Khi cả thế giới chạy theo Elon Musk làm xe điện, ông đã kịp thống trị 1 lĩnh vực mới, sắp tạo ra 'Tesla của ngành viễn thông'

Băng Băng |

Morgan Stanley ước tính dịch vụ lái tự động của ngành xe điện sẽ giúp tổng giá trị thị trường trong mảng viễn thông vệ tinh tăng 13 lần, lên 95 tỷ USD.

Khi cả thế giới chạy theo Elon Musk làm xe điện, ông đã kịp thống trị 1 lĩnh vực mới, sắp tạo ra Tesla của ngành viễn thông - Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review mới đây cho biết nhà sáng lập Tesla, tỷ phú Elon Musk hiện đang là kẻ thống trị ngành vệ tinh không gian tầng trời thấp với SpaceX. Hiện doanh nghiệp này chiếm tới hơn 60% số vệ tinh được phóng lên vũ trụ từ đầu năm đến nay.

Như vậy sau khi tạo nên cuộc cách mạng ngành xe điện, Elon Musk bắt đầu trở thành “kẻ thống trị” trong một lĩnh vực mới.

Theo Nikkei, những vệ tinh trên tầng quỹ đạo thấp có thể truyền phát tín hiệu viễn thông nhanh hơn so với các trạm phát sóng thông thường trên mặt đất tại một số thị trường. Hiện tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập hãng xe điện có giá trị lớn nhất thế giới, đang đi tiên phong và đầu tư lượng lớn nguồn lực cho thị trường dần phát triển này.

Khi cả thế giới chạy theo Elon Musk làm xe điện, ông đã kịp thống trị 1 lĩnh vực mới, sắp tạo ra Tesla của ngành viễn thông - Ảnh 3.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 20/6/2023, nhà sáng lập Tesla đã đề nghị dịch vụ viễn thông vệ tinh cho thị trường này, nhấn mạnh rằng sản phẩm mới có thể rất hữu dụng để kết nối viễn thông những vùng sâu vùng xa có mạng yếu của Ấn Độ.

Hiện Ấn Độ có 1,4 tỷ dân nhưng chỉ 2% số hộ gia đình của nước này là có đường truyền Internet tốc độ cao ổn định.

Theo thiết kế, một tên lửa đẩy của SpaceX có thể đem theo đến 60 vệ tinh lên quỹ đạo. Từ đầu năm đến nay, công ty này đã đưa đến hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo tầng thấp của trái đất. Số liệu của chuyên gia Jonathan McDowell thuộc Trung tâm nghiên cứu vũ trụ HSCA cho biết SpaceX hiện đang chiếm hơn 60% số vụ phóng vệ tinh toàn thế giới từ đầu năm đến nay.

Nếu tính từ năm 2019, công ty nhà Elon Musk đã đưa gần 5.000 vệ tinh lên không gian trong số 42.000 vệ tinh mà hãng đăng ký vận hành. Đối thủ lớn nhất của SpaceX hiện nay là Amazon cũng mới chỉ phóng mẫu thử vệ tinh của mình vào cuối năm 2022.

Về lý thuyết, các vệ tinh của nhà Elon Musk có thể truyền Internet tốc độ cao do nằm ở vùng quỹ đạo thấp, chỉ cách bề mặt trái đất 300-600km. Trong khi đó những vệ tinh thông thường cách trái đất đến 36.000km. Để sử dụng dịch vụ, các khách hàng của SpaceX chỉ cần một bộ ăng ten 50cm là bắt được sóng.

Hiện SpaceX vẫn chủ yếu nhằm vào mảng dịch vụ cho doanh nghiệp là chính. Một số khách hàng của hãng bao gồm tập đoàn tàu biển du lịch Royal Caribbean Group, hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Zipair Tokyo...

Khi cả thế giới chạy theo Elon Musk làm xe điện, ông đã kịp thống trị 1 lĩnh vực mới, sắp tạo ra Tesla của ngành viễn thông - Ảnh 5.

Tesla của ngành viễn thông?

Hiện SpaceX của Elon Musk đang được kỳ vọng là sẽ trở thành một “Tesla” mới cho ngành dịch vụ viễn thông-Internet vệ tinh. Ngoài ra, khả năng vận chuyển của các tên lửa đẩy cũng có thể tạo nên những mảng kinh doanh mới liên quan đến không gian, vũ trụ vốn chưa được khai phá nhiều trước đây.

Xét về tốc độ đường truyền, mạng lưới vệ tinh Starlink của Elon Musk được cho là có thể cạnh tranh được với mạng viễn thông, Internet mặt đất hiện nay. Thậm chí dịch vụ của Elon Musk còn nhanh hơn 40% so với mạng lưới dịch vụ Internet của Anh và nhanh gấp đôi so với tại Australia.

Bên cạnh đó, việc dùng vệ tinh sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được tiền xây lắp đường truyền cáp, vốn là trở ngại cực kỳ lớn cho các vùng nông thôn có địa hình khó khăn hay những khu vực có cơ sở hạ tầng yếu kém.

Trước tiềm năng này, hãng tư vấn Euroconsult nhận định số lượng khách hàng dùng dịch vụ Internet-viễn thông vệ tinh sẽ tăng gấp đôi, từ 71 triệu người trên toàn cầu năm 2023 lên 153 triệu người vào năm 2031.

Đồng quan điểm, hãng Morgan Stanley ước tính tổng giá trị thị trường của dịch vụ viễn thông vệ tinh sẽ tăng gấp 13 lần trong khoảng 2020-2040, đạt 95 tỷ USD nhờ sự bùng nổ của chính ngành xe điện. Mạng lưới vệ tinh sẽ giúp cho hệ thống tự động lái của ngành xe điện liên tục được cập nhật phần mềm và tình hình ở mọi nơi, qua đó hỗ trợ qua lại lẫn nhau.

Tuy nhiên ngành viễn thông vệ tinh cũng có nhiều rủi ro, nhất là ở mảng vốn và kỹ thuật do đây là một thị trường khá mới. Hãng vận hành vệ tinh OneWeb của Anh đã bị phá sản vào năm 2020 sau khi gặp khó khăn về tài chính, dù sau đó được chính phủ cứu trợ.

Khi cả thế giới chạy theo Elon Musk làm xe điện, ông đã kịp thống trị 1 lĩnh vực mới, sắp tạo ra Tesla của ngành viễn thông - Ảnh 7.

Thậm chí đến chính SpaceX của Elon Musk cũng chẳng thể tự sống được do các dự án chưa đem lại đủ lợi nhuận. Doanh nghiệp này hiện vẫn dựa phần lớn vào tiền trợ cấp từ chính quyền Washington cũng như những hợp đồng từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Dẫu vậy, chủ tịch Gwynne Shotwell của SpaceX vẫn tự tin khẳng định mạng lưới vệ tinh Starlink của họ sẽ đem về doanh thu trong năm 2023.

*Nguồn: Nikkei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại