Vỏ hộp sữa cũng có thể trở thành tài nguyên
Việt Nam nằm trong Top 3 các nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, trong khi đó Hà Nội mỗi ngày thải ra khoảng 7,000 tấn rác. Phần lớn trong số 7.000 tấn rác này hoàn toàn không được phân loại mà đi thẳng đến bãi chôn lấp hay lò đốt, gây lãng phí nguồn tài nguyên lớn và gây ra ô nhiễm môi trường.
Chính từ hiện trạng đau lòng này mà Green Life đã xây dựng các hoạt động “Đổi rác lấy cây” nhằm khuyến khích mọi người phân loại rác tại nhà, từ đó giúp rác đã phân loại trở thành tài nguyên.
Các loại rác Green Life thu gom gồm nilon, bao bì thực phẩm, vỏ hộp sữa, quần áo cũ, nhựa/giấy/kim loại các loại... được người dân phân loại từ nhà rồi mang đến các điểm tổ chức. Trường học, trung tâm thương mại cũng như những nơi tập trung đông người khác là các địa điểm dự án thường tổ chức thu gom và đổi quà.
Từ những hành động nhỏ này, Green Life mong muốn xây dựng thói quen phân loại rác ở mỗi người dân và lối sống bền vững hơn.
Anh Hoàng Quý Bình - Người sáng lập tổ chức Green Life cho biết, dự án được xây dựng vào cuối năm 2018, khi anh Bình là sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử Đại học Bách Khoa Hà Nội.
“Sau mỗi môn học, mình thải ra rất nhiều thiết bị điện tử. Mình biết trong những rác thải này chứa khá nhiều axit và kim loại nặng. Nếu cứ thải ra bãi rác sẽ gây ô nhiễm nặng nề.
Từ đó mình đã tìm hiểu các nhà máy tái chế và biết được rằng không chỉ rác điện tử mà nhiều loại rác khác, từ vỏ hộp sữa mình dùng hàng ngày đều có thể tái chế được để trở thành tài nguyên.”
Anh Bình cũng chia sẻ thêm, tuy nguồn rác tái chế trong nước lớn nhưng Việt Nam lại đang nằm trong TOP 3 các quốc gia nhập khẩu rác lớn nhất. Khi hỏi bạn bè, người thân, đa phần mọi người không biết hoặc không có động lực phân loại rác tại nhà, để rác có thêm cuộc đời mới.
“Mình nghĩ cần nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề rác thải và xây dựng thói quen phân loại rác. Từ đó mình đã cùng những người bạn xây dựng Green Life. Hoạt động “Đổi rác - lấy cây” cũng từ đó ra đời”
Tình yêu môi trường cũng là yêu quê hương
Green Life triển khai hai hoạt động chính bao gồm truyền thông và các hoạt động offline (các hoạt động thực tế ngoài cộng đồng). Cụ thể:
- Truyền thông: Dự án đăng tải các nội dung kiến thức về các loại rác, cách phân loại rác, giảm rác và xây dựng lối sống xanh trên nền tảng Facebook và Tiktok, từ đó thu hút người dân quan tâm và nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường.
- Các hoạt động offline: Hoạt động thu gom “Đổi rác - lấy cây” được tổ chức vào mỗi cuối tuần, các điểm thu gom hàng ngày… để mọi người có thể dễ dàng thực hiện và xây dựng thói quen phân loại rác tại trường học, cơ quan, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người. Thông qua các hoạt động offline này, người dân có những hình dung cơ bản về việc thực hành phân loại, 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế).
Với các hoạt động này, Green Life hướng tới mục tiêu trong 5 năm đầu thu hút 2 triệu người dân thành phố Hà Nội tham gia các hoạt động môi trường do Green Life tổ chức. Trong 5 năm tiếp theo, Green Life là tổ chức dân sự tiên phong đồng hành cùng Luật bảo vệ môi trường 2020 hướng dẫn và thúc đẩy người dân phân loại rác tại nhà. Dự án mong muốn trở thành một doanh nghiệp truyền thông, cung cấp giải pháp về phân loại rác tại nơi ở và cơ quan.
“Động lực của chúng mình khi theo đuổi dự án này là tình yêu với thiên nhiên, môi trường và cũng là tình yêu quê hương, mong muốn quê hương xanh đẹp và vững bền hơn, muốn các cô bác lao công đỡ vất vả hơn, mọi người được sống trong môi trường trong lành hơn, khoẻ mạnh hơn.
Sự quan tâm, đồng hành và động viên giúp đỡ, yêu mến của mọi người trong suốt thời gian qua dành cho dự án cũng là nguồn động lực rất lớn cho chúng mình. Thông qua Green Life, nhóm chúng mình cũng được học tập, rèn luyện và hoàn thiện rất nhiều cho bản thân.” - Anh Bình chia sẻ.
Sau 6 năm bền bỉ kiên trì thực hiện mục tiêu của mình, hiện fanpage Green Life đã thu hút gần 200,000 người theo dõi với độ tiếp cận mỗi tháng hơn 3 triệu người.
Cùng với đó, sau 450 sự kiện được tổ chức với hơn 1,000,000 người tham gia, đã có hơn 600 tấn rác được thu gom. Trong đó có 27% giấy (giấy, bìa, vỏ hộp sữa), 54% nhựa (chai lọ, nilon bao bì thực phẩm) và 19% là kim loại, thiết bị điện tử, quần áo cũ.
Vào cuối tháng 11/2023, sự kiện "Đổi rác lấy cây" của Green Life cũng được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize năm 2023 với chủ đề "Dấu ấn tiên phong".
Đến với sự kiện lần đầu, bạn Đinh Ngọc Nguyên (Hà Nội) đã thấy đây là việc làm vô cùng ý nghĩa, vừa có thể thu gom lại số lượng rác thải nhựa vốn dĩ sẽ bị vứt bỏ, vừa đổi lấy những cây xanh để trồng và làm đẹp cho ngôi nhà của mình. "Mình hy vọng sẽ rủ được nhiều người bạn của mình tham gia hơn nữa"
Cũng giống như Nguyên, chị Huyền biết đến sự kiện qua những hoạt động cộng đồng. Chị Huyền và gia đình đã theo lối sống xanh được 6 năm, trong sinh hoạt hằng ngày chị cố gắng giảm thải rác thải nhựa ra môi trường nhất có thể. Đưa các con đến với chương trình của Green Life, chị Huyền chia sẻ:
"Dẫn các con tham gia để con hiểu hơn về tài nguyên, yêu cây xanh và yêu môi trường sống. Sống xanh, yêu môi trường không có nghĩa là mình phải hô hào những làm những thứ lớn lao, nhưng mình có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như phân loại rác như thế này"
600 tấn rác mà Green life thu về trong 6 năm này tương đương với việc giúp 7,500 cây xanh không bị chặt; 15,000 mét khối nước, 250.000 lít dầu và hơn 3 triệu kW điện được tiết kiệm. Cùng với đó, Green life cũng đã trao đi hơn 300,000 cây xanh và sản phẩm lành tính.
Green Life đã xây dựng khung tài liệu, nội dung truyền thông, cơ cấu quản lý, vận hàng để bất cứ nhóm thanh niên nào cũng có thể tổ chức. Hiện tại, Green Life đã xây dựng Green Life cơ sở TP. HCM dưới tên gọi Nhà nhiều Lá, đến nay đã hoạt động được gần 4 năm.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.