Bộ Nội vụ Mỹ mới đây đã từ chối giấy phép xây dựng Đường Ambler, một con đường công nghiệp hai làn xe mà bang Alaska muốn xây dựng xuyên Vườn quốc gia và khu bảo tồn Cổng Bắc Cực. Con đường này nhằm khai thác một "kho báu lớn" là mỏ đồng với giá trị ước tính khoảng 7,5 tỷ USD (hơn 190 nghìn tỷ VNĐ). Nếu muốn xây dựng, con đường này sẽ phải băng qua 11 con sông và hàng nghìn con suối trước khi đến được mỏ đồng.
Bộ Nội vụ nhận thấy rằng con đường sẽ làm xáo trộn môi trường sống của động vật hoang dã, gây ô nhiễm nơi sinh sản của cá hồi và đe dọa truyền thống đánh cá của hơn 30 cộng đồng người bản địa Alaska. Cơ quan này dự kiến sẽ chính thức từ chối cấp giấy phép đường bộ cho cơ quan phát triển kinh tế bang Alaska trong những tuần tới.
Xa hơn về phía bắc, cơ quan này cũng tuyên bố cấm khoan hơn một nửa Khu Bảo tồn Dầu khí Quốc gia Alaska rộng 23 triệu mẫu Anh. Quyết định này nhằm bảo vệ tối đa vùng đất nguyên sơ của bang. Quyết định đó sẽ không ảnh hưởng đến dự án Willow, dự kiến sẽ sản xuất tới 180.000 thùng mỗi ngày trong 30 năm tới.
Cả hai quyết định này tạo thành một trong những nỗ lực lớn nhất trong lịch sử nhằm bảo vệ đất Alaska khỏi hoạt động khoan và khai thác. Cơ quan này dự kiến sẽ phải đối mặt với những thách thức từ ngành cũng như từ lãnh đạo ở Alaska. Phần lớn ngân sách bang này đến từ dầu khí và khai thác mỏ là động lực chính của nền kinh tế khu vực này.
Đây là một phần của chiến dịch về môi trường trước Ngày Trái đất của Tổng thống Biden. Những thông báo mới ở Alaska giúp ông Biden thuyết phục những cử tri vẫn còn giận dữ vì quyết định mà ông đưa ra vào năm ngoái. Đó là phê duyệt dự án khoan dầu Willow trị giá 8 tỷ USD ở Alaska.
Đảng Cộng hoà cho rằng việc dừng khoan dầu trên hàng triệu mẫu đất ở Khu Bảo tồn Dầu khí Quốc gia Alaska sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia, dẫn đến giá năng lượng tăng cao và khiến Alaska mất hàng tỷ USD tiền thuế.
Trong vài tuần qua, chính quyền ông Biden đã công bố các giới hạn phát thải nghiêm ngặt mới đối với ô tô; tăng chi phí khoan và khai thác trên đất công; tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc bảo tồn những vùng đất liên bang đồng thời ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế hoá chất độc hại trong không khí và nước uống.
“Khi cuộc khủng hoảng khí hậu gây nguy hiểm cho các cộng đồng trên khắp đất nước, cần phải hành động nhiều hơn nữa. Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục thực hiện những công việc đầy tham vọng để đáp ứng tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, bảo vệ vùng đất và vùng biển của nước Mỹ cũng như hoàn thành trách nhiệm của chúng tôi đối với thế hệ người Mỹ sau này”, Tổng thống Biden nói.
Khi hành tinh ấm lên do phát thải khí nhà kính liên quan đến dầu, khí đốt và than đá, Alaska đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với 48 bang khác. Điều đó có nghĩa là bang này đang phải đối mặt với tình trạng xói mòn bờ biển nhiều hơn, lớp băng vĩnh cửu và băng biển tan nhanh, mặt đất không ổn định và nhiều vụ cháy rừng hơn.
Khu Bảo tồn Dầu khí Quốc gia Alaska được thành lập năm 1923 như một nguồn cung cấp dầu cho Hải quân Mỹ. Khu vực này là vùng đất công lớn nhất nước Mỹ. Mặc dù là khu bảo tồn dầu khí nhưng đây là môi trường sống của rất nhiều cá và động vật hoang dã giá trị, là một kho báu sống đích thực.
Các khu vực này sẽ được bảo vệ theo quyết định của Bộ Nội vụ, bao gồm môi trường sống của gấu xám Bắc Cực, tuần lộc caribou và hàng trăm nghìn loài chim di cư. Các quan chức coi các hành động mới này như một “bức tường lửa” chống lại cả việc cho thuê nhiên liệu hóa thạch trong tương lai lẫn việc mở rộng các dự án hiện có ở North Slope.
Bộ Nội vụ cho biết động thái này nhằm đáp lại những lo ngại của cộng đồng người bản địa Alaska vốn dựa vào đất, nước và động vật hoang dã để sống trong hàng nghìn năm qua.
Theo New York Times