Cale Brown, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng, tweet của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng ảnh đồ họa là “một ví dụ nữa cho thấy kiểu phát tán thông tin sai lệch một cách không kiểm soát và ngoại giao cưỡng ép”. “Đây là một ngưỡng thấp mới với Trung Quốc. Thói đạo đức giả của họ rất rõ ràng với tất cả chúng ta. Trong khi đăng ảnh chỉnh sửa lên Twitter để tấn công quốc gia khác, Trung Quốc ngăn chính người dân của họ đọc những gì họ đăng”, ông Brown viết trên Twitter, và khẳng định Mỹ luôn đứng bên đồng minh Úc.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng lên án bức ảnh trên Twitter của ông Triệu, nói rằng điều này không phù hợp với ngoại giao và là sự sỉ nhục đối với tất cả những nước có lực lượng đang làm nhiệm vụ ở Afghanistan.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp bác bỏ những chỉ trích đó bằng một tuyên bố, nói rằng tweet của ông Triệu là “phát biểu khách quan dựa trên sự thật, và hình ảnh ông đăng kèm là ảnh minh họa do họa sĩ dân gian Trung Quốc vẽ ra dựa trên sự thật”. “Làm sao một nước bảo vệ vững chắc ‘quyền tự do biếm họa’ lại không thể chấp nhận ‘quyền biếm họa’ của các nghệ sĩ Trung Quốc? Thế còn quyền tự do biểu đạt được hứa hẹn thì sao?”, Đại sứ quán Trung Quốc viết.
Trước đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng, chính phủ của bà đã trực tiếp nêu quan ngại với Trung Quốc về việc sử dụng hình ảnh “không thực tế” trên tweet của ông Triệu.
Dọa cho “uống thuốc đắng”
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm qua đăng các bài viết chỉ trích nặng nề Úc và New Zealand. Trong bài viết “Kiwi kêu be be như cừu Úc nhưng không lên án những vụ giết người ở Afghanistan”, Thời báo Hoàn cầu cho rằng, New Zealand lên tiếng chỉ vì cần Úc.
“New Zealand luôn nhấn mạnh rằng họ là một nước độc lập với chính sách đối ngoại độc lập. Nhưng dựa trên lịch sử và quan hệ hiện nay giữa Canberra và Wellington, New Zealand vẫn cần Úc trong nhiều vấn đề ở Nam Thái Bình Dương và xung quanh. Vì thế, nếu New Zealand không làm gì để thể hiện tình đoàn kết với Úc, quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, và điều này không có lợi cho Wellington”.
Thời báo Hoàn cầu dọa Úc sẽ phải “uống thuốc đắng” nếu các tàu chiến của nước này không tránh xa các vùng biển gần Trung Quốc. Lời đe dọa được gửi đi sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì đăng tải bức ảnh đồ họa. “Là chó săn của Mỹ, Úc nên kiềm chế sự ngạo mạn. Đặc biệt, những tàu chiến của họ không được đến gần các vùng biển gần Trung Quốc để phô trương cơ bắp, nếu không sẽ phải uống thuốc đắng”, bài xã luận viết.
Rowan Callick, nhà nghiên cứu tại Viện châu Á tại Úc, nói rằng bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu rõ ràng nhắc đến biển Đông. “Úc vẫn chưa tham gia các chuyến tuần tra tự do hàng hải. Đó là lời cảnh báo rằng nếu chúng tôi thay đổi chiến lược và tham gia hoạt động đó thì sẽ có điều xảy ra”, ông Callick nói. “Tôi không nghĩ Thời báo Hoàn cầu là phương tiện để chuyển tải những thông điệp có tầm cao chiến lược. Đó là nơi phản ảnh tư tưởng phổ biến. Nếu Nhân dân Nhật báo đăng bài này, các tàu của Úc phải cảnh giác”, ông Callick nhận định.
Sau khi yêu cầu xin lỗi vụ đăng ảnh nhưng bị Bắc Kinh gạt đi, Thủ tướng Morrison hôm qua dùng mạng xã hội Trung Quốc WeChat để nhắn nhủ đến cộng đồng Hoa kiều ở Úc, trong đó chỉ trích “hình ảnh giả mạo”, nhưng cũng khẳng định sự tôn trọng và đánh giá cao cộng đồng này.
Ông Morrison bảo vệ cách xử lý cuộc điều tra tội ác chiến tranh của lực lượng Úc ở Afghanistan, khẳng định Úc có khả năng xử lý “những vấn đề gai góc” như thế này theo cách thức minh bạch. Úc trước đó cho biết, 19 lính có thể bị truy tố vì giết hại dân thường và tù nhân không có vũ khí ở Afghanistan.
Quan hệ kinh tế Úc - Trung liên tục lao dốc, mới nhất là việc Trung Quốc cuối tuần qua áp 200% thuế lên rượu vang nhập từ Úc, đe dọa đóng cửa thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành công nghiệp rượu vang Úc.
Nghệ sĩ "chiến binh sói"
Ảnh đồ hoạ về lính Úc là sản phẩm của một nghệ sĩ đồ họa Trung Quốc chưa rõ tên tuổi, dùng biệt danh trên mạng là Wuheqilin (nghĩa là "kỳ lân giữa đám đông"). Nhiều người Trung Quốc khen Wuheqilin "mở ra chương mới trong nghệ thuật tuyên truyền của Trung Quốc", Reuters đưa tin. "Bút vẽ của Wuheqilin hiệu quả hơn một đội quân", một người bình luận trên mạng xã hội Weibo. Wuheqilin tự nhận là một nghệ sĩ "chiến binh sói" - cụm từ được báo chí quốc tế dùng để gọi kiểu ngoại giao đáp trả gay gắt mà các quan chức ngoại giao Trung Quốc thực hiện trong năm qua.
Bình Giang