'Khó chồng khó' với các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn ở Trung Quốc

Mỹ Linh |

Lâu nay các công ty muốn kinh doanh ở Trung Quốc luôn phải thỏa hiệp rất nhiều điều nếu muốn theo đuổi thành công. Giờ đây, một cuộc tranh cãi ngoại giao leo thang xung quanh vấn đề Tân Cương đang biến sự lựa chọn vốn đã khó khăn của họ nay càng trở nên nan giải hơn bao giờ hết: đặt mục tiêu lợi nhuận hay các nguyên tắc đạo đức lên trước?

Những căng thẳng xung quanh khu vực Tân Cương - nơi các nhà chức trách Mỹ, EU và Anh cáo buộc chính phủ Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác - đã gây ảnh hưởng ngày càng nhiều tới các doanh nghiệp và các mối quan hệ thương mại trong những tháng gần đây.

Bắc Kinh đã kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng các trại giam giữ của họ trong khu vực là "trung tâm đào tạo nghề" được thiết kế để chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Nhưng tuần trước, một thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã bị nghi ngờ sau khi các quan chức giao dịch các lệnh trừng phạt đối với Tân Cương.

Vài ngày sau, H&M, Nike, Adidas và các nhà bán lẻ phương Tây khác đã bị tẩy chay ở Trung Quốc vì lập trường của họ là phản đối sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương. H&M thậm chí còn bị "đá" khỏi các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc.

"Chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng nghiệp tại Trung Quốc, làm mọi thứ có thể để kiểm soát những thách thức hiện tại và tìm ra con đường phía trước", H&M cho biết trong một tuyên bố tuần trước.

Bắc Kinh đã nói rõ rằng các tập đoàn đa quốc gia phải tuân theo các quy tắc của họ nếu còn muốn hoạt động tại Trung Quốc, và nếu muốn được "ưu ái" khỏi các luật lệ hà khắc thậm chí còn phải nói một vài lời tốt đẹp về Trung Quốc. Nhiều công ty có truyền thống tuân theo những yêu cầu trên, vì sức hấp dẫn của nền kinh tế khổng lồ, một thị trường cho tất cả mọi thứ, từ ô tô, quần áo đến phim ảnh và hàng xa xỉ.

Nhưng phản ứng chính trị leo thang có thể khiến một số mối quan hệ đó không thể hàn gắn được. Các khách hàng, nhà lập pháp và nhà đầu tư đang đẩy mạnh áp lực lên các công ty phương Tây, xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của họ. Điều đó khiến các công ty khó tránh khỏi việc việc lựa chọn phải theo bên nào

Một thị trường khó tính nhưng tăng trưởng "khủng khiếp"

Các công ty nước ngoài không thể dễ dàng bỏ qua nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như vậy. Với việc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường tiêu dùng phong phú cho nhiều công ty.

Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và giám đốc Dự án Điện lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Tiếp cận thị trường nội địa ở Trung Quốc luôn là một mục tiêu quan trọng. Nhiều năm trước, khi các công ty lần đầu tiên đến Trung Quốc, ngay cả khi trong những năm đầu tiên không kiếm được nhiều tiền như mong đợi, họ vẫn cố gắng trụ lại vì cuối cùng mọi người sẽ có nhiều tiền hơn và có thể chi tiêu phóng khoáng hơn.

Nhưng muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc phải "chiến thắng" các cơ quan quản lý nổi tiếng nghiêm ngặt, những người nắm quyền kiểm soát lớn đối với những doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường béo bở này, và buộc họ phải làm những gì họ muốn nếu muốn tồn tại.

Các công ty quốc tế thường bị buộc phải nhượng bộ một số khía cạnh trước khi được phép tiếp cận thị trường, bao gồm thành lập các liên doanh với công ty nội địa. Mặc dù một số quy tắc đã được nới lỏng trong những năm gần đây, chúng vẫn là nguồn gây căng thẳng cho các công ty phàn nàn rằng những thỏa thuận như vậy buộc họ phải từ bỏ công nghệ để đổi lấy sự gia nhập.

Nhiều công ty đã bị chặn lại vì từ chối tuân thủ các quy tắc. Ví dụ, Google đã cung cấp dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc từ năm 2006 đến năm 2010 với các kết quả được kiểm duyệt, nhưng cuối cùng đã bị chặn khi công ty quyết định chấm dứt kiểm duyệt.

Tranh chấp gia tăng

Kể cả sau khi đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc thành công, nhiều công ty vẫn thường xuyên vướng phải những tranh chấp gây thiệt hại nặng nề. Vào năm 2017, một số cửa hàng thuộc sở hữu của Lotte (Hàn Quốc) đã phải đóng cửa trên khắp Trung Quốc sau khi tập đoàn này bị lôi kéo vào việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi của Mỹ ở quê nhà. Trung Quốc đã phản đối gay gắt quyết định triển khai hệ thống của Hàn Quốc, vốn bị coi là mối đe dọa đối với an ninh của nước này.

Năm tiếp theo, chính phủ Trung Quốc yêu cầu American Airlines, Delta Airlines và United Airlines thay đổi cách gọi Đài Loan, nếu không sẽ có nguy cơ bị trừng phạt ở Trung Quốc, một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Bắc Kinh từ lâu đã tỏ ra nhạy cảm khi ai đó nói rằng Đài Loan không phải là một phần lãnh thổ của họ.

Và vào năm 2019, NBA đã vướng vào cuộc chiến của riêng mình với Bắc Kinh sau khi giám đốc điều hành thể thao Daryl Morey, người đang giữ chức tổng giám đốc của Houston Rockets, tweet những dòng ủng hộ người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Đài truyền hình quốc gia CCTV ngừng tường thuật các trận đấu NBA, trong khi tất cả các đối tác Trung Quốc chính thức của giải đấu tạm dừng quan hệ.

Ngay cả những công ty có mối quan hệ tương đối bền chặt với các quan chức Trung Quốc cũng không thoát khỏi rắc rối. Tesla - thường được hưởng sự ưu đãi rất lớn từ phía Bắc Kinh - gần đây đã bị "sờ gáy" trước những câu hỏi về chất lượng chiếc Model 3 do Thượng Hải sản xuất và liệu camera ô tô của họ có thể được sử dụng để do thám hay không. Vài ngày sau, CEO Elon Musk đã dành nhiều lời khen ngợi về Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước.

Isaac Stone Fish, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Strategy Risks, một công ty nghiên cứu tập trung vào rủi ro doanh nghiệp ở Trung Quốc, cho biết: "Các doanh nghiệp đã buộc phải chọn theo phe bên nào và họ thực sự cố gắng để không phải làm điều đó một cách công khai. Ông chỉ ra NBA là "ví dụ tai tiếng nhất về hậu quả khi sự lựa chọn bị công chúng dòm ngó".

"Họ đang cố gắng cân bằng giữa thị trường quan trọng nhất và thị trường tăng trưởng tốt nhất của họ, và đôi khi họ hy sinh cả khía cạnh đạo đức để làm điều đó", Fish nói thêm.

Áp lực chồng chất

Các doanh nghiệp nước ngoài hầu như luôn gặp bất lợi khi giao dịch với Trung Quốc. "Người Trung Quốc có đòn bẩy kinh tế rất lớn", Glaser cho biết.

Bà chỉ ra những căng thẳng của nước này với Australia, nơi hoạt động xuất khẩu rượu vang, thịt bò, gỗ và các hàng hóa khác sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế cao hoặc những trở ngại khác. Tuy vậy, những ngành công nghiệp tại Australia mà đóng vai trò chủ chốt đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như quặng sắt, đã không phải nhận sự trừng phạt nào.

Chiến lược của Trung Quốc ở đây là "đánh rắn động cỏ", Glaser nói, sử dụng một thành ngữ phổ biến của Trung Quốc. "Họ biết rõ rằng các quốc gia còn lại cũng đang theo dõi những gì đang xảy ra".

Các công ty dường như cũng học được rằng họ không thể lúc nào cũng làm ngơ được khi động đến Trung Quốc - những tuyên bố của họ với Bắc Kinh và người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay thường thu hút được sự chú ý của các đối tượng khác.

Chẳng hạn, NBA không chỉ khiến khán giả Trung Quốc tức giận khi cố gắng giải thích những nhận xét của Morey về Hong Kong. Một phản ứng thờ ơ từ Ủy viên NBA Adam Silver ủng hộ Morey bởi cho rằng đó là " khả năng thực hiện quyền tự do ngôn luận" đã không chỉ khiến khán giả Trung Quốc tức giận. Các chính trị gia Mỹ cũng chỉ trích tổ chức này không có lập trường đủ mạnh.

Lựa chọn làm hài lòng ai?

Vấn đề Tân Cương càng khó làm hài lòng tất cả, cả những người tiêu dùng ở quê nhà lẫn ở Trung Quốc. Nhiều thương hiệu toàn cầu, bao gồm Nike và Adidas, đã phải đối mặt với áp lực rất lớn vào mùa hè năm ngoái từ các nhà hoạt động để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không có quan hệ gì với Tân Cương. Trung Quốc hiện đang sử dụng các tuyên bố mà họ đưa ra vào khoảng thời gian đó để chống lại họ.

H&M bị tấn công rất mạnh mặc dù hai gã khổng lồ may mặc Nike và Adidas dường như đã thoát khỏi những biện pháp răn đe quyết liệt như vậy. McGregor, Chủ tịch APCO Worldwide, nghi ngờ rằng mối quan hệ sâu sắc của Trung Quốc với những thương hiệu đó có thể đã cứu họ.

Ông nói, tiền quảng cáo của Nike và Adidas "rất lớn đối với thể thao Trung Quốc. Có những tổ chức Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tiền từ Nike và Adidas và các thương hiệu thể thao khác, trong khi H&M chỉ là một nhà bán lẻ trang phục trong thị trường rộng lớn này".

Tuy nhiên, căng thẳng sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới: Bắc Kinh dự kiến ​​tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 và hàng chục nhóm vận động đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay. McGregor nói rằng Trung Quốc có thể vẫn ý thức về việc họ đang làm đảo lộn thế giới quá nhiều trước thời điểm đó. Xét cho cùng, nếu căng thẳng bùng phát thì quốc gia này có nguy cơ làm hoen ố danh tiếng của mình là một thị trường tiềm năng để phát triển. Nhưng những hành động hiện tại cũng đã đủ đẩy rất nhiều công ty vào tình thế khó khăn.

"Hầu hết các công ty chỉ có thể cố chịu đựng và vượt qua những điều này sớm nhất có thể", ông nói.

Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại