Trong mắt mọi người, tiếp viên hàng không luôn là một nghề đầy hào nhoáng: nhìn sang chảnh, được vi vu đó đây đó, thu nhập "khủng", sắm hàng hiệu đều tay.
Tuy nhiên, công việc nào nếu bạn phải làm hàng ngày và chịu trách nhiệm với nó thì cũng đều tạo cho bạn những áp lực đáng kể. Nghề tiếp viên hàng không cũng vậy! Để trở thành một tiếp viên bạn cũng phải trải qua kỳ huấn luyện gắt gao, chấp nhận tính chất của nghề và đôi khi có những hi sinh phía sau những chuyến bay mà người ngoài không thể nào hiểu được.
Cùng lắng nghe tâm sự về nghề của những tiếp viên ở nhiều vị trí khác nhau đến từ các hãng bay, để xem có góc khuất nào trong nghề vốn được gắn mác là "sang chảnh" này?
"Thật ra bọn mình cực lắm, phải dậy sớm về khuya"
Trâm Anh, tiếp viên của Bamboo Airlines chia sẻ: "Thật ra bọn mình cực lắm, phải dậy sớm về khuya. Nhiều khi gia đình đang ăn cơm hay đang ngày lễ Tết, bọn mình vẫn phải xách vali đi. Những lần chuyến bay bị hoãn hay thời tiết xấu, không về được thì tâm trạng cũng rất sốt ruột. Tiếp viên hàng không đúng là có mức lương ổn định, nhưng chúng xứng đáng với những gì bỏ công sức ra thôi. Nói chung, những ai chọn nghề này thường vì 2 lý do chính: 1 là vì yêu nghề và đam mê, 2 là để lo và phụ giúp gia đình".
Trâm Anh đã làm tiếp viên hàng không được 3 năm
"Phải trải qua những kì huấn luyện rất căng"
"Chúng mình phải trải qua các kì huấn luyện rất căng với khối lượng kiến thức cực lớn hoàn toàn bằng tiếng Anh, và mỗi năm đều phải quay lại FTC để ôn tập, nâng cấp và kiểm tra kiến thức.
Nhìn nhẹ nhàng, thướt tha trong tà áo dài như vậy thôi nhưng chúng mình biết cách xử lý khi bị đe doạ bom lúc đang bay, khống chế hành khách gây rối, chữa cháy trên trời, ứng phó trong tình huống có không tặc, hỗ trợ khách thoát hiểm khẩn cấp dưới nước và trên đất liền, các kĩ năng sinh tồn sau thoát hiểm...", Phương Ly, tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines kể lại.
Phương Ly đã có 6 năm công tác ở VietNam Airlines
"Sẽ cảm thấy lo lắng hoặc lạc lõng ở những nơi xa lạ"
"Ngành hàng không cũng như bất kì ngành nghề nào khác, đều có nhiều thứ được và mất. Với cá nhân Thảo, mình thấy với công việc này mình được nhiều hơn mất nên mình rất thích.
Mặt khác thì cũng có chút thiệt thòi, tiếp viên hàng không đôi khi không thể ở cạnh gia đình trong những dịp quan trọng, có lúc sẽ cảm thấy lo lắng hoặc lạc lõng ở những nơi xa lạ", Dương Thu Thảo, tiếp viên khoang thương gia của Vietnam Airlines trải lòng.
Dương Thu Thảo cũng khẳng định làm ở khoang thương gia không hề nhàn hơn khoang thường vì khi phục vụ phải chú ý đến rất nhiều tiểu tiết
"Khó yêu đương hẹn hò vì đi sớm, về muộn"
"Mọi người thường nghĩ làm tiếp viên hàng không nhàn, lương cao nhưng thực ra cái gì cũng có cái giá của nó [...] Mình toàn bị tưởng là có nhiều người theo đuổi lắm nhưng thực sự không phải. Công việc này đúng là có cơ hội gặp gỡ nhiều người nhưng đâu có dễ mà tìm được người yêu.
Chưa kể, tiếp viên hàng không có đặc thù nghề nghiệp là đi sớm về muộn, trái giờ giấc sinh học nên cũng khó yêu đương, hẹn hò. Mình cứ đi làm về mệt là lăn ra ngủ hoặc dành thời gian tập thể thao là hết ngày rồi", Vương Tiểu Băng, tiếp viên của Bamboo Airlines cho biết.
Tiểu Băng thường đi sớm về muộn
"Phải khéo léo, mềm mỏng với khách khó tính"
"Nghề này khoẻ ở chỗ là ít nặng về đầu óc, làm xong là về nhà không cần nghĩ ngợi nhiều. Chỉ mệt mỏi ở khoản giờ giấc thất thường, không cố định, ăn uống cũng không thể đúng bữa. Đôi khi gặp phải một số khách khó tính thì cũng phải khéo léo, mềm mỏng một chút", Tống Khánh Linh, tiếp viên trưởng của Pacific Airlines tâm sự.
Khánh Linh lên chức tiếp viên trưởng khi mới 21 tuổi
Ảnh: Instagam NV