Khi những "tấm gương trong" phải đi tiếp rượu

Gia Hiền |

Các nhà giáo là những tấm gương trực tiếp cho mỗi thế hệ. Độ trong của những tấm gương đó, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ.

Bên hành lang Quốc hội, chỉ vài ngày trước lễ Hiến chương Nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo giới: "Việc cử giáo viên đi tiếp khách và uống rượu là không được".

Ông cũng nói thêm: "Các vấn đề làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đi ngược lại tôn chỉ mục đích của ngành thì Bộ có trách nhiệm chỉ đạo".

Cũng trong ngày, Bộ trưởng Nhạ ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị kiểm tra làm rõ việc thị xã Hồng Lĩnh điều giáo viên "làm các công việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên".

Với người trong ngành, ông Nhạ nói: "Khi đã giữ nguyên tắc mà bị ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô, sau mới tính đến người ép buộc.

Thầy cô phải tự xem xét lại mình, khi thấy không đúng thì phải kiến nghị, chứ mình thực hiện là vi phạm".

Về lý thuyết những điều Bộ trưởng nói ra đều đúng. Bởi vì bất cứ ai cũng phải có khả năng phân biệt đúng sai, và có quyền, thậm chí là trách nhiệm, phản ứng với cái sai.

Chỉ có một vướng mắc nhỏ: Phát biểu của ông dựa trên tâm thế của một bộ trưởng. Bộ trưởng – là vị trí cao nhất trong quản lý hành chính với một ngành.

Trong ngành giáo dục, vị trí của những người giáo viên thấp hơn bộ trưởng rất nhiều.

Tâm thế của thày cô giáo, nhất là những thày cô ở địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa, thì rất khác bộ trưởng. Cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp la liệt.

Dự tính đến năm 2020, tổng số giáo viên các cấp thất nghiệp do khủng hoảng thừa sẽ lên tới 70.000 người.

Người ta vẫn rỉ tai nhau những khoản tiền vài chục thậm chí cả trăm triệu "chạy" một suất biên chế của ngành sư phạm, chẳng biết hư thực ra sao.

Trong bối cảnh đó, liệu có dễ dàng với các thày cô khi được yêu cầu hãy mạnh mẽ đấu tranh với những chèn ép?

Khi những tấm gương trong phải đi tiếp rượu - Ảnh 1.

Họ, những giáo viên - những người thày của chúng ta, của con em chúng ta - đang phải cắn răng chấp nhận quá nhiều thứ để được đứng trên bục giảng.

Lương chính thức của một giáo viên có trên 20 năm kinh nghiệm tại TP HCM - theo thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT tại đây, là từ 4-6 triệu đồng. Các nơi khác, bằng hoặc thấp hơn.

Họ phải liên tục gồng mình lên để đáp ứng các yêu cầu liên tục thay đổi của ngành giáo dục, mà không được thêm đồng xu nào từ những cải cách ấy, bất kể thành hay bại.

Họ phải tham gia vô số kỳ thi tuyển, kiểm tra chất lượng, thường xuyên đứng trong cuộc đua công chức khốc liệt, mà việc đỗ hay trượt đôi khi phụ thuộc cả vào những yếu tố ngoài bản thân họ.

Đối mặt với ngần ấy áp lực, các thày cô đang nhẫn nhịn đến cực độ, thực ra đã vượt xa khả năng chịu đựng thông thường rồi. Nhẫn nhịn đến độ có thể bị coi là dễ bảo.

Hãy nghe các vị chức sắc ở Hà Tĩnh nói gì, sau khi vụ việc các cô giáo phải đi nhà hàng tiếp rượu được đưa lên mặt báo.

Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh phát biểu: "Không có vấn đề gì, sợ nhất là đến phục vụ đại biểu ăn mà lại không được ăn".

Cũng có thể hiểu, việc các cô đi tiếp rượu là rất bình thường. Và miếng ăn ở đây mới là thước đo, chứ không phải là sự tôn nghiêm.

Ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh thì quan điểm còn vô tư hơn: "Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng.

Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".

Nghe những lời này, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Như thế thì giáo viên cũng hơn gì tiếp viên nhà hàng?. Tiếp viên nhà hàng chẳng có gì là xấu – một công việc để kiếm sống như bao công việc khác thôi.

Nhưng tôi chắc chắn, ít ra thì những cô tiếp viên nhà hàng, nếu một ngày được đặt lên đứng trên bục giảng, cũng còn có quyền từ chối.

Các nhà giáo có thể làm hiệp sĩ đi chiến đấu với "cối xay gió". Nhưng nhìn nhận thực tế hơn, họ là những người cần được bảo vệ. Nhà giáo từ xưa tới giờ, luôn là tấm gương trực tiếp cho mỗi thế hệ.

Học trò soi vào họ để hình thành nên nhân cách cho mình. Độ trong của những tấm gương đó, chính chúng ta cũng có phần trách nhiệm gìn giữ.

Nhân vụ việc các cô giáo phải đi nhà hàng tiếp khách ở Hà Tĩnh, ngoài một công văn đề nghị làm rõ, Bộ GD&ĐT nên có quy định cấm các đơn vị trực thuộc được điều giáo viên đi làm bất cứ việc gì ngoài chuyên môn.

Nếu nghiêm ngắn hơn nữa, thì từ Bộ xuống đến Sở, Phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh, và ban giám hiệu nhà trường nơi các cô giáo phải đi tiếp rượu, hãy có một lời nhận lỗi công khai với các cô.

Chỉ ít hôm nữa là đến Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam rồi, chuyện không nên buồn hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại