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn và chế độ quản lý, sử dụng xe công theo hướng thắt chặt xe công.

Sau đó, Bộ Tài chính đã rà soát so với quy định mới thấy thừa 7.000 xe công trên cả nước. Trong khi đó, năm 2015 cả nước vẫn mua mới 600 xe công.

Nên mở rộng đối tượng khoán xe công

Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề khoán xe công, ĐBQH Bùi Việt Phương cho biết, các chuyên gia đã đánh giá rằng việc khoán xe công giúp giảm kêu ca, oán thán của người dân khi thấy xe công đi việc riêng, đi lễ hội, đi đủ mọi việc.

“Tôi đã cho rằng nên khoán xe, các đối tượng được hưởng chế độ xe công phục vụ công tác thì khoán cho các anh tùy theo chức vụ, đặc thù công việc đi nhiều hay đi ít.

Toàn bộ xe công ở các địa phương hiện nay dồn hết về một đơn vị, coi như một đơn vị sự nghiệp có thu. Xe ấy khoán hết cho đơn vị, sau đó những cán bộ thuộc đối tượng được sử dụng xe công nếu đi công tác thì gọi đội xe phục vụ.

Đi nhiều trả tiền nhiều, đi ít trả tiền ít. Như vậy vẫn đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác vừa phát huy hiệu quả. Từ lái xe trở đi họ cũng có trách nhiệm sử dụng xe, bảo dưỡng xe.

Như vậy nhà nước cũng không phải bỏ tiền ra để nuôi bộ máy lái xe nữa mà đơn vị đó tự thu, tự chi, tự trang trải và tự cạnh tranh với các hãng xe khác.

Đó cũng là cách để các đội xe cạnh tranh, đào thải yếu tố kém hiệu quả ra ngoài” – ĐBQH Việt Phương nói.

Theo ĐBQH Bùi Việt Phương, với cách khoán như vậy Nhà nước không phải mua xe, không phải lo việc sửa chữa xe. Tuy nhiên ông Phương cũng nhận định: “Hiệu quả ai cũng thấy rõ nhưng xem ra triển khai chậm.

Thủ tướng đã có chủ trương, Bộ Tài chính đã làm thì nên triển khai ra cả nước.

Theo tôi không làm như Bộ Tài chính là khoán từ nhà đến cơ quan đối với các thứ trưởng mà nên khoán cho cả những đối tượng cán bộ công chức được chế độ xe công phục vụ công tác”.

“Ví dụ, bình thường đi xuống làm việc hoặc dự hội nghị ở một huyện thì mỗi cán bộ đánh một xe xuống nhưng nếu là khoán thì có thể 4- 5 cán bộ rủ nhau đi chung một xe. Như thế thì tiết kiệm cho cả cá nhân và cho nhà nước.

Bây giờ nhà nước bỏ ra mua một cái xe, nuôi một lái xe, chi phí xăng xe, sửa chữa cho một cái xe tính ra một năm lớn hơn nhiều lần hơn nhiều so với tiền khoán.

Đáng lưu ý, nếu thực hiện được việc này tôi tin sẽ không phải ai đi giám sát việc dùng xe công vào việc tư. Tốt như thế thì tại sao không triển khai? ” – ĐBQH Việt Phương băn khoăn.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nên khuyến khích xe các hãng tư cung cấp cho dịch vụ công.

Ví dụ Bộ có thể thuê hãng xe nào đó thay vì ngân sách phải bỏ tiền để mua xe, rồi trả lương, trả tiền xăng... như ở Nhật Bản cũng đã áp dụng hình thức thuê này từ lâu.

Cách đây hơn 10 năm, bà Chi Lan đi công tác Nhật Bản thì đã thấy ở đất nước này chỉ có Thủ tướng mới sử dụng xe do nhà nước mua, còn các cấp khác đi xe tư nhân cung cấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại