Vẫn được giao dịch mạnh dù đã chốt lưu ký
Còn 1 ngày nữa Vietjet Air chào sàn TP.HCM (HSX) với mã giao dịch VJC, mức giá tham chiếu ngày đầu chào sàn 90.000 đồng/cp.
Theo thông tin của chúng tôi, mặc dù cổ phiếu này đã chốt lưu ký song các nhà đầu tư vẫn liên tục trao đổi cổ phiếu VJC thông qua thỏa thuận trên tài khoản. Giá giao dịch tính đến cuối tuần trước đã vượt 108.000 đồng/cp, mức giá trần trong phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet.
Đã có nhiều quan tâm về xu hướng giá cổ phiếu Vietjet trên sàn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hiện nay khi lựa chọn một cổ phiếu thường dựa vào 5 yếu tố: (i) cổ phiếu có câu chuyện mới, (ii) công ty có tăng trưởng, (iii) mức cổ tức vượt kỳ vọng, (iv) lợi nhuận tăng đều hàng năm và cuối cùng (v) tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi (free float) thấp.
Buffett thay đổi quan điểm về cổ phiếu hàng không
Các số liệu cho thấy Warren Buffett ngày càng lạc quan vào cổ phiếu hàng không. Tính đến ngày 14/2/2017, Warren Buffett đã chi 5,5 tỷ USD để mua cổ phiếu của American Airlines, Delta Air và United Airlines. Ngoài ra, Berkshire còn chi thêm 2,4 tỷ USD để mua cổ phiếu của Southwest Airlines (LUV).
Warren Buffett bắt đầu để ý đến cổ phiếu hàng không từ nửa cuối năm 2016. Một chuyên gia của Morgan Stanley cho rằng đây là bước đi của Buffett trong việc có thể mua đứt một trong 4 hãng hàng không trên.
Trước đó, Warren Buffett cho rằng hàng không là ngành có biên lợi nhuận thấp và đòi hỏi phải đầu tư tài sản cố định rất lớn.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại Buffett đã thay đổi quan điểm vào đặt cược vào ngành hàng không sẽ tăng trưởng dài hạn khi cho rằng nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng, giá xăng dầu ở thời điểm hiện tại cũng thấp chỉ bằng một nửa so với thời điểm 2013, trong khi chi phí nhiên liệu bay chiếm phần lớn chi phí của hãng (bình quân trên dưới 25% tổng chi phí).
Điều này đã đẩy lợi nhuận của các hãng hàng không lên cao nhất lịch sử. Sáu hãng hàng không của Mỹ đã công bố lãi tăng năm thứ 5 liên tiếp, đạt 14 tỷ USD trong khi thập kỉ trước các công ty này lỗ hơn 50 tỷ USD. Cổ phiếu Delta Airlines đang giao dịch ở vùng giá cao nhất trong 5 năm.
Tại thị trường trong nước, ngành hàng không đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều tiềm năng pháp triển. Trong khi đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành như Vietnam Airlines, ACV, Vietjet... thuộc loại hàng hiếm và luôn được săn lùng.
Thị trường vận chuyển hành khách hàng không Việt Nam năm 2016 tăng trên 29%
Thống kê cho thấy tỷ lệ khách hàng di chuyển bằng đường hàng không trong tổng dân số Việt Nam đã tăng từ mức 0,5% năm 2012 lên 0,8% tại thời điểm 6 tháng năm 2016. Điều này phản ánh xu hướng thay thế đường bộ, đường thủy và đường sắt bằng đường hàng không ngày một tăng.
Theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam, năm 2016, thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh 29% ước đạt 52,2 triệu khách.
Các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là VietJet Air và Jetstar Pacific với việc mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa, khai thác 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh với 17 sân bay địa phương nên thị trường hành khách nội địa có sự tăng trưởng mạnh, đạt 28 triệu khách, tăng 30% so năm 2015.
Đối với thị trường quốc tế, năm 2016 có 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 78 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hải Phòng và Nha Trang.
Thị phần của Vietjet và Vietnam Airlines
Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không chi phí thấp tăng mạnh trong năm 2016, dự kiến riêng thị trường nội địa đã có xấp xỉ 15 triệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ, chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các đường bay nội địa.
Với sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không, tổng lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt gần 81 triệu khách, tăng gần 29% so năm 2015.
Ở thời điểm hiện tại, Vietjet Air đang là hãng hàng không có xu hướng dẫn đầu thị phần nội địa đứng thứ 2, tương đương mức 41%-43%. Công ty tập trung vào cung cấp các dịch vụ bay tầm ngắn và trung với tần suất cao trên các đường bay nội địa và quốc tế.
Nếu nhìn vào thị phần của Vietjet kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên năm 2011, chỉ trong 6 năm qua Vietjet đã khiến ông lớn ngành hàng không Vietnam Airlines phải căng sức giữ thị phần.
Room còn lại cho khối ngoại chưa đầy 6%
Trong cơ cấu cổ đông của Vietjet, ngoài các cổ đông sáng lập như HDBank, Sovico Holding, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Hướng Dương Sunny..nắm giữ gần 50% lượng cổ phiếu, đáng chú ý có cổ đông lớn là Quỹ Chính phủ Singapore (GIC) nắm giữ 5,48%, ngoài ra còn có hơn 30 tổ chức nước ngoài nắm giữ Vietjet như Dragon Capital, VinaCapital, Morgan Stanley…
Tính đến thời điểm 12/1/2017, khối ngoại đang nắm giữ 24,35% vốn điều lệ của Vietjet.
Theo quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành hàng không bị giới hạn ở mức 30%, như vậy room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vietjet không còn quá nhiều. Hầu hết lượng sở hữu của khối ngoại tại Vietjet là các tổ chức, trong khi cá nhân chỉ nắm giữ 50.000 cổ phiếu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận
Tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giai đoạn 2014 – 2016 của Vietjet chiếm bình quân 24,3% tổng chi phí hoạt động. Chi phí nhiên liệu máy bay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí hoạt động của Vietjet 21,2% năm 2016, 22,0% năm 2015 và 39,1% năm 2014.
Do đó, giá nhiên liệu máy bay là một trong những nguyên nhân chính tác động tới chi phí nhiên liệu của VietJet. Trong giai đoạn tới theo đánh giá của các chuyên gia, giá dầu rất khó có thể tăng mạnh như trước đây do ảnh hưởng của dầu khí đá phiến.
Ngoài ra, Công ty sử dụng đội máy bay có mức tuổi bình quân dưới 3,03 năm để có chỉ số tiêu hao nhiên liệu tối ưu. Bắt đầu từ năm 2017, công ty nhận từ nhà sản xuất Airbus máy bay thế hệ mới A320/321 NEO giúp tiết kiệm tới 15% tiêu hao nhiên liệu.
Công ty có kế hoạch ký các hợp đồng mua nhiên liệu phái sinh ở thời điểm phù hợp để bảo vệ và giảm thiểu các rủi ro từ việc tăng giá nhiên liệu.
Đối với việc cạnh tranh trong ngành hàng không, khi ASEAN có chính sách Bầu trời mở ("Open Skies") đã có hiệu lực vào năm 2015, nếu thực hiện thành công, sẽ dẫn đến việc tự do hóa và nâng giới hạn quy định trên tần số hoặc năng suất của các chuyến bay giữa các sân bay quốc tế trên khắp các nước thành viên ASEAN, sẽ dẫn đến gia tăng sự cạnh tranh trong ngành hàng không.
Ban lãnh đạo VietJet nhận thức rõ ràng các rủi ro cạnh tranh trên và tập trung xây dựng hướng đi riêng của mình, tập trung vào khai thác khách hàng mới, cung cấp dịch vụ tiện ích cạnh tranh và tránh các cuộc cạnh tranh về giá nhằm giảm thiểu rủi ro này.