Khó khăn bủa vây kinh tế Trung Quốc: Lạm phát tăng, biến chủng Delta đe dọa cỗ máy xuất khẩu

Thu Hương |

Các nhà hoạch định chính sách đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: lạm phát tăng trong khi tăng trưởng giảm tốc. Tình hình dịch bệnh thì xấu đi và khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nặng nề hơn.

Những rủi ro đe dọa kinh tế Trung Quốc đang tích tụ nhiều hơn trong nửa cuối của năm 2021, với tăng trưởng giảm tốc trong khi áp lực lạm phát tăng cao, "phủ bóng đen" lên triển vọng NHTW tung ra các biện pháp hỗ trợ.

Theo báo cáo vừa được công bố cách đây ít giờ, chỉ số lạm phát giá sản xuất đã tăng 9% trong tháng 7 do giá hàng hóa leo thang, trong khi chỉ số lạm phát lõi (loại trừ những yếu tố biến động mạnh như thực phẩm và nhiên liệu) tăng mạnh nhất 18 tháng.

Chỉ số giá sản xuất tăng mạnh chủ yếu là do giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu mỏ và than đá. Bắc Kinh đã cố gắng kiềm chế đà tăng bằng cách mở kho dự trữ chiến lược lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, nghiêm khắc trừng phạt các hành vi đầu cơ tích trữ và yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước giảm bớt ảnh hưởng từ thị trường hàng hóa quốc tế.

Lạm phát lõi tháng 7 tăng 1,3% so với 1 năm trước, cho thấy lực cầu nội địa vẫn đang khá mạnh. Giá thực phẩm giảm 3,7% so với 1 năm trước, chủ yếu là do giá thịt lợn đã giảm tới 43,5%.

Cùng lúc đó, sự lây lan của biến chủng Delta đang đe dọa triển vọng của kinh tế Trung Quốc. Một loạt tổ chức như các ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý III và cả năm, đồng thời dự báo NHTW nước này sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách.

JPMorgan dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,7% trong quý III và 8,9% trong cả năm, thấp hơn các con số 7,4% và 9,1% mà ngân hàng này đưa ra trước đó. Goldman cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 từ 8,6% xuống còn 8,3%.

Những số liệu mới nhất khiến bài toán mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt càng trở nên phức tạp hơn. Trước đó họ đã cam kết sẽ tung các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Giờ đây một số chuyên gia kinh tế đánh giá nguy cơ lạm phát sẽ khiến dư địa để NHTW hành động bị thu hẹp, trong khi một số lại nhận định bối cảnh bất ổn hiện nay là mối lo ngại lớn hơn và do đó sẽ thôi thúc Trung Quốc nới lỏng chính sách hơn nữa.

"Vì dịch bệnh quay trở lại, lực cầu nội địa sẽ yếu đi và áp lực lạm phát nhìn chung giảm xuống", Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao tại ngân hàng ANZ nói. "Mặc dù giá cả vẫn ở mức cao, không có nhiều động lực để giá tiếp tục tăng mạnh, vì thế chính sách tiền tệ không phải chịu áp lực quá lớn".

Tuy nhiên Zhou Hao, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Commerzbank chi nhánh Singapore, lại cho rằng đến cuối năm nay chỉ số lạm phát giá sản xuất sẽ vào khoảng 6%, khiến khả năng hạ lãi suất là rất nhỏ.

Những dữ liệu mới nhất cũng cho thấy lực cầu trên toàn cầu đang giảm xuống – điều không hề tốt cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc. Trong tháng 7, xuất khẩu chỉ tăng trưởng 19,3%, thấp hơn dự báo do thời tiết khắc nghiệt và các ổ dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như vận tải tại nhiều địa phương. Cước vận chuyển cao kỷ lục ăn mòn vào lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.

"Các nhà hoạch định chính sách đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: lạm phát tăng trong khi tăng trưởng giảm tốc. Tình hình dịch bệnh thì xấu đi và khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nặng nề hơn", Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpont Asset Management nhận định.

Phương pháp tiếp cận "không khoan nhượng" của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh đồng nghĩa hoạt động vận chuyển hàng hóa và đi lại ở biên giới bị ách tắc nhiều hơn, gây thêm áp lực cho chuỗi cung ứng, ông nói.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu GDP tăng trưởng hơn 6% trong năm nay. Zhu Baoliang, chuyên gia kinh tế trưởng của 1 think-tank, dự báo mức tăng trưởng 6,3% và 5% trong quý III và quý IV, tăng trưởng cả năm vào khoảng 8,7%.

Hiện đang dấy lên nhiều đồn đoán NHTW Trng Quốc sẽ nới lỏng chính sách một lần nữa sau khi bất ngờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hồi tháng 7. Trong cuộc họp Bộ Chính trị cuối tháng trước, các lãnh đạo đã cam kết sẽ bổ sung các biện pháp hỗ trợ hướng đến các mục tiêu cụ thể.

JPMorgan dự báo Trung Quốc sẽ có 2 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nữa vào tháng 10 và tháng 1, cùng với giảm lãi suất các khoản vay trung hạn. "Tâm trạng của nhà đầu tư hiện rất mong manh. Vẫn chưa rõ tình hình sẽ tiếp tục diễn biến ra sao và các khoản đầu tư sẽ bị ảnh hưởng như thế nào", 1 báo cáo mới đây của JPMorgan nhận định.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại