Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới

thinga |

Với quyết tâm hành động từ địa phương, sự ủng hộ của chính phủ và cam kết đồng hành của các thương hiệu hàng đầu, Buôn Ma Thuột đang trở thành Thành phố cà phê của thế giới.

Buôn Ma Thuột, tiềm năng thủ phủ cà phê toàn cầu

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, và là cửa ngõ giao lưu, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam – Lào – Campuchia. Với vị trí chiến lược, Buôn Ma Thuột đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung.

Trong Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, vùng đất Tây Nguyên được biết đến là địa bàn của hai nước Thủy Xá – Hỏa Xá, cội nguồn của người Ê đê, M’nông, Gia Rai… Sự tồn tại của hơn 49 dân tộc anh em mang đậm văn hoá sử thi, văn hoá luật tục, văn hoá cộng đồng độc đáo tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa với những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo và đồ sộ nơi đây. Trong đó, Buôn Ma Thuột, trung tâm của đại ngàn Tây Nguyên, trở thành nơi bảo tồn những không gian văn hóa lễ hội giàu bản sắc của vùng đất này như lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ dựng Nêu, hát kể sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng (được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại),…

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 1.

Lễ cúng mừng mùa, một hoạt động truyền thống của người Ê đê nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã phù hộ và ăn mừng cho một mùa bội thu, cho sự giàu có, hạnh phúc tràn ngập khắp buôn làng, được tái hiện trình diễn cho du khách tại Bảo tàng Thế giới Cà phê.

Đặc biệt, Buôn Ma Thuột là thành phố hạt nhân của vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng thế giới, nơi sản sinh hạt cà phê Robusta thơm ngon, được ưa chuộng trên toàn cầu. Năm 1857, người Pháp đã đưa cà phê du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên mãi đến năm 1914, người Pháp chọn Buôn Ma Thuột làm nơi chuyên canh cây cà phê Robusta dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao… Nhà thám hiểm – bác sỹ - danh nhân thế giới Yersin đã nhận định, nơi đây có loại đất tốt nhất thế giới, rất thích hợp cho việc mở các đồn điền trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê.

Với lớp đất đỏ bazan có tính chất cơ lý tốt, khả năng giữ nước, hấp thu dinh dưỡng cao cùng độ cao khoảng 500 - 600m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ hai mùa mưa và nắng, Buôn Ma Thuột và các vùng đất xung quanh trong vòng bán kính 20 km được chọn trở thành những nông trang trồng cà phê Robusta. Các nhà rang xay tại Pháp lúc bấy giờ đánh giá chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Ma Thuột thơm đặc trưng, thể chất đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp Châu Âu thời bấy giờ. Từ đó, những nông trang cà phê lần lượt được hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn 100 năm qua tại Buôn Ma Thuột. Với sản lượng cà phê Robusta đứng đầu cả nước cùng phẩm vị hạt cà phê đặc biệt được kết tinh từ tinh hoa đất trời, thiên nhiên và tình yêu, văn hóa của người dân bản địa, Buôn Ma Thuột trở thành quê hương hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê.

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 2.

Hoa hậu Tiểu Vy cùng Á hậu Kim Duyên trải nghiệm văn hóa cà phê bản địa Tây Nguyên tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột.

Là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, Buôn Ma Thuột đã được nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển. Đặc biệt, Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là "Thành phố cà phê của thế giới" theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị. Mới đây, ngày 15/11/2022, hàng loạt những cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng được Quốc hội chính thức thông qua. Đây là lần đầu tiên những cơ chế chính sách thí điểm này được áp dụng cho cấp quận, huyện.

Từ khát vọng đến trách nhiệm tự lãnh

Trong những ngày đầu khởi nghiệp, Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ nhận thấy tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên và giá trị của hạt phê nơi đây chưa nhận được đúng giá trị thực sự: "Tại sao Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới nhưng giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia?". Với nỗi niềm trăn trở đó, năm 1996, Hãng cà phê Trung Nguyên rộng 2,4m đã được ra đời tại Buôn Ma Thuột với khát vọng nâng cao giá trị cà phê Buôn Ma Thuột, tìm lại sự công bằng cho ngành cà phê Việt Nam. Đưa Việt Nam phát triển không chỉ là cường quốc sản xuất cà phê mà còn là nơi phát huy những giá trị văn hóa, xã hội từ việc tạo nên thương hiệu cà phê chất lượng cao, nơi hội tụ nghệ thuật chế biến, thưởng lãm cà phê toàn cầu, không gian hòa hợp của rừng già - đồn điền và các khu phố cà phê hình mẫu nhằm quy tụ cộng đồng hàng tỷ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu hướng về.

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 3.

Hoa hậu Tiểu Vy và Á hậu Kim Duyên thực hành Lối sống tỉnh thức ở vùng đất M’Drắk

Hơn 26 năm phát triển, Trung Nguyên đã không ngừng sáng tạo hệ sản phẩm cà phê năng lượng khác biệt – đặc biệt được yêu chuộng tại 80 quốc gia, vùng lãnh thổ và chuỗi không gian hàng quán cà phê hiện diện khắp cả nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Robusta Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, Trung Nguyên Legend luôn tiên phong nhận lãnh trọng trách thực thi các chiến lược tổng thể, toàn diện nhằm khẳng định Việt Nam không chỉ là cường quốc xuất khẩu cà phê mà còn là trung tâm khởi xướng tư tưởng, triết lý, văn hóa cà phê. Hơn nữa, đưa Buôn Ma Thuột – quê hương của hạt cà phê Robusta thành "Thành phố cà phê của thế giới", một địa bàn hình mẫu cho sự phát triển bền vững.

Trong đó, một mô hình quan trọng minh chứng cho triết lý mới về cà phê và khát vọng từ vùng đất thiêng Buôn Ma Thuột được Trung Nguyên Legend thực hiện bền bỉ trong suốt nhiều năm qua chính là dự án Thành phố Cà phê – Thành phố mẫu mực - Cộng đồng tỉnh thức.

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 4.

Thành phố Cà phê hội tụ những không gian sống khác biệt - đặc biệt - duy nhất được Trung Nguyên Legend xây dựng góp phần đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới".

Dự án Thành phố Cà phê được hoạch định tầm nhìn trở thành đô thị lõi của Tây Nguyên với quy mô 45,45 ha tọa lạc ngay tại trung tâm Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng từ tháng 1/2017. Khác với những dự án đô thị khác, Thành phố Cà phê chú trọng tạo dựng những công trình biểu tượng để đưa Buôn Ma Thuột trở thành một địa bàn thu hút đầu tư, khách du lịch; và nâng cao đời sống của cộng đồng, xứng tầm với thủ phủ nông sản tỉ đô của Việt Nam, điểm đến của cà phê thế giới.

Với định vị đó, Thành phố Cà phê hội tụ những không gian sống khác biệt – đặc biệt – duy nhất theo lối sống xanh – bản sắc – thịnh vượng, tập trung vào chất lượng sống, sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Dựa trên triết lý kiến trúc chữa lành có thể giúp thay đổi lối sống vốn rất phổ biến ở các quốc gia phát triển bậc nhất như Nhật Bản, Mỹ, Pháp… tất cả các thiết kế nhà ở, tiện ích tại dự án Thành phố Cà phê tập trung vào chất lượng và sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem đến cho cư dân sự giàu có về thân – tâm – trí từ trong ý tưởng kiến trúc, chất liệu, hạ tầng xây dựng, môi trường tổng thể,… 

Năm 2021, Thành phố Cà phê được chính thức giới thiệu đến cộng đồng và đưa vào hoạt động những công trình tiện ích đặc biệt – khác biệt – duy nhất dành cho cư dân thành phố, như: Zen Garden, tổ hợp thể thao Gym – Yoga – Bắn cung, khu luyện tập cưỡi ngựa Ả Rập – Golf 3D... Đầu năm 2022, Thành phố Cà phê đã đón những chủ nhân đầu tiên của thành phố và tiếp tục bổ sung các tiện ích sống như: không gian Thế giới Cà phê Trung Nguyên Legend lớn nhất thế giới, Trung tâm văn hoá ẩm thực 3 miền (11/2022),...

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 5.

Du khách thích thú theo dõi màn hùng biện của không gian Café Châu Âu thời kỳ Phục hưng được tái lập tại Bảo tàng Thế giới Cà phê.

Một trong những công trình khác biệt của dự án Thành phố Cà phê chính là Bảo tàng Thế giới Cà phê - Thế giới cà phê - cà phê thế giới, một công trình biểu tượng cho ngành cà phê Việt Nam và đóng góp cho ngành cà phê thế giới, đã được mở cửa vào ngày 23/11/2018. Được định hình là một bảo tàng sống về văn hóa cà phê lớn nhất, độc đáo nhất, đặc sắc nhất, Bảo tàng Thế giới Cà phê lưu giữ hơn 11.000 hiện vật liên quan đến ba nền văn minh cà phê tiêu biểu của thế giới có niên đại gần 3 thế kỷ. Đồng thời, Bảo tàng Thế giới Cà phê còn có tổ hợp các không gian trưng bày, không gian thưởng lãm cà phê, không gian thư viện ánh sáng… kết nối nhau mang tính "sống - mở - tương tác".

Sau bốn năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng của Đắk Lắk nói riêng và cả thủ phủ Tây Nguyên nói chung với hơn 300 sự kiện văn hoá cộng đồng, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Đặc biệt, cùng bộ sưu tập đồ sộ về cà phê thế giới và những cuộc triển lãm chuyên đề cà phê định kỳ 3 tháng/lần, Bảo tàng Thế giới Cà phê còn là trung tâm cà phê nghệ thuật đầu tiên trên thế giới, chuyên giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật cà phê khác biệt – đặc biệt – duy nhất như: show nghệ thuật trình diễn pha chế ba nền văn minh cà phê với công nghệ 3D mapping; show nghệ thuật sống tỉnh thức; Vở vũ kịch "Chuyện kể 3 nền văn minh cà phê".

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 6.

Hoa hậu Tiểu Vy và Hoa hậu Đỗ Thị Hà khám phá ba nền văn minh cà phê thế giới Ottoman – Roman – Thiền tại Bảo Tàng Thế Giới Cà Phê.

Chia sẻ trong đêm nhạc nghệ thuật "Tri ân những tri âm" của hành trình "Cùng tỉnh thức và biết ơn" do Trung Nguyên Legend tổ chức nhân dịp kỷ niệm 19 năm ra đời G7 và 4 năm mở cửa Bảo tàng Thế giới Cà phê, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Song hành với việc phát triển về cà phê thì Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã xây dựng Bảo Tàng Thế Giới Cà Phê, nơi lưu giữ văn hóa của dân tộc cũng như văn hóa cà phê thế giới. Nơi đây đã trở thành điểm đến đặc sắc được du khách trong và ngoài nước yêu thích, lựa chọn khi đến với thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, đến với Đắk Lắk, góp phần bảo tồn văn hóa, phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương".

Đến nay, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón tiếp gần 4 triệu lượt khách từ hơn 22 quốc gia, góp phần nâng doanh thu ngành du lịch Đắk Lắk tăng trưởng hơn 473% vào năm 2022. Đồng thời, với sự khác biệt, đặc biệt và những đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam nói riêng và ngành cà phê toàn cầu nói chung, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã được nhiều hãng thông tấn quốc tế uy tín ca ngợi, như: "Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!" (theo AP, hãng thông tấn hàng đầu Hoa Kỳ); là "một trong 17 điểm đến tốt nhất phải đến khi tới Việt Nam" (theo Wanderlust, tạp chí du lịch hàng đầu Anh Quốc); "Nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê" (theo National Geographic).

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 7.

Bảo tàng Thế giới Cà phê – Công trình biểu tượng của dự án Thành phố Cà phê, "nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê" (theo National Geographic).

Cũng trong hành trình "Cùng tỉnh thức và biết ơn", ông Trần Đức Nhật - đại diện lãnh đạo UBND Tp. Buôn Ma Thuột cho biết: "UBND Tp.Buôn Ma Thuột đánh giá rất cao những sáng kiến của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đóng góp cho đề án xây dựng phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới như: Phát triển thương hiệu "Ly cà phê sữa đá", "Ly cà phê phin Việt Nam" thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; xây dựng mạng xã hội toàn cầu; Phát triển Bảo tàng Thế giới Cà phê trở thành hạt nhân của chuỗi bảo tàng tại Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng. Đây là những sáng kiến TP. Buôn Ma Thuột đánh giá rất cao và trong thời gian tới thành phố sẽ đồng hành với Tập đoàn Trung Nguyên Legend để triển khai ngay tại Lễ hội cà phê trong tháng 3/2023."

Khát vọng từ Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới - Ảnh 8.

Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật "Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới" do Bảo tàng Thế giới Cà phê đồng hành tổ chức đã được phát động nhằm hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Nhật Bản mất vài thế kỷ để định hình Trà đạo. Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ qua gần 500 năm mới được công nhận là di sản. Văn hóa bia ở Bỉ ít nhất đã có từ thế kỷ 12 nhưng đến năm 2016 mới được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Thành phố Buôn Ma Thuột với hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, hội tụ những yếu tố về cảnh quan – lịch sử - văn hóa và có hệ sinh thái hòa hợp con người – thiên nhiên…, cùng tinh thần phụng sự của các doanh nghiệp và những quyết sách quan trọng đang được triển khai tạo tiền đề thuận lợi xây dựng Thủ phủ cà phê và một triết lý cà phê để quy tụ hàng tỉ người yêu cà phê trên thế giới hướng về, xứng đáng là "Thành phố cà phê của thế giới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại