Cuộc chạy đua hạt nhân trên ngưỡng cửa: Những cảnh báo lạnh người

Thủy Thu |

Mỹ và Nga hiện đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân đủ để hủy diệt thế giới nhiều lần, còn Trung Quốc và các nước khác lại đang cố gắng mở rộng kho vũ khí này.

Mỹ và Nga đồng thời bỏ rơi INF

Sau khi Mỹ và Nga cùng rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một cuộc chạy đua vũ trang mới dường như đang hình thành. Cuộc đua này đã thu hút được nhiều quốc gia tham gia hơn, đổ nhiều tiền hơn với nhiều vũ khí hơn trong bối cảnh tình hình bất ổn trên toàn cầu và những quan ngại về phổ biến hạt nhân leo thang, The New York Times (Mỹ-NYT) nhận định.

Trong Chiến tranh Lạnh, một khung kiểm soát hàng chục ngàn vũ khí hạt nhân đã được thống nhất bởi hai siêu cường Mỹ và Liên Xô sau thời gian dài đàm phán. Hiệp ước phức tạp và chi tiết này đã góp phần đảm bảo rằng thế giới không bị hủy diệt bởi hạt nhân.

Tuy nhiên ngày nay, chính những điều ước này đã bị Mỹ và Nga bỏ rơi, trong khi các đối thủ chiến lược mới lại không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF từ thời Chiến tranh Lạnh - như Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Các quốc gia này đang trở thành lực lượng thách thức mang tính khu vực đối với Mỹ.

Cuộc chạy đua hạt nhân trên ngưỡng cửa: Những cảnh báo lạnh người - Ảnh 1.

Vào tháng Năm năm nay, hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa đã được trình diễn tại cuộc duyệt binh ở Moscow. Ảnh: Getty

Sự sụp đổ của nguyên tắc kiểm soát vũ khí từ Chiến tranh Lạnh hiện đang làm gia tăng thêm rủi ro trong kỷ nguyên mới, khi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Ấn Độ và Pakistan liên tục đối đầu ở khu vực Kashmir, Israel - nước sở hữu vũ khí hạt nhân - cảm thấy đe dọa bởi Iran. Ngoài ra, các quốc gia khác như Ả Rập Saudi được coi đang tiếp cận vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia cho rằng, kết quả này rất có thể sẽ tạo ra một môi trường nguy hiểm và hỗn loạn hơn - ngay cả trong ngắn hạn. Một môi trường như vậy có thể dẫn đến xung đột mà không ai mong muốn và các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ sẽ phải chi rất nhiều tiền.

"Nếu không có giải trừ hạt nhân, sẽ có sự phổ biến hạt nhân", ông Joseph Cirincione, Chủ tịch Quỹ Plowshares về không phổ biến hạt nhân cho biết. "Nếu các nước lớn bắt đầu cạnh tranh trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, các nước nhỏ sẽ làm theo."

"Miễn là những 'đứa trẻ lớn' đó khư khư giữ chặt đồ chơi thì những đứa khác cũng sẽ muốn," ông nhấn mạnh bằng cách mượn lời của cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei.

Không chỉ "những đứa trẻ lớn" giữ chặt đồ chơi mà giờ đây "những đứa trẻ lớn" đang ngày càng nhiều hơn và chúng muốn có nhiều đồ chơi hơn, NYT bình luận.

Washington coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và cũng là đối thủ cạnh tranh không ngừng trỗi dậy. Mỹ đang hành động để tăng cường sự hiện diện quân sự và triển khai tên lửa ở châu Á nhằm ngăn chặn một Trung Quốc lớn mạnh hơn. Trong khi Trung Quốc ngày nay đã mở rộng và sẽ hiện đại hóa kho dự trữ tên lửa tầm trung - loại vũ khí có thể tấn công các tàu chiến Mỹ.

Bên cạnh đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton từng chia sẻ Hiệp ước giữa Nga và Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược (START mới) sẽ hết hạn vào năm 2021. Nó sẽ không được gia hạn thêm 5 năm như dự kiến ​​trong hiệp ước, được ký kết dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Không có hạn chế về vũ khí hạt nhân và không có hệ thống xác minh hoặc trao đổi thông tin tại chỗ, một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém giữa Washington với Moscow dường như là không thể tránh khỏi - và có thể đẩy nhanh một cuộc chạy đua khác với Bắc Kinh.

Không có sự ràng buộc của INF, chính quyền Tổng thống Trump đang thử nghiệm một thế hệ tên lửa tầm trung mới trên đất liền và hy vọng sẽ triển khai chúng ở châu Á. Khi làm như vậy, hy vọng từ ý tưởng lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên của Tổng thống Trump dường như ngày càng thu hẹp hơn.

"Một điều tồi tệ đang xảy ra, chúng ta sắp phải đối mặt với một cục diện không kiểm soát với Nga", Lynn Rusten, quan chức cấp cao về kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời chính phủ Tổng thống Obama nói. "Chúng ta đang mất một biện pháp bảo vệ quan trọng để giữ cho Mỹ và Nga tránh xa cuộc đối đầu hạt nhân. Chí ít trong Chiến tranh Lạnh, hai bên vẫn sẽ liên lạc với nhau."

Cuộc chạy đua hạt nhân trên ngưỡng cửa: Những cảnh báo lạnh người - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới vào năm 2011. Ảnh: NYT

Richard J. Burt - nhà đàm phán chính của Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) ký với Liên Xô năm 1991 nói rằng nếu không có START mới, "sẽ không thể xác minh hoặc minh bạch tại chỗ nữa, vì vậy bạn lại quay lại giai đoạn trước và đưa ra những giả định tồi tệ nhất về những gì đối thủ của bạn đang làm."

"Trong những năm 1970 và 1980, ngay cả các nhà hoạch định chính sách cũng nói rằng việc phát triển vũ khí của Mỹ và Liên Xô là sự điên rồ. Cả hai bên đều được trang bị vũ khí quá mức mà không thể đoán trước được và đó là phương hướng chúng ta giờ đây đang đi tới", ông Burt nói. Trong những năm 1960, 1970 và 1980, chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm khoảng 7% sản xuất kinh tế và chỉ số đó ngày nay vừa vượt qua 4%.

Với sự góp mặt của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, Mỹ "có thể sẽ có những khoản chi tiêu khổng lồ".

"Chúng tôi đang nói về việc hiện đại hóa toàn bộ bộ ba hạt nhân của Mỹ gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom thế hệ mới", ông nói. "Việc này sẽ tiêu tốn đến hơn một nghìn tỷ USD, dù chưa bao gồm tên lửa tầm trung và tên lửa siêu thanh."

Nguy cơ thế giới đối diện với cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm

Ông Radoslaw Sikorski, cựu Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan và hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu cho biết: "Về cơ bản, chúng ta đã hủy bỏ tất cả khung kiểm soát vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đây không phải là một điều tốt. Ngoài ra ở Washington, chúng ta có một chính phủ đánh giá quá cao sức mạnh của Mỹ".

Ngay cả sau nhiều thập kỷ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, Mỹ và Nga vẫn sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới với hơn 8.000 đầu đạn - đủ để hủy diệt thế giới nhiều lần. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân được cả hai bên triển khai ở mức xấp xỉ 1.550, ít hơn khoảng hai phần ba so với START I.

Nhưng khi Tổng thống Nga Vladimir V. Putin lần đầu tiên điện đàm với Tổng thống Trump về việc đổi mới Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới vào tháng 2/2017, ông chủ Nhà Trắng đã tấn công hiệp ước này khi cho rằng đây là hiệp ước có lợi cho Nga và coi đây là "một trong số các thỏa thuận tồi tệ được đàm phán bởi chính quyền cựu Tổng thống Obama".

Cuộc chạy đua hạt nhân trên ngưỡng cửa: Những cảnh báo lạnh người - Ảnh 3.

Vào năm 2014, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc đã tham gia một cuộc tập trận hải quân chung Nga trên biển Hoa Đông. Ảnh: AP

Cố vấn quốc gia Mỹ John Bolton cũng từng tiết lộ, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới có khả năng không được gia hạn, một phần vì hiệp ước này không bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Nhưng trong các vấn đề hạt nhân, việc theo đuổi sự hoàn hảo có thể là điều tồi tệ, ông Jon Wolfsthal người từng đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời TT Obama nói.

Theo ông Wolfstal, Tổng thống Trump coi việc Trung Quốc tham gia vào hiệp ước này là điều tích cực.

"Có rất nhiều lĩnh vực đáng quan tâm cần giải quyết", ông nói về sự phát triển quân sự và hải quân, tên lửa chống hạm của Trung Quốc và mối quan tâm của Trung Quốc về việc triển khai tên lửa, phòng thủ tên lửa, chiến tranh mạng và không gian của Mỹ.

"Nhưng thật điên rồ khi nói rằng Trung Quốc sẽ tham gia vào khung kiểm soát vũ khí của Mỹ và Nga và ngồi vào thế bất lợi", Wolfstahl nói, đặc biệt trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh và tăng cường mua bán vũ khí với Đài Loan.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng, song song với sự đổ vỡ của Hiệp ước INF, ông muốn bắt đầu triển khai các tên lửa tầm trung trên đất liền của Mỹ ở châu Á càng sớm càng tốt, thậm chí là trong "vài tháng".

Cuộc chạy đua hạt nhân trên ngưỡng cửa: Những cảnh báo lạnh người - Ảnh 4.

Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quân sự chung ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Trung Quốc ngay lập tức phản ứng bằng cách cảnh báo rằng những động thái như vậy đều mang tính công kích rõ ràng. Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông nói rằng Bắc Kinh sẽ "thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết" và nhấn mạnh Trung Quốc "sẽ không tham gia" vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Thomas M. Countryman cho biết, Trung Quốc có một kho vũ khí hạt nhân nhỏ gồm khoảng 300 đầu đạn hạt nhân và lý thuyết chiến lược hoàn toàn khác cũng như không có nhiều động lực để tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy. .

Theo ông, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc tương đối nhỏ, không đủ để gây ra mối đe dọa phủ đầu đối với Washington hoặc Moscow nhưng nó đủ lớn để tiến hành sự trả đũa hữu hình.

Ngược lại, Hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow dựa vào sự kiểm tra và minh bạch. "Trung Quốc tin rằng các hiệp ước này sẽ làm xói mòn một số lợi thế của họ", chuyên gia Mỹ nói.

Tuy nhiên, ông Mark Fitzpatrick, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí và Giải trừ quân bị thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London, nói rằng nếu Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới bị bãi bỏ, kho vũ khí hạt nhân ở Moscow và Washington sẽ trở nên vô cùng lớn: "Điều này chỉ đơn giản là mời Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình".

Ông nói rằng Trung Quốc sẽ cảm thấy bản thân dễ bị tấn công, bởi vì ngay cả các tên lửa, máy bay ném bom và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược thông thường của Mỹ cũng đủ tinh vi để đe dọa khả năng chống trả của Trung Quốc.

Theo ông, tác động của việc từ bỏ kiểm soát vũ khí có thể không rõ ràng trong một vài năm, vì cần có thời gian để phát triển các chính sách và vũ khí mới nhưng "một khi bát đĩa đã bị đập vỡ thì tức là khía cạnh nào đó đã xảy ra vấn đề".

Ông này cũng nói thêm, không ai thừa nhận cuộc chạy đua vũ trang do bản thân khởi động. "Nó luôn luôn là phản ứng với những gì người khác đang làm."

Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự và theo quan điểm của họ, những sáng kiến ​​này đã cho phép họ cạnh tranh với Mỹ, quốc gia có chi tiêu quân sự cao hơn nhiều.

Ông Burt đề nghị Mỹ mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới và sau đó đàm phán với Moscow để giảm thêm số lượng đầu đạn có thể triển khai ở cả hai nước. "Sau đó, Mỹ có thể để Trung Quốc chấp nhận các hạn chế đối với kho vũ khí hạt nhân".

Nếu không, "chúng ta sẽ tiến tới một cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém", ông nói.

NYT cũng cho rằng, nếu những nước lớn này không thể cắt giảm "đồ chơi hạt nhân" thì họ sẽ chỉ khuyến khích các nước khác cũng lao vào chế tạo chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại