Trái đất vẫn còn rất nhiều loài vật chưa được biết đến, nên việc tìm ra một sinh vật mới dù quan trọng nhưng cũng không phải là điều quá gây ngạc nhiên.
Nhưng như loài rắn mới được công bố gần đây thì khác. Bởi lẽ, nơi khoa học tìm ra nó là... bên trong bụng của một con rắn khác.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Texas tại Arlington (Mỹ) trong quá trình "khám nghiệm tử thi" của một con rắn san hô Trung Mỹ (Micrurus nigrocinctus) đã tìm thấy xác của một loài rắn khác với danh tính chưa được xác nhận trong lịch sử sinh học loài người.
Nhưng điểm đặc biệt là cái xác của con rắn san hô kia vốn được một người nông dân trồng cọ Julio Ornelas-Marti'nez bắt được vào tháng 7/1976 trong rừng Cerro Baúl (Peru). Nó đã được bảo quản trong hơn 40 năm qua, chỉ để đợi đến khi có ai đó mổ bụng nó ra và tìm ra loài rắn mới kia.
Được biết, con rắn san hô do Ornelas-Marti'nez tìm thấy có màu sắc sặc sỡ cùng nọc độc chết khá mạnh, đồng thời nổi tiếng là chuyên săn các loài rắn khác.
Ban đầu, các nhà khoa học mổ bụng con rắn và thấy vài điểm kỳ lạ, nhưng họ không đưa vào báo cáo mà quyết định bảo quản con rắn, gửi đến viện bảo tàng để nghiên cứu sâu hơn. Và rồi phải hơn 40 năm sau, người ta mới đụng đến nó, và phát hiện ra loài rắn mới kia.
Theo Jonathan A. Cambell, tác giả nghiên cứu, loài rắn mới đã được đặt tên là Cenaspis aenigma - tiếng Latin, có nghĩa là "bữa tối bí ẩn". Cambell cho biết loài rắn này có một vài đặc điểm khác biệt so với đa số các loài khác hiện nay. Đầu tiên là cái đuôi không phân nhánh, tạo thành một mảng lớn. Bộ phận sinh dục và hình dạng hộp sọ của nó cũng khá kỳ lạ.
Cenaspis không phải là một loài rắn lớn. Nó chỉ dài khoảng 25cm, và có vẻ dành hầu hết thời gian trong ngày để trốn dưới lòng đất - dựa trên hình dạng thon dài của hộp sọ.
Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi chỉ có thể được giải đáp khi các nhà nghiên cứu thực sự quan sát được chúng ngoài đời.
"Màu sắc của chúng không có gì đặc biệt, chỉ là màu nâu nhạt," - Cambell viết trong bản báo cáo. "Màu sắc và hoa văn ít ỏi này không phải hiếm với các loài rắn đào đất. Tuy nhiên nó cũng có một số nét đặc biệt, như một chuỗi các đốm đen hình chữ nhật và tam giác, tạo thành 3 sọc dọc theo chiều dài cơ thể."
"Lý do vì sao loài rắn này có hoa văn lạ như thế vẫn là một dấu hỏi lớn. Nó không giống bất kỳ loài rắn nào ở Trung Mỹ."
Hơn nữa, các loài rắn đào đất thông thường chỉ săn những con mồi thân mềm, như sên hoặc giun đất. Nhưng với Cenaspis, nó sở hữu hàm răng phù hợp với những con mồi cứng cáp hơn, như bọ cánh cứng, rết khổng lồ...
Nếu thực sự đây là một loài rắn đào đất thì việc nó trốn thoát khỏi tầm mắt của giới nghiên cứu cũng không có gì khó hiểu. Nhưng nếu không phải thì câu hỏi đặt ra là: liệu chúng có còn tồn tại không, khi từ năm 1976 đến nay vẫn chưa ai nhìn thấy chúng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Herpetology.