Nhiều người giàu ở nền kinh tế số 2 thế giới muốn di cư đến một quốc gia có hệ thống giáo dục tốt hơn và thoát khỏi các thành phố ô nhiễm, cũng như chính sách khắt khe của chính phủ. Ngoài ra, bảo vệ tài sản cũng là một trong những lý do.
Hiện tài sản ở nước ngoài chiếm 11% tổng tài sản của các triệu phú Trung Quốc. Trong khi đó, nhờ những phụ nữ ở Mỹ đẻ hộ hay du lịch sinh con tại Canada có thể bảo đảm cho những bậc phụ huynh Trung Quốc có đứa bé chào đời với quốc tịch tại chỗ.
Thế giới ngầm
Tại Mỹ, khi đủ 21 tuổi, đứa con này có thể xin cấp thẻ xanh (thẻ cư trú hợp pháp) cho bố mẹ người Trung Quốc của mình. Còn ở Canada, việc bao thẻ xanh cho phụ huynh cũng đang dần được cởi trói khiến ngành công nghiệp du lịch sinh con tại nước này ngày càng hấp dẫn.
Theo thống kê công bố hồi tháng 7-2018, tỉ lệ sinh của những người mẹ quốc tịch nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, tại Canada tăng vọt trong 3 năm trở lại đây.
Tuy vậy, gần đây, một trào lưu âm thầm hơn, kín kẽ hơn và ít được biết tới hơn đã hé lộ: Loạt phóng sự điều tra của báo Mainichi Shimbun (Nhật Bản) đã soi rọi vào những góc khuất cũng như các kế hoạch lạnh lùng của câu chuyện "đẻ chui" ở đất nước mặt trời mọc của những gia đình Trung Quốc.
Theo đó, nhiều người thân của các quan chức Trung Quốc cấp cao đã tận dụng hoạt động kinh doanh đẻ mướn ngầm len lỏi ở Tokyo để có những đứa con mang quốc tịch Nhật nhằm tẩu tán tài sản và tính đường chuồn khi cần.
Sau khi thương thảo với một người môi giới đẻ mướn Trung Quốc suốt gần 6 tháng, Mainichi Shimbun mới gặp được một phụ nữ Bắc Kinh - vốn là thành viên trong gia tộc giàu có và cậu con trai 2 tuổi mang quốc tịch Nhật.
"Tôi không chịu chuyện đẻ mướn. Thế nhưng, không ai trong gia đình có thể trái lệnh của bác chồng tôi" - người mẹ trải lòng.
Theo lời kể, chồng phụ nữ nêu trên là cán bộ quản lý của một công ty thương mại và bác chồng cô giữ chức vụ cao trong chính quyền. Chính ông bác chỉ thị cháu dâu sang Nhật dàn xếp người đẻ mướn. Ông nói: "Nếu trong gia đình có người mang quốc tịch Nhật sẽ dễ dàng chạy sang đó hơn khi có biến".
Người mẹ Trung Quốc và cậu con trai ra đời bằng mang thai hộ ở Nhật Bản Ảnh: MAINICHI
Tài khoản "khủng" của đứa bé 2 tuổi
Với một thành viên mang quốc tịch Nhật, gia đình người Trung Quốc có thể an toàn chuyển tài sản sang Nhật. Đồng thời, các thành viên trong nhà cũng dễ dàng hơn trong việc mua bán bất động sản hay mở công ty ở đây. Điều đó cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch sang nước thứ 3, như Mỹ.
Trong khi đó, một người đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 40 có cậu con trai 2 tuổi mang quốc tịch Nhật Bản cũng thông qua "đẻ mướn" tiết lộ tài khoản đứa bé có 2 tỉ yen (tương đương hơn 17 triệu USD).
Giải đáp thắc mắc của phóng viên về việc số tiền lớn như vậy trong tài khoản của một đứa trẻ lẽ nào không bị để mắt tới, người đàn ông tự tin: "Những người trong ngành tài chính đều hiểu cả, thế nên chúng tôi vẫn ổn".
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, người đàn ông cho biết ông sẽ không bao giờ quên lúc nhận được cuộc gọi gấp gáp từ ông bác quyền cao chức trọng trong chính quyền của gia đình vào ngày 9-6-2013.
Ông bác nói: "Có vẻ Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mạnh tay chống tham nhũng. Chúng ta phải nhanh tay chuyển tài sản tới nơi an toàn hơn. Nghe nói có con đường mới là có đứa con quốc tịch Nhật bằng mang thai hộ. Cháu lo liệu vụ này đi".
Hơn một năm sau cuộc gọi, gia tộc đã có đứa con như ý gửi nuôi tại một trung tâm chăm sóc trẻ vùng Kanto. Người cha vừa xin được visa sang Nhật làm việc hồi năm 2015 để tiện thăm con, trong khi vợ và con trai lớn vẫn ở Trung Quốc.
Thiên đường trú chân tài sản
Một người Trung Quốc hành nghề môi giới dịch vụ đẻ mướn tiết lộ với Mainichi Shimbun rằng trong 4 năm (2012-2016) đã thu xếp cho 86 đứa trẻ Trung Quốc có quốc tịch Nhật. Chi phí 1 trường hợp lên tới 15 triệu yen (hơn 130.000 USD).
Luật pháp Nhật Bản không cấm việc mang thai hộ. Ngoài ra, đứa trẻ sinh ra bằng dịch vụ đẻ mướn ngầm ở Tokyo có thể có được quốc tịch Nhật Bản. Do đó, giới nhà giàu Trung Quốc lo bị chính quyền "sờ gáy" có thể dùng đứa con mang quốc tịch Nhật làm thiên đường an toàn cho núi tài sản của họ.
Từ đó, dịch vụ môi giới đẻ mướn đã đi chệch với mục đích ban đầu là mở ra một loại hình du lịch y tế cho những cặp đôi Trung Quốc gặp vấn đề về sinh nở.
Trong khi đó, chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" ở Trung Quốc vẫn chưa tới hồi kết, việc dọn đường rút chạy của nhiều quan chức "có tật, giật mình" được cho là sẽ còn tiếp tục sôi động.