Rác nhựa, mỗi năm có đến hàng triệu tấn xuất hiện ngoài đại dương, khiến cuộc sống của các sinh vật biển và hệ sinh thái nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi thôi. Bề chìm của rác nhựa còn phải kể đến các hạt vi nhựa - microplastic. Chúng là các hạt nhựa siêu nhỏ, có thể lọt ra ngoài môi trường một cách dễ dàng thông qua đường ống nước, theo gió, theo mưa ngấm vào đất. Và thậm chí, chúng còn chạm đến cả những vùng núi được cho là tách biệt nhất đối với con người.
Đầu tiên, khoa học tìm ra các hạt vi nhựa ở dãy núi Pyrenees (Pháp), sau đó là dãy Rocky của Bắc Mỹ. Và giờ núi Everest - đỉnh cao nhất của Trái đất cũng đã xuất hiện hạt vi nhựa.
"Tôi đã không biết kết quả gì sẽ xuất hiện (khi nghiên cứu về Everest), nhưng điều bất ngờ là hạt vi nhựa xuất hiện trong mọi mẫu tuyết tôi thu thập để phân tích," - trích lời Imogen Napper, nhà khoa học được mệnh danh là "thám tử nhựa" từ ĐH Plymouth.
"Núi Everest là nơi tôi luôn cho là tách biệt và sơ khai. Để biết rằng nhựa đã xâm lăng đến khu vực này thực sự là điều không tưởng."
Trước đây, sự chú ý của nhân loại dành cho việc ô nhiễm nhựa trên các đại dương. Nhưng theo các nghiên cứu gần đây, có rất nhiều sợi tổng hợp đang lẩn trốn trong đất và nguồn nước - chủ yếu đến từ quần áo của chúng ta.
Thành phố gần nhất với Everest là Kathmandu, cách đó 160km. Dẫu vậy, nóc nhà của thế giới cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của hạt vi nhựa. Nghiên cứu phân tích tuyết và nước ngọt trong khu vực cho thấy sự hiện diện của các hạt vi nhựa ở đó - cũng là dấu vết ở nơi cao nhất từng được ghi nhận.
Các khu trại trên Everest đang biến nó thành một bãi rác cao nhất thế giới
Cụ thể, trong mọi mẫu tuyết được thu thập từ năm 2019 đều có dấu vết của hạt nhựa. Lượng nhựa tập trung trong đó lớn hơn so với các mẫu nước chảy xuống từ núi, nhưng lý do có thể vì nước chảy quá nhanh và vì băng tan cũng khá thường xuyên.
Khu trại chính tại Everest cũng bị ô nhiễm nhựa khá nặng. Đây là nơi các nhà leo núi lưu lại - có thể cả tháng trời hoặc hơn, và dù rác họ thải ra có được thu gom gọn gàng cỡ nào cũng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Các hạt nhựa được tìm thấy trong nghiên cứu có kích cỡ nhỏ hơn 5mm, chủ yếu dưới dạng sợi polyester, sợi tổng hợp hoặc nylon - những vật liệu polymer vốn sử dụng trong quần áo của chúng ta và nhiều vật dụng như dây thừng, lều, cờ...
"Vậy nên, nhiều khả năng các hạt vi nhựa này đến từ quần áo và vật dụng của các nhà leo núi," - tác giả nghiên cứu kết luận.
Trước kia, núi Everest từng được mô tả là "bãi rác cao nhất thế giới". Trong hàng thập kỷ, lượng người đến đây thám hiểm đã tăng lên rất nhiều, kéo theo lượng rác thải không nhỏ xuất hiện. Năm 2019, quân đội Nepal đã thực hiện một chiến dịch dọn dẹp, thu gom được 10 tấn rác. Tuy nhiên, không phải rác nhựa nào cũng dễ thu lại, nhất là với hạt vi nhựa.
"Việc nghiên cứu về hạt vi nhựa tại vùng núi chưa từng xuất hiện trước kia," - Napper cho biết. "Nhưng chúng có tồn tại, và việc thu gom chúng lại là rất khó."
Gió cũng là một vấn đề. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hạt vi nhựa có thể theo gió tới những nơi xa xôi nhất. Đây có thể cũng là lý do vì sao hạt vi nhựa xuất hiện tại Everest, bởi xét cho cùng gió vẫn là một yếu tố hiện diện thường xuyên ở đây.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể biết hạt vi nhựa sẽ gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe con người và hệ sinh thái. Nhìn chung, chúng ta hấp thụ trung bình khoảng 70.000 hạt vi nhựa mỗi năm, nhưng ngưỡng nhiễm độc thì chưa được xác nhận.
"Đây là những mẫu vi nhựa ở nơi cao nhất từng được tìm thấy," - Napper chia sẻ thêm. "Hạt nhựa đã được tìm thấy ở cả những nơi sâu nhất dưới đại dương nữa."
"Hạt vi nhựa hiện tại đang rất phổ biến trong môi trường, nên rõ ràng đây là lúc cần tìm ra một giải pháp. Chúng ta cần bảo vệ và quan tâm hơn đến tinh cầu này."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Press.
Nguồn: Science Alert