Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin!

Ngọc Hà (Ảnh: Tuấn Lê) |

Những cảm xúc tiêu cực mà trầm cảm mang lại như đám dây leo, bám rễ thật sâu vào những tâm hồn đang dần héo úa, hút cạn nguồn sinh lực cuối cùng họ dành để chống chọi với nỗi buồn, sự thất vọng và chán nản đang bủa vây họ mỗi ngày, mỗi giờ.

Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin.

Họ cười và bảo rằng chỉ là do tôi căng thẳng quá, do tôi suy nghĩ nhiều và dễ buồn. Rằng tôi hãy cố gắng quên đi những cảm xúc tiêu cực ấy. Tôi phải tích cực lên, hãy cười, hãy đi ra ngoài, hãy thôi tự nghĩ mình bị bệnh này bệnh kia đi.

Với họ, ai chẳng có lúc mệt mỏi, buồn bã, thất vọng vì công việc không được suôn sẻ, người thân không thấu hiểu, bạn bè quay lưng. Vậy chẳng lẽ cả thế giới này ai cũng bị trầm cảm hết à.

Rất tiếc, điều đó lại đúng.

Hầu như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những giai đoạn trầm cảm ngắn vào một thời điểm nào đó trong đời. Đó là những cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, chán nản, thất vọng, bi quan hoặc không còn cảm thấy hứng thú, vui vẻ đối với những việc mình đã từng cho là thú vị.

Nhưng thật may, hầu hết mọi người đều có thể tự vượt qua những cảm xúc này, tự mình thoát khỏi trạng thái trầm cảm tạm thời.

Tuy nhiên, có một số người không thể.

Những cảm xúc tiêu cực ấy như đám dây leo, bám rễ thật sâu vào những tâm hồn đang dần héo úa, hút cạn nguồn sinh lực cuối cùng họ dành để chống chọi với nỗi buồn, sự thất vọng và chán nản đang bủa vây họ mỗi ngày, mỗi giờ.

Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin! - Ảnh 1.

Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 19 triệu người bị trầm cảm.

Ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người bị rối loạn trầm cảm.

Những nghệ sĩ Hong Kong có khuynh hướng bị trầm cảm đến 90%.

Năm 2016, 40% trong số 260 nghệ sĩ Hàn Quốc được điều tra có dấu hiệu trầm cảm và từng có ý định tự tử.

Không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc hay khả năng tài chính, một cô bé học sinh cấp 3, hàng ngày vẫn cắp sách đến trường cũng có thể bị trầm cảm giống như một người đàn ông thành đạt, với số dư trong tài khoản lên đến 10 con số.

Không phân biệt nghề nghiệp, trình độ văn hóa hay khả năng sáng tạo, một người phụ nữ làm công việc bán thời gian tại siêu thị cũng có thể bị trầm cảm giống như một ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ.

Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin! - Ảnh 2.

Hôm qua, những người yêu thích làn sóng Hallyu, đặc biệt là fan Kpop đều đau lòng trước sự ra đi đột ngột của nam ca sĩ trẻ 27 tuổi Jonghyun. 

Anh tự tử bằng cách đốt than trong phòng kín, dẫn đến ngạt khí CO2 rồi dần dần qua đời. Trước đó, Jonghyun đã gửi thư tuyệt mệnh cho chị gái, nói rằng anh đã rất khổ sở, anh chịu đựng đủ rồi và nói lời chào tạm biệt. Sáng nay, những dòng chữ cuối cùng của Jonghyun gửi cho tất cả mọi người được công bố, trong đó có đoạn:

“Bên trong tôi mọi thứ đã vỡ vụn. Căn bệnh trầm cảm gặm nhấm tôi một cách chậm rãi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể nào đánh bại được nó”.

Jonghyun không phải nghệ sĩ đầu tiên tự tử vì trầm cảm. Và càng không phải chỉ có nghệ sĩ mới dễ mắc trầm cảm để rồi tìm đến cái chết, mà ngay cả những người bình thường như chúng ta, sống một cuộc sống rất bình thường, có một công việc hết sức bình thường cũng có thể tự tử vì trầm cảm.

Ước tính mỗi năm có khoảng 800.000 người chết vì tự tử do trầm cảm, con số đó ở Việt Nam là 5.000 người. Còn ở Mỹ, kinh khủng hơn gấp 8 lần, 44.193 người chọn cách rời bỏ cuộc sống vì trầm cảm kéo dài.

Tại Hàn Quốc, gần 90% người tự tử được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, với đầy đủ các triệu chứng nhưng có đến 81% thành viên trong gia đình họ không nghĩ đó là những triệu chứng nguy hiểm cần quan tâm.

Giới trẻ ngày càng có xu hướng mắc phải trầm cảm nhiều hơn trước. Họ phải đối mặt với áp lực từ gia đình, nhà trường, họ phải cố gồng mình cho phù hợp với những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt lên họ.

Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin! - Ảnh 3.

Một người thanh niên mà ngồi khóc trong góc công viên vì những mệt mỏi do công việc mang lại, người đó sẽ bị đánh giá là yếu đuối, hèn kém, “có tý áp lực mà cũng không chịu nổi”.

Một cô gái trẻ có bố mẹ giàu có, đi lại bằng xe sang, ăn tối trong những khách sạn 5 sao mà kêu buồn chán, không thấy cuộc sống thú vị, thì thể nào cũng bị nói rằng “sướng không biết đường hưởng, đừng có kêu ca”.

Một cậu nhóc chỉ thích vẽ, ước mơ thi vào trường kiến trúc nhưng bố mẹ nhất quyết ép cậu học ngành Y, “sau này còn nối nghiệp cha mẹ”.

Một bé gái bị bắt nạt ở trường, người lớn cho rằng đấy chuyện thường tình của trẻ con.

Một cậu bé bị trêu chọc giới tính, người lớn cho rằng bạn bè đùa nhau chẳng có gì đáng bận tâm.

Chính sự thờ ơ, vô tâm của người thân là 1 phần nguyên nhân khiến những người mắc bệnh trầm cảm thêm trầm trọng. Từ đó họ sẽ nghĩ đến cái chết, để tự giải thoát cho mình khỏi những khổ đau mà họ không được chia sẻ, không được cảm thông.

Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin! - Ảnh 4.

Em trai tôi học lớp 5, trong lớp có 1 cậu bé hay bị các bạn khác trêu chọc vì thích chơi các trò chơi của bạn gái. Suốt 5 năm, cậu bé đó đã chịu đựng đủ mọi trò bắt nạt mà đám bạn làm với cậu: ném thước kẻ, lấy bút, vứt tẩy, vứt sách vở và cặp từ ban công xuống sân trường, bị gọi là “thằng bê-đê”, bị giựt tóc, đánh vào mặt… 

Em trai tôi cố gắng bênh vực bạn không được, cũng đành im lặng và tránh xa mọi cuộc bắt nạt tàn nhẫn kia. Cuối cùng, vừa mới 3 tuần trước, cậu bé bị bắt nạt đã lao ra ban công, định nhảy xuống tự tử từ tầng 5 - nơi lớp học địa ngục cậu phải chịu đựng suốt những năm tháng thơ ấu của mình.

Thật may là cậu bé đó được kéo lại kịp thời. Nhưng nỗi ám ảnh về một đứa trẻ mới 10 tuổi đã nghĩ đến cái chết vì bị trầm cảm kéo dài suốt nhiều năm, là hệ quả của những trận bắt nạt có tổ chức khiến tôi thấy lạnh người. 

Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào và những người thân xin đừng thờ ơ, vô tâm, bỏ bê những người đang kề cận bên cạnh mình. Những cảm xúc tiêu cực cần được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu.

Khi một ai đó nói họ thấy chán nản, buồn rầu và bi quan, xin hãy quan tâm họ nhiều hơn nữa. Hãy hỏi họ bạn có thể làm gì để giúp họ cảm thấy tốt hơn, không phải ai cũng có thể tự giải thoát cho mình, rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của bạn.

Khi ai đó nói họ mệt mỏi rồi, công việc này chán quá, cuộc sống cũng không còn gì hứng thú nữa thì hãy tin là như vậy. Dù người đó có giàu có, giỏi giang và xinh đẹp thì không có nghĩa họ không bị trầm cảm. Hãy ôm lấy họ, nói rằng bạn nghỉ ngơi đi, chúng mình đi ăn và nghe nhạc nhé, công việc cứ tạm gác sang một bên, tận hưởng cuộc sống theo một cách khác.

Khi tôi nói tôi bị trầm cảm, không ai tin! - Ảnh 5.

Nếu Jonghyun được lắng nghe khi cậu ấy tuyệt vọng nhất, nếu cậu ấy có một kì nghỉ vào lúc cậu ấy cần, và người ta không đặt quá nhiều kỳ vọng vào cậu ấy thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Nếu cậu bé học cùng lớp em trai tôi được cha mẹ quan tâm hơn, thầy cô sát sao với việc bắt nạt học đường hơn, và cả những bố mẹ của những đứa trẻ đi bắt nạt cũng hiểu con cái mình hơn, thì đã chẳng có vụ tự tử bất thành nào xảy ra.

Trầm cảm không phải dấu hiệu của tính tình nhu nhược, yếu đuối mà nó là một căn bệnh thật sự và vô cùng nguy hiểm nếu không được quan tâm, chữa trị kịp thời. Xin đừng thờ ơ với nó bởi nó có thể tước đi mạng sống của bạn, hoặc chính người thân của bạn lúc nào không hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại