Từ khi phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump do các lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia, Huawei Technologies đã nỗ lực chuyển chuỗi cung cấp của mình về Trung Quốc khi điều này sẽ giúp giảm nhẹ tác động của Mỹ lên các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, khó chồng thêm khó cho Huawei khi các mục tiêu cho việc chuyển một phần quan trọng chuỗi cung cấp của họ về Trung Quốc đang khó có thể đạt được. Một phần vì nhiều nhà cung cấp e ngại thực hiện thay đổi trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trở nên bất ổn sâu sắc.
Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Huawei muốn các nhà cung cấp liên quan đến chip chuyển phần lớn hoạt động đóng gói và thử nghiệm chip sang Trung Quốc vào cuối năm nay. Yêu cầu tương tự cũng được Huawei đưa ra với các nhà cung cấp bản mạch in của công ty.
Thậm chí từ cuối năm ngoái, Huawei còn nỗ lực chuyển sang sử dụng linh kiện của nhiều nhà cung cấp thứ cấp trong nước như một phần nhằm nội địa hóa sản phẩm của mình. Các nguồn tin cho biết, công ty chỉ chấp nhận các nhà cung cấp mới nếu họ có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên nỗ lực của Huawei đang gặp phải nhiều thách thức do các điều kiện bất ổn của nền kinh tế do hậu quả của Covid-19, cũng như do các biện pháp trừng phạt bổ sung của chính quyền Washington lên công ty này. Tổng hợp của các yếu tố này khiến nhiều nhà cung cấp muốn "giữ nguyên tình trạng hiện tại và tránh thực hiện các việc chuyển dịch lớn" trong thời điểm khi "thiếu rõ ràng về nhu cầu trong tương lai." – một giám đốc chuỗi cung cấp nói với Nikkei.
"Một số nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chip và các nhà sản xuất bản mạch in từng giúp Huawei mở rộng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vào năm ngoái … tuy nhiên không phải tất cả bọn họ đều đáp lại lời kêu gọi." Vị giám đốc này cho biết. "Đại dịch toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào nhu cầu cũng như thái độ thù địch rõ ràng của Mỹ với Huawei đã làm các nhà cung cấp ngần ngại chuyển đổi theo lời kêu gọi của công ty Trung Quốc."
Một giám đốc chuỗi cung cấp khác thân cận với sự việc cũng cho biết: "Có nhiều nhà cung cấp cũng cần đáp lại yêu cầu của khách hàng bán dẫn tại Mỹ về việc sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc vì các lý do an ninh, vì vậy họ chọn không mở rộng nhà máy tại Trung Quốc."
Một nguồn tin thứ ba của Nikkei cho biết: "Chuỗi cung cấp rất phức tạp và chồng chéo lên nhau như một củ hành khổng lồ. Huawei có thể bóc được lớp vỏ và một vài lớp bên ngoài của củ hành và đưa họ về Trung Quốc hoặc hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước để thay thế, nhưng khi bạn đi sâu hơn vào bên trong, nó thực sự là một thách thức đáng kể nếu muốn đưa tất cả mọi người đến đây."
Vào năm ngoái, Huawei đã chi tiêu đến 20,8 tỷ USD cho việc mua chip, bao gồm cả thiết kế chip riêng của mình, biến họ thành khách hàng mua bán dẫn lớn thứ ba thế giới sau Apple và Samsung. Điều này càng biến họ dễ suy sụp trước các đòn trừng phạt giáng vào chuỗi cung cấp của Tổng thống Donald Trump.
Hiện tại, đại đa số chip của Huawei hiện đang sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, bao gồm ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Không chỉ vậy, nhiều vật liệu và quy trình sản xuất đầu vào tối quan trọng khác vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các công ty Nhật Bản, ví dụ Ajinomoto Fine-Techno, nhà cung cấp độc quyền tấm phim ABF, chất nền quan trọng cho các bộ xử lý cao cấp của smartphone và các trạm thu phát sóng.
Chính vì vậy, Huawei hy vọng công đoạn cuối của việc sản xuất chip có thể chuyển về Trung Quốc. Nhưng ngay cả điều này cũng rất khó trở thành hiện thực. Việc chuyển cả chuỗi cung ứng liên quan đến hàng nghìn công ty về Trung Quốc vốn đã khó khăn, giờ đây khó lại càng thêm khó cho Huawei trong bối cảnh đại dịch và sức ép ngày càng tăng từ chính phủ Mỹ.
Tham khảo Nikkei Asian Review