Khép lại một thế hệ tài năng

Hữu Thành |

Tối muộn 21-6, phía Chanathip Songkrasin chính thức công bố về mang bản hợp đồng có thời hạn kéo dài 3 năm với PG Pathum Utd - CLB có tiềm lực tài chính mạnh và đầy tham vọng ở Thai League. Khi chưa đầy 4 tháng nữa sẽ chạm đến ngưỡng tuổi 30, với việc trở lại xứ chùa Vàng để hy vọng kéo dài thời gian thi đấu, cầu thủ có biệt danh “Messi Thái Lan” này xem như đã khép lại chặng đường 6 năm chơi bóng ở Nhật Bản.

Khép lại một thế hệ tài năng - Ảnh 1.

Chanathip và Công Phượng là những cầu thủ "xuất ngoại" của bóng đá Thái Lan và Việt Nam.

Đồng thời, đánh dấu hành trình “xuất ngoại” của lứa cầu thủ “vàng” bóng đá Thái Lan như Teerasil Dangda, Kawin Thamsatchanan, Theerathon Bunmathan, Chanathip, Thitiphan Puangchan... đã đi đến chặng cuối cùng. Có người ra nước ngoài thành công, như trường hợp của Theerathon và Chanathip, hay có vài trường hợp thất bại và âm thầm trở về Thái Lan. Song họ chính là lá cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á đương đại, luôn mang trong mình khao khát vượt tư duy “ao làng” khu vực, để hội nhập với bóng đá châu lục. Từ đó, cổ vũ và kích thích tinh thần cho các đồng nghiệp khác trong khu vực mạnh dạn hơn trong tư tưởng ra nước ngoài chơi bóng, nâng cao chuyên môn lẫn thu nhập...

Hành trình “xuất ngoại” của nhóm cầu thủ Thái Lan đã làm thay đổi quan điểm làm bóng đá của quốc gia này lẫn các nước khác trong khu vực. Rằng các CLB đã mạnh dạn hơn trong việc không nhả quân lên đội tuyển quốc gia nếu không thuộc FIFA Days. Thái Lan, Malaysia và cả Philippines từng không có đội hình mạnh nhất dự AFF Cup. Năm 2018, khi đội tuyển Việt Nam lên ngôi vương, Thái Lan không có bộ tứ Dangda, Kawin, Theerathon và Chanathip trong đội hình.

Giai đoạn 2015-2020, nền bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan từng bị đặt lên bàn cân cạnh tranh khi có liên tiếp cầu thủ “xuất ngoại”. Với trường hợp của Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường và Đặng Văn Lâm. Song nhìn nhận thực tế, thì bóng đá Thái Lan vẫn đang nhỉnh hơn chúng ta quá trình “xuất khẩu” cầu thủ. Thành công của Theerathon và Chanathip đã mang đến niềm tự hào cho những người làm bóng đá xứ chùa Vàng.

Khép lại một thế hệ tài năng - Ảnh 2.

Chanathip và Theerathon là 2 cầu thủ "xuất ngoại" thành công của bóng đá Thái Lan.

Bốn năm trước khi đội tuyển Việt Nam lọt đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Thái Lan đã tham dự đấu trường đẳng cấp này. Mà chính Dangda, Kawin, Theerathon và Chanathip là hạt nhân trung tâm giúp HLV Kiatisak nhào nặn ra lối chơi “Tit-tok” thương hiệu, để khẳng định sức mạnh vô đối ở sân chơi khu vực, trước khi vươn tầm châu lục. Không có nhiều cơ sở để so sánh với các bậc tiền bối Natipong hay Kiatisak, song thế hệ của Chanathip được xem “xuất ngoại” thành công nhất trong lịch sử bóng đá Thái Lan.

HLV Philippe Troussier thẳng thắn chia sẻ, cầu thủ Việt Nam cần phải vượt qua tư duy Đông Nam Á, vì chúng ta đã nhiều lần vô địch sân chơi khu vực (2 danh hiệu AFF Cup và 2 huy chương vàng SEA Games). Quan điểm đầy phù hợp với sự phát triển của bóng đá Việt Nam hiện tại. Một sự liên tưởng đến hành trình “xuất ngoại” của thế hệ Chanathip đã khép lại mỹ mãn, song mở ra một góc nhìn đầy tích cực, lạc quan để các cầu thủ Đông Nam Á tự tin hơn trong việc ra nước ngoài chơi bóng. Mà Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Quang Hải... có thể học hỏi nhiều điều từ các đồng nghiệp Thái Lan đi trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại