Theo định nghĩa, ký ức là quá trình diễn ra liên tục của hành động lưu giữ thông tin theo thời gian, chúng tạo nên một “kịch bản” mà dựa vào đó, một người có thể luận ra lý lẽ và hành động trong thực tế. Dù mô tả được đến vậy, với chúng ta ký ức vẫn chứa đựng vô vàn bí ẩn.
Một số sự kiện được não bộ lưu giữ một cách rõ ràng dù chúng xảy ra đã lâu, trong khi đó có những sự kiện mờ dần vào quên lãng dù mới diễn ra ngày hôm qua. Để giải thích một phần bí ẩn kỳ lạ này, các nhà khoa học thực hiện một loạt các nghiên cứu, và báo cáo vừa mới được xuất bản trên tạp chí Science hồi cuối tháng Ba.
Họ phát hiện ra rằng não bộ của con người cũng như một số loài động vật có vú khác mang trong mình cơ chế chọn lọc trải nghiệm cuộc sống, đánh giá đâu là thông tin đủ quan trọng để biến nó thành ký ức dài hạn, và đâu là thứ nên trôi về hư vô.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy trong khi não bộ tỉnh táo, tế bào trong hồi hải mã sáng lên theo một mẫu hình được các nhà khoa học gọi là “gợn sóng não sắc sảo”, đánh dấu đâu là những trải nghiệm quan trọng để giúp não bộ lưu chúng lại trong khi ngủ.
Dù nghiên cứu được thực hiện trên chuột, một số quá trình xử lý nhất định của não động vật có vú không thay đổi nhiều trong suốt quá trình tiến hóa, vậy nên phát hiện mới có thể hé lộ một vài điều về cách não bộ con người hoạt động. Đây là nhận định của tác giả báo cáo khoa học, giáo sư khoa học thần kinh György Buzsáki.
Trong thử nghiệm, giáo sư Buzsáki và các cộng sự đã cho chuột tìm đường ra khỏi mê cung, với mồi ngọt được đặt ở lối thoát. Các điện cực gắn vào não chuột được dùng để theo dõi tín hiệu não bộ chuột trong quá trình “tẩu thoát”, đồng thời ghi lại dữ liệu vào máy tính.
Nhóm nghiên cứu quan sát được rằng khi chuột dừng lại ăn, những gợn sóng sắc sảo nói trên xuất hiện lặp lại liên tục trong não bộ, có khi nhiều tới 20 lần. Trong khi chuột ngủ, những gợn sóng này được “phát lại” trong não: đây chính là quá trình não biến trải nghiệm ban sáng của chuột thành ký ức dài hạn.
Nhờ giấc ngủ, não bộ đã phân định đâu là trải nghiệm đủ quan trọng để biến thành ký ức. Các nhà nghiên cứu cũng để ý thấy những sự kiện không sinh ra gợn sóng não sắc sảo sẽ không được tận dụng. Theo lời giáo sư Buzsáki, sự kiện đánh dấu sự kiện đáng nhớ diễn ra trong buổi sáng một cách vô thức.
“Não bộ tự đưa ra quyết định, chứ không phải chúng ta chủ động làm vậy”, giáo sư cho hay.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta vẫn có cách riêng để tăng cơ hội biến trải nghiệm thành ký ức dài hạn.
Theo ông Buzsáki, nếu chúng ta dừng lại một chút sau một trải nghiệm (giống như những gì con chuột trong thí nghiệm đã thực hiện), hành động này có thể giúp não bộ biến sự kiện thành ký ức dài hạn. Não bộ cần một khoảng thư giãn, không tập trung vào thứ gì, để sóng não sắc sảo có cơ hội hình thành.
Lấy ví dụ thực tế, ông Buzsáki cho rằng nếu bạn xem liên tục hết một mùa phim truyền hình, bạn sẽ chỉ nhớ được tập cuối cùng mình xem. “Nếu như muốn nhớ một bộ phim vừa xem xong, bạn nên tản bộ chút đỉnh”, giáo sư cho hay.
Theo NBC