Luật chơi tự nhiên và những kẻ phá luật
"Sinh lão bệnh tử" là luật chơi chung của tự nhiên. Dù vậy, từ xa xưa, con người đã luôn tìm cách "lách luật" để có thể trường sinh bất lão.
Lịch sử phương Đông và phương Tây đã chứng kiến nhiều phương pháp bất tử mê tín như phương thuốc từ thủy ngân của Tần Thủy Hoàng, "rượu ngon các vị thần" của người Hy Lạp cổ đại... Những phương pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn đầu độc người sử dụng đến chết.
May mắn thay, việc theo đuổi sự bất tử giờ đây được soi sáng bởi khoa học. Thay vì tìm một phương thuốc thần thánh, con người chuyển sang tìm kiếm sự "bất tử về mặt sinh học".
"Bạn có thể chết, nhưng ý tưởng ở đây là bạn không già đi" Micheal Rose, giáo sư tại Đại học California cho biết, "bất tử về mặt sinh học là trạng thái không còn già đi hoặc không còn bị mất chức năng sinh lý nữa."
Các nhà nghiên cứu bắt đầu với việc tìm hiểu về những loài vật khỏe mạnh và có tuổi thọ ấn tượng trong tự nhiên.
Trong số đó, cá mập là loài vật sống khỏe mạnh nhất trong đại dương, không chỉ có vóc dáng cường tráng, loài này còn rất ít khi mắc bệnh.
Một nghiên cứu của Đại học Texas A&M cho thấy, ngay cả khi cá mập dành vài năm bơi trong nước biển chứa đầy tác nhân gây ung thư aflatoxin, khả năng bị ung thư của chúng vẫn không cao. Bí mật của hệ miễn dịch tuyệt vời này nằm ở sụn vi cá mập. Sụn vây cá chứa một chất ức chế sự phát triển của mạch nuôi khối u, khiến cá mập có sức đề kháng mạnh mẽ.
Cá mập không hoàn toàn miễn nhiễm với ung thư nhưng chúng có sức đề kháng rất mạnh mẽ. Ảnh: Internet
Ngoài cá mập, nhiều sinh vật khác cũng có tuổi thọ cao "ngất ngưởng", trong đó có loài còn hiện thực hóa giấc mơ bất tử của con người: Loài rùa.
Cổ ngữ Trung Hoa có câu "Thiên niên vương bát, vạn niên quy" hàm ý rùa chính là sinh vật có khả năng trường thọ. Tuổi thọ của rùa trong tự nhiên dao động từ 150 -200 năm, con rùa sống lâu nhất được ghi nhận bởi kỷ lục Guiness là Jonathan vừa đón sinh nhật 188 tuổi vào năm nay.
Cá Koi - Quốc ngư Nhật Bản cũng nổi tiếng là loài sống lâu. (Ảnh: Mongarden)
Một đối thủ gây bất ngờ khác trên "đường đua tuổi thọ" chính là cá Koi, loài vật có thể sống tới 100-200 năm.
Ngao Bắc Cực cũng được phát hiện là có tuổi đời tới 405 năm, có con còn sống tới 500 năm khi quan sát số tuổi qua kết cấu vỏ ngao.
Tuy nhiên, tất cả những loài vật kể trên sẽ không thể "so bì" với hai loài sinh vật tiền sử: Bọt biển Nam Cực và sứa bất tử. Bọt biển Nam Cực có tốc độ phát triển rất chậm do nhiệt độ cực thấp của băng biển Nam Cực, một số trong số chúng đã sống hơn 1.550 năm tuổi.
Còn sứa bất tử là đỉnh cao của các loài sống lâu, nhìn chung các nhà khoa học đều cho rằng loại sinh vật này có khả năng sống mãi, bởi chúng không chỉ có tuổi thọ cao mà còn có khả năng "trẻ hóa".
Bọt biển Nam Cực và sứa bất tử, hai sinh vật tiền sử "trêu ngươi" thần chết (Ảnh: Sohu)
Chúng sẽ quay ngược vòng đời từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó tiếp tục phát triển. Cho đến nay, đây là loài duy nhất được coi là "bất tử về mặt sinh học", tuy nhiên, chúng vẫn chết dưới tay những kẻ săn mồi và yếu tố bên ngoài.
Ngừng chết nghĩa là ngừng tiến hóa
Nhiều sinh vật đang tồn tại như "trêu ngươi" quy luật tự nhiên khi vẫn khỏe mạnh khi lớn tuổi hoặc sở hữu tuổi thọ cao bất ngờ. Vậy nếu học theo những sinh vật trên, liệu con người có thể sống mãi?
Các nhà khoa học cho rằng đây không phải ý tưởng tốt.
Trước hết, nguồn tài nguyên trên Trái đất là có hạn. Ngay cả khi con người hiện có thể khai thác năng lượng Mặt trời, năng lượng gió và các nguồn năng lượng sạch khác, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng vào ngày nào đó.
Quan trọng hơn nữa, lý do con người trở thành loài cao cấp có tư duy vượt bậc như ngày này là do chúng ta đã tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên.
Trên thực tế, bất tử không phải một món quà, bất tử là dấu hiệu ngừng tiến hóa của một loài. Theo giáo sư Micheal Rose từ Đại học California, các sinh vật luôn già đi vì quá trình này đi kèm với với sự tiến hóa, dưới sự chi phối của bộ gen.
Những sinh vật kể trên đều có tuổi thọ đáng ngưỡng mộ nhưng cũng dễ nhận ra loài nào sống càng lâu thì hình thức sống càng đơn giản, chúng nhạy cảm hơn với môi trường và có khả năng thích nghi kém với sự biến đổi lớn.
Lấy sứa bất tử làm ví dụ, dù sứa có thể tiếp tục phát triển và thậm chí "trẻ hóa" nhưng chúng thực sự rất mong manh, sự xâm phạm của bất kỳ kẻ săn mồi nào hoặc sự thay đổi nhỏ nhất của nhiệt độ nước cũng sẽ khiến sứa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có thể thấy, ở những loài đơn giản ít tiến hóa nhất, hầu hết các tế bào của chúng là tế bào gốc. Các tế bào này có khả năng phân chia và biệt hóa liên tục thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Ở người, những tế bào "toàn năng" như vậy chỉ xuất hiện trong vài ngày đầu tiên của quá trình phát triển phôi.
Bởi vậy, nếu phải trả giá cho sự bất tử bằng một cuộc sống "đơn bào" mong manh, chúng ta có sẵn sàng đánh đổi hay không?
Bài viết tham khảo từ Sohu, Kurzweil