Dàn máy điều hòa của một tòa nhà thương mại ở New Delhi - Ấn Độ trong đợt nắng nóng hồi cuối tháng 4-2022. Ảnh: REUTERS
Xung đột vũ trang, hạn hán, sản xuất thiếu hụt, dự trữ thấp chưa từng thấy và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 - đó là những lý do "vắt kiệt" các thị trường năng lượng trên toàn cầu trong một năm qua, còn khách hàng khổ sở với hóa đơn leo thang. Nhiều khả năng tình hình này sẽ tệ hơn nữa khi mùa hè đã đến.
Từ Á sang Âu
Nguyên nhân lần này là do nhiệt độ tăng cao. Hiện nhiều vùng ở Nam Á đã nóng khủng khiếp, tâm điểm cắt điện đang rơi vào Nam và Đông Nam Á, như Pakistan, Sri Lanka, Myanmar... phải cắt điện trên toàn quốc, khiến 300 triệu người chịu ảnh hưởng. Riêng ở Ấn Độ, khoảng 16 trong số 28 bang - tức là nơi sinh sống của hơn 700 triệu người - phải vật lộn với cảnh mất điện từ 2-10 giờ mỗi ngày trong tháng này.
Để đối phó, gần đây chính phủ Ấn Độ chỉ đạo tăng mua than của nước ngoài dù giá cả đắt đỏ, đồng thời đảo ngược các chính sách môi trường để mở rộng khai thác than.
Tuy nhiên, khó mà nói các biện pháp này có tác dụng bao nhiêu. Mùa mưa sắp tới có thể giảm bớt nhu cầu dùng điện ở Ấn Độ song lại có nguy cơ làm ngập các vùng mỏ. Tại Trung Quốc, lo ngại tái diễn tình trạng thiếu điện diện rộng như năm ngoái, các nhà chức trách đã đẩy mạnh khai thác than để đạt sản lượng kỷ lục.
Dù vậy, ngành năng lượng Trung Quốc sớm cảnh báo mùa hè năm nay vẫn căng thẳng đối với các vùng công nghiệp nặng ở miền Nam, nơi cách xa các trung tâm khai thác năng lượng nội địa và phải phụ thuộc vào than và khí đốt nhập khẩu.
Chính quyền nhiều nơi tại Nhật Bản cũng lo lắng không kém, nhất là sau đợt thiếu điện nặng nề hồi tháng 3 vừa qua. Một đợt lạnh lúc đó khiến nhu cầu dùng điện tăng mạnh trong khi chỉ vài ngày trước, một trận động đất khiến nhiều nhà máy than và khí đốt phải ngừng hoạt động.
Trước những dự báo không mấy sáng sủa, chính quyền thủ đô Tokyo đã khởi động chiến dịch tiết kiệm năng lượng, bao gồm kêu gọi người dân bớt xem tivi.
Tại Mỹ, tổ chức điều hành hệ thống độc lập Midcontinent (MISO) cung cấp điện cho khoảng 42 triệu người, cho biết ít nhất 12 bang - từ California đến vùng Ngũ Đại hồ - sẽ đối mặt thiếu điện vào mùa hè này.
Năng lực thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán nặng nề kéo dài, bang California đông dân nhất nước Mỹ có nguy cơ thiếu điện thêm vài mùa hè nữa. Bang Texas lại lo lắng chuyện hạ tầng, sau vụ cơn bão mùa đông hồi tháng 2-2021 đẩy hàng triệu người vào cảnh tối tăm nhiều ngày liền. Mới đầu tháng này, 6 nhà máy điện của Texas lại gặp sự cố.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
"Xung đột và các lệnh trừng phạt làm gián đoạn cung cầu, thêm vào đó là thời tiết cực đoan và kinh tế vực dậy hậu Covid-19 khiến nhu cầu về điện tăng vọt. Sự kết hợp của quá nhiều yếu tố như thế này đúng là độc nhất vô nhị" - ông Shantanu Jaiswal, nhà phân tích của BloombergNEF, mảng nghiên cứu của hãng tin Bloomberg, nhấn mạnh.
Không có điện, bệnh tật và tử vong do nhiệt độ cực đoan có chiều hướng gia tăng trong khi hàng chục ngàn người không có nước sạch để dùng. Mất điện kéo dài cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp không thể hoạt động và kinh tế phải chịu cú sốc khổng lồ.
Năm 2014, Ấn Độ ước tính 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ "bốc hơi" theo tình trạng thiếu điện và nếu mất điện lan rộng hơn và kéo dài suốt năm qua, Ấn Độ có thể đã mất gần 100 tỉ USD. Hóa đơn tiền điện leo thang sẽ thổi bùng lạm phát.
Khi các nhà máy trong lưới điện của Texas gặp sự cố tháng này, giá điện bán sỉ ở TP Houston thuộc bang này có thời gian ngắn vọt lên trên mức giá trần 5.000 USD/MWh, cao gấp 22 lần chi phí trung bình lúc cao điểm sử dụng điện.
Thiệt hại không dừng lại ở đó. Chuyên gia Henning Gloystein của tổ chức tư vấn Eurasia Group chỉ ra tình trạng thiếu điện của năm nay có thể kích hoạt khủng hoảng nhân đạo về mặt lương thực và năng lượng trên quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Vấn đề là những yếu tố gây ra căng thẳng năng lượng không có vẻ gì là sớm tan biến. Biến đổi khí hậu sẽ khiến nắng nóng cực đoan phổ biến hơn. Trong khi đó, việc hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch những năm gần đây cộng với nhu cầu tăng mạnh, nhất là ở các thị trường mới nổi ở châu Á, càng khiến thị trường năng lượng ngột ngạt thêm vài năm nữa - theo ông Alex Whitworth, nhà nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd.
Lưới điện các nơi sẽ càng thêm sức ép trong lúc chờ năng lượng từ gió và mặt trời tăng dần trong cơ cấu năng lượng của thập kỷ tới.
Dĩ nhiên, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là yêu cầu then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Càng đốt thêm than để bù đắp thiếu hụt năng lượng, chúng ta càng phải trả giá bằng vòng luẩn quẩn của việc phát thải gia tăng, gây thêm nhiều đợt nắng nóng và quay lại trút áp lực lên lưới điện.
"Cả đời chưa chứng kiến"
Nam Phi nhiều khả năng sẽ trải qua một năm kỷ lục về... cắt điện. Trong khi đó, châu Âu cũng có thể trải qua điều mà ông Fabian Ronningen, nhà phân tích về thị trường điện của Công ty nghiên cứu Rystad Energy, mô tả là "chưa từng xảy ra đối với người tiêu dùng châu Âu" này.
Nguy cơ mất điện ở châu Âu được đánh giá là khá thấp bởi số người dùng máy điều hòa tại nhà ít hơn những nơi khác và "lục địa già" đang chạy đua bơm đầy kho dự trữ khí đốt.
Tuy nhiên, thấp không phải là không có. Na Uy đang trải qua một mùa xuân khô hạn, khiến nguồn cung từ thủy điện bị hạn chế trong khi nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất khu vực, Electricite de France SA (Pháp), vừa thông báo cắt giảm sản lượng mục tiêu lần thứ 3 trong năm nay.
Một khi Nga khóa van khí đốt đến châu Âu, cắt điện luân phiên sẽ xảy ra ở một số nước, nhất là ở các quốc gia Đông Âu vốn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga như Hy Lạp, Latvia, Hungary... - theo ông Fabian Ronningen.