Sự cố môi trường do Formosa gây ra được cả nước quan tâm đặc biệt nhưng không nhiều người biết rằng khi Formosa bắt đầu triển khai xây dựng ở Hà Tĩnh, PGS, TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra những lời cảnh báo về môi trường.
Cảnh báo đã có, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn
Chia sẻ về những cơ sở để có thể đưa ra những lời cảnh báo đó, ông Trần Đình Thiên cho biết: "Thực ra không chỉ có tôi đưa ra dự đoán, đưa ra cảnh báo mà nhiều người cũng dự đoán về việc này. Và việc dự đoán đó cũng là theo logic thông thường.
Thứ nhất, ngành luyện thép là ngành gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai, luyện thép tiêu tốn nhiều năng lượng. Và điện thì dù là thuỷ điện hay nhiệt điện đều gắn với vấn đề ô nhiễm môi trường (nếu là nhiệt điện thì đó là câu chuyện khai thác tài nguyên để đốt, còn thuỷ điện thì liên quan đến vấn đề phá rừng và dòng sông).
Thứ ba, khi Fomosa làm gần biển với quy mô lớn như vậy thì tôi đoán là chắc chắn là họ tính đến sử dụng biển như một thứ xử lý vấn đề môi trường cho nhẹ đi thôi. Thứ tư, thực ra tai tiếng của Formosa cũng đã có từ lâu. Ở các nước khác, cũng đã có nhiều sự cố môi trường do Formosa gây ra rồi".
Ông Thiên cho biết tại thời điểm đó (khi Formosa bắt đầu triển khai xây dựng ở Việt Nam - PV), khi tham gia các diễn đàn, ông cũng có đề cập đến vấn đề gây ô nhiễm. Và mọi người cũng tiếp nhận thông tin đó một cách bình thường như nghe nói về các ngành gây ô nhiễm khác thôi.
"Vì chưa xảy ra sự số môi trường nên ý kiến của tôi cũng chỉ là tham khảo và để đó thôi. Chỉ khi sự kiện xảy ra thì mọi người mới thực sự quan tâm và câu chuyện mới nóng thực sự. Còn khi chỉ là dự báo thì cùng lắm cũng chỉ là một cảnh báo.
Lúc ấy, mọi người chỉ tập trung sâu về hiệu quả của dự án ở tầm quy mô lớn đó thôi", ông Thiên cho biết.
Ông Thiên cũng kể thêm: "Ở thời điểm đó, khi nói chuyện với một số người ở Sở Tài chính Nghệ An, họ nói rằng Hà Tĩnh sẽ phát triển lên.
Tôi mới nói rằng: "Cũng không có gì phải sốt ruột khi nhìn thấy Hà Tĩnh như vậy bởi vì phát triển bằng một dự án công nghiệp ở dạng "hoàng hôn" như thế thì kết quả không chỉ có kinh tế mà hệ luỵ sẽ không nhỏ và cái giá phải trả sẽ cao".
Vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định: "Những vấn đề này, kinh nghiệm quốc tế đã tự nó cảnh báo rồi.
Những nước đi trước đã để cho chúng ta nhiều bài học về vấn đề có nên trở thành cường quốc về lọc dầu hay cường quốc về sản xuất gang thép không, có nên để những ngành đó trở thành "chân dung lớn" của nền kinh tế hay không.
Đã có những cảnh báo và bài học là phải lắng nghe được những cảnh báo ấy như thế nào. Để đến khi sự cố môi trường xảy ra, tất cả mới chú ý và lên tiếng thì đã quá muộn.
Vì khi cảnh báo thì sự việc chưa gây bức xúc nhưng đòi hỏi những vị lãnh đạo có quyền quyết định phải có được tầm nhìn để tránh để xảy ra hậu quả xấu".
Nguy cơ trong cơ hội tiếp nhận nguồn FDI
Qua trường hợp Formosa, ông Thiên cho rằng nếu chúng ta chấp nhận những dự án công nghiệp với loại hình công nghệ thấp thì chúng ta sẽ phải nuôi công nghệ, dự án đó 30-40 năm, thậm chí Formosa đã được ký đến 70 năm.
TS Thiên nói: "Thời buổi này, cứ 10-15 năm thì công nghệ đã phải thay đổi. Nếu mình chấp nhận "ôm" lấy những công nghệ cũ quá lâu thì đó là hậu quả rất nặng nề.
Đối với ngành nghề nào cũng vậy, chúng ta phải thấy thế giới họ chuyển sang công nghệ cao với tốc độ rất nhanh. Nếu chúng ta cứ ôm lấy công nghệ thấp thì chính những chỗ như vậy sẽ thành lực cản khiến nền kinh tế không bứt lên được vì không gian, nhân lực đã bị những dự án sử dụng công nghệ cũ chiếm mất rồi".
Theo ông Thiên, Việt Nam có cơ hội tiếp nhận FDI nhưng trong cơ hội có nguy cơ phải nhận những luồng công nghệ mà nước ngoài muốn bỏ đi để họ vượt lên đẳng cấp công nghệ khác. Đó là quy luật tự nhiên của phát triển. Những vấn đề là chúng ta có thái độ như thế nào. Đó là câu chuyện phải tính".
"Bài học Formosa là bài học lớn. Các bài học từ các nhà máy giấy, nhà máy xi măng lò đứng quá đắt, học mãi không được. Không biết đến bài học này có được hay không", vị Viện trưởng Kinh tế Việt Nam xót xa .