Khoan nói Triều Tiên, vùng đất cách xa TQ này có thể sẽ phá hỏng "sự ăn ý" Trump-Tập

Thủy Thu |

"Ngoài Triều Tiên thì trong quan hệ song phương vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn có thể phá hỏng sự ăn ý mới được hình thành tại Florida giữa hai ông Trump-Tập", học giả Mỹ cho biết.

Ngày 2/4, trong một bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên tạp chí Financial Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nếu Trung Quốc không giải quyết được vấn đề Triều Tiên, Washington sẽ làm điều đó.

Ông Jon Connars - Chuyên gia phân tích đầu tư mạo hiểm Mỹ kiêm ký giả tờ Asia Tines (Hồng Kông) nhận định, rất nhiều quốc gia từng là nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng quan điểm của Mỹ và Trung Quốc nhưng Triều Tiên chắc chắn là quốc gia khiến Mỹ cảm thấy đau đầu nhất.

Trong khi, dư luận đều cho rằng, trong khoảng năm năm tới, Bình Nhưỡng rất có thể sẽ phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đủ sức vươn tới Mỹ.

"Do những cơn "địa chấn chính trị" như ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hay Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội, chính quyền Triều Tiên dường như nhận được sự khích lệ khiến Bình Nhưỡng ngày càng đi xa trên con đường nguy hiểm", chuyên gia Mỹ bình luận.

Ông cũng cho hay, do có vị trí địa lý giáp với Trung Quốc nên vấn đề Triều Tiên luôn trở thành chủ đề nhạy cảm trong quan hệ Trung-Mỹ.

"Bên cạnh cục diện Triều Tiên leo thang căng thẳng là vấn đề gai góc trong quan hệ Trung-Mỹ thì trong quan hệ song phương vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn khác có thể phá hỏng sự ăn ý mới được hình thành tại Florida giữa hai ông Trump-Tập", Connars nhấn mạnh.

Khoan nói Triều Tiên, vùng đất cách xa TQ này có thể sẽ phá hỏng sự ăn ý Trump-Tập - Ảnh 1.

Sự ăn ý mới được hình thành giữa hai ông Trump-Tập có thể bị phá hỏng bởi mâu thuẫn mới trong quan hệ song phương. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc dần thay thế Mỹ

Học giả Mỹ đánh giá, trong vòng 20 năm qua, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đã vượt ra ngoài phạm vi Đông Á, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới.

Ví như việc Trung Quốc không ngừng tìm kiếm nguồn cung ứng tài nguyên như dầu mỏ để duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển sản xuất công nghiệp. Điều này vô hình trung khiến Bắc Kinh trở thành đối thủ cạnh tranh, thậm chí thay thế Mỹ.

Theo đó, 10 năm trước, nguồn dầu mỏ cung ứng từ Sudan đã đóng góp 10% lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đã đầu tư 1 tỷ USD xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại Sudan như đường ống dẫn dầu và hệ thống lọc dầu, đồng thời xuất khẩu vũ khí cho quốc gia này.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Nam Sudan tách khỏi Sudan (hay còn gọi Bắc Sudan) và tuyên bố độc lập khiến Trung Quốc nhanh chóng thay đổi chính sách đầu tư do phần lớn giếng dầu Bắc Kinh xây dựng nằm trên lãnh thổ Nam Sudan.

"Trên thực tế, Bắc Kinh đã từ bỏ duy trì chính sách thuần kinh tế với Nam Sudan. Trung Quốc đã chứng tỏ, bản thân là nhân tố quan trọng trong các vấn đề của quốc gia này", Connars nhận định.

Đặc biệt, kể từ năm 2013 khi nội chiến Nam Sudan bùng nổ, Trung Quốc đã liên tục gây áp lực lên chính phủ nước này, thuyết phục chính quyền đương nhiệm tiến hành đàm phán với phe đối lập. Đến năm 2015, Bắc Kinh trở thành quốc gia giám sát, giúp hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình.

Theo học giả Mỹ, sự can thiệp của Bắc Kinh đã dẫn đến sự chú ý đặc biệt của Washington bởi cùng với việc Trung Quốc ngày càng trở nên quen thuộc với vai trò mới - "người bảo vệ lợi ích an ninh khu vực"- thì vị thế của Mỹ tại khu vực này bị suy yếu.

Đặc biệt, tại khu vực Đông Phi, xu hướng này đang ngày càng trở nên rõ rệt. Ví như, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự tại Djibouti - cách Camp Lemonnier, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi khoảng 13km.

Đáng chú ý hơn, hiện tại Nhà Trắng phải trả giá thuê đất 63 triệu USD/năm cho căn cứ quân sự tại Djibouti trong khi chính quyền Bắc Kinh chỉ mất 20 triệu USD/năm.

Ông Connars cho biết, chính quyền Djibouti đồng ý cho Trung Quốc thuê đất với mức giá thấp như vậy là do nước này nhận được nguồn đầu tư lớn từ Bắc Kinh trong khi họ chỉ nhận được lượng đầu tư hạn chế từ Washington.

Kim ngạch đầu tư của Trung Quốc tại Djibouti ước tính đạt khoảng 14 tỷ USD, bao gồm xây dựng hai sân bay mới, mở rộng cảng Djibouti. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nối liền từ Djibouti đến Ethiopia - đối tác thương mại của Djibouti.

Trong năm 2017, khu vực mậu dịch tự do - nguồn vay từ Trung Quốc - với diện tích 48km2 đã được bắt đầu khởi công nhằm giúp kim ngạch thương mại hai nước này đạt 7 tỷ USD trong hai năm tới.

Ngược lại, giá trị lương thực Mỹ viện trợ cho Djibouti mỗi năm chỉ đạt tầm 4 triệu USD cùng một số dự án y tế và giáo dục nhỏ. Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại giao dịch song phương chỉ đạt 153 triệu USD mỗi năm.

Trong khi đó, việc các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh hợp tác với Djibouti đã giúp Bắc Kinh nhanh chóng thay thế vị trí của Washington tại quốc gia Đông Phi này.

"Khi chuỗi cung ứng của Trung Quốc ngày càng toàn cầu hóa, sự đảo ngược vai trò Trung-Mỹ e rằng sẽ xuất hiện càng nhiều trên thế giới", Connars bình luận.

Học giả Mỹ nhận định, dù việc Mỹ-Trung đối đầu về vấn đề biển Đông hay các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên mới đang thu hút sự chú ý của thế giới nhưng chính châu Phi - vùng đất cách xa Trung Quốc lại có thể là khu vực "thâm canh" quan trọng nhất của Bắc Kinh, cũng là khu vực khiến lợi ích của Washington đang bị tổn hại nhất.

"Đồng thời với việc xem xét yêu cầu phối hợp đối phó Bình Nhưỡng từ Washington, Trung Quốc sẽ tiếp tục loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi và xa hơn thế", Connars kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại