Kể từ sau khi Google vén màn chiếc Pixel đầu tiên, cuộc đua nhiếp ảnh smartphone đã chuyển sang một hướng hoàn toàn mới: nhiếp ảnh điện toán. Từ phép giả lập xóa phông không giả tạo, chế độ thiếu sáng cực ấn tượng cho đến những phép màu hoang đường như zoom số như zoom thật, các ông lớn như Google, Apple và Samsung đã cho thấy tiềm năng không giới hạn của những con chip xử lý tín hiệu ảnh chụp.
Nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc thì đang đi theo chiều ngược lại. Thay vì dùng trí tuệ nhân tạo để đem lại lợi ích thực tế cho người dùng, họ đang đi tìm những con số điên khùng để khoe. Minh chứng: trong sự kiện Mate 30 Pro ngày 19/9, Huawei rất tự hào khoe khả năng quay ở mức 7680 khung hình/giây. Trên sân khấu sự kiện, Huawei rất tự hào thể hiện con số này cao gấp 8 lần Galaxy Note10+ và 32 lần iPhone 10+.
Không hiểu vì lý do gì mà Huawei lại cho rằng người dùng sẽ muốn quay video ở tốc độ 1/128 thời gian thực.
Có thể nói là Huawei đã thắng Apple và Samsung trên khía cạnh này. Nhưng trong cơn bệnh "mê số", Huawei đã bao giờ dừng lại và tự hỏi, ai sẽ cần tính năng quay chậm này? Quay được 7680 khung hình/giây cũng có nghĩa rằng Mate 30 có thể quay chậm ở mức độ 1/128 so với thời gian thực (nếu được phát lại ở khung hình 60 khung hình/giây).Trước khi phát triển tính năng, liệu các kỹ sư và các nhân viên marketing tại Huawei có đặt câu hỏi, người dùng nào cần phải thu lại khoảnh khắc trong cuộc sống ở tốc độ 1/128? Người dùng nào muốn xem những khoảnh khắc quay chậm 1/128 của kẻ khác?
Nếu thực sự suy nghĩ, Huawei có lẽ đã đầu tư vào một thứ khác có nghĩa hơn. Tính năng quay chậm (bằng cách thu về một lượng lớn khung hình/giây) thực tế đã có mặt trên iPhone 5S và Galaxy S5, tức là đã có nửa thập kỷ rồi. Chưa bao giờ quay chậm lại được coi là tính năng có nghĩa cả.
Khoe số MP, chiến lược marketing của... 2 thập kỷ trước.
Một điểm "mạnh" khác được Huawei đem ra khoe là số Megapixel: cả P30 Pro lẫn Mate 30 Pro đều sử dụng cảm biến 40MP. Trên thị trường smartphone, số MP của Huawei hiện tại chỉ thua kém một số ít các sản phẩm đồng hương như OPPO Reno (48MP), Xiaomi Mi 9 (48MP) hay Redmi Note 8 Pro (64MP).
Ở phía ngược lại, iPhone năm nay vẫn gắn bó với độ phân giải 12MP, Galaxy Note10+ và sắp tới là Pixel 4 vẫn sẽ kết hợp giữa 12MP và 16MP. Thị trường máy ảnh chuyên dụng cũng không bám đuổi số chấm "khủng" như các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. Lý do rất đơn giản: độ phân giải ảnh chụp không hề đại diện cho chất lượng ảnh cuối cùng. Thậm chí, những bức ảnh có độ phân giải quá cao còn mang lại nhiều điểm khó chịu: dung lượng quá cao, tốc độ xử lý ảnh chậm và đặc biệt là không được lưu trữ miễn phí trên Google Photos.
(Do Mate 30 series không được quyền sử dụng các dịch vụ Google, có lẽ Huawei không cần quan tâm đến điểm yếu cuối cùng này).
Lố bịch như Xiaomi: hy sinh cả chất lượng ảnh chỉ để đổi lấy con số MP cao hơn.
Vô nghĩa nhất trong cuộc chạy đua số trên camera chắc chắn là Xiaomi: với mẫu Redmi Note 7, Xiaomi tự biến mình thành trò cười khi "khoe" camera 48MP trên một chiếc smartphone dùng chip Snapdragon 660 , vốn chỉ hỗ trợ tối đa cho camera 25MP! Trong thực tế, Xiaomi chỉ nội suy ảnh độ phân giải thấp (12MP) thành ảnh 48MP để lấy số "khoe" với người mua.
Đến năm nay, Xiaomi lại lặp lại trò cười khi khoe 48MP trên mẫu đầu bảng Mi 9. Ở chế độ chụp "Pro", ảnh 48MP của Mi 9 không chỉ tốn chỗ hơn, chụp chậm hơn mà còn có chất lượng... tệ hơn so với ảnh 12MP "thường".
Tại sao lại phải mù quáng khoe số đến vậy? Có lẽ là bởi những hãng smartphone Trung Quốc này không thể đi theo con đường của những ông lớn đích thực. Muốn phát triển nhiếp ảnh điện toán, họ sẽ phải nghĩ đến người dùng, phải đưa ra những sáng tạo thực thụ. Còn muốn có con số "khủng" trên camera, họ chỉ cần đặt mua những con chip CMOS mới nhất mà thôi. Cách thứ hai vừa ít tốn kém, vừa dễ gây ấn tượng với người kém hiểu biết công nghệ - bảo sao Huawei và Xiaomi lại chạy theo...