Trong năm 2019, người ta vẫn còn nói về cách thức triển khai mạng 5G cũng như bàn về kế hoạch ra mắt các sản phẩm 5G. Trong năm này, mạng 5G đã được chính thức đưa vào hoạt động tại một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Anh cùng một số khu vực châu Âu. Trong khi đó, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác ở châu Âu, Đông Nam Á và Nam Mỹ dự định phủ sóng mạng 5G thương mại vào năm 2020. Trang tin chuyên về Android - Android Authority cho biết quá trình triển khai 5G sẽ bắt đầu với băng tần thấp và dưới 6GHz, trước khi nâng cấp chất lượng kết nối bằng công nghệ mmWave tại các thành phố lớn. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ cung cấp kết nối trên băng tần mmWave trong năm nay. Nói cách khác, 5G không còn là tương lai, là viễn cảnh xa xăm nào nữa mà đã ở ngay trước mắt chúng ta.
Hãy thử tưởng tượng cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào với tốc độ kết nối 5G, khi những chiếc tủ lạnh, máy giặt có thể trò chuyện với trợ lý thông minh của bạn, đưa ra các yêu cầu; thiết bị điều chỉnh nhiệt độ sẽ kết nối với những tấm rèm che cửa và có thể ra lệnh cho chúng kéo lên đón cho ánh nắng mặt trời vào nhà. Ngoài đường, những trụ đèn giao thông và biển cảnh báo sẽ xuất hiện ngay trong bảng điều khiển trên xe của bạn khi di chuyển, các phương tiện cũng có thể tự giao tiếp với nhau để giảm thiểu va chạm không đáng có.
Sáng bạn cần dậy sớm? Đồng hồ thông minh sẽ báo bạn thức dậy, sau đó, máy pha cà phê sẽ tự động pha đồ uống cho chủ nhân theo thói quen thường ngày. Bạn sẽ có một ly cà phê ưa thích để nhấm nháp chỉ sau một phút. Đó hoàn toàn là sự thật nếu như mạng 5G hoàn tất quá trình phổ cập của mình. Theo nghiên cứu, có hàng trăm ứng dụng có thể kết nối 5G trong “thời đại” IoT - Internet Vạn vật. Điều này là bởi vì 5G có thể xử lý nhiều thiết bị được kết nối cùng một lúc hơn so với 4G mà vẫn đảm bảo tính hoạt động ổn định của chúng. Chúng ta đang nói đến hàng triệu thiết bị ở đây. Trong khi 4G có thể xử lý tối đa 2000 thiết bị mỗi km2 thì với 5G, con số này tăng lên khoảng một triệu.
Hãy thử tưởng tượng, con số này sẽ khủng khiếp như thế nào nếu chúng ta nâng cấp 5G lên thành 6G.
Tầm nhìn của gã khổng lồ công nghệ
Samsung là một trong những tập đoàn công nghệ đầu tiên nhận ra quyền năng thay đổi thế giới của 5G. Giờ đây, công ty còn đi trước một bước khi đã bắt tay vào tăng tốc độ nghiên cứu mạng 6G để mang tới một thế hệ trải nghiệm siêu kết nối, giúp cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Trong bạch thư gửi tới công chúng, gã khổng lồ Hàn Quốc dự báo rằng chúng ta sẽ thấy chuẩn mới với tốc độ siêu nhanh ra mắt trước khi thập kỷ kết thúc. Quãng thời gian này nhìn chung tương đương với khoảng chờ giữa 4G và 5G trước đây.
"Đối với 6G, chúng tôi tin rằng ITU-R sẽ bắt đầu nghiên cứu để đưa ra một tầm nhìn về 6G trong năm 2021" - Samsung nói. "Nếu tính đến xu hướng đẩy nhanh quá trình phát triển các chuẩn kỹ thuật đối với từng thế hệ mới, chúng tôi tin rằng giai đoạn hoàn thiện chuẩn 6G và thương mại hoá chuẩn mới này có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2028, và giai đoạn thương mại hoá quy mô lớn có thể diễn ra vào khoảng năm 2030".
"5G được thiết kế để đạt tốc độ truyền tải tối đa 20Gbps, còn với 6G, chúng tôi hướng đến mục tiêu tốc độ truyền tải tối đa 1.000Gbps" - công ty cho biết.
Cuộc đua tầm cỡ thế giới
6G về bản chất có thể coi là giống như 5G, nhưng tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn và xử lý được khối lượng băng thông siêu “khủng”. Các nhà khoa học cho rằng 6G sẽ vượt ra ngoài mạng có dây, với các thiết bị hoạt động như ăng ten sử dụng mạng phi tập trung, không thuộc quyền kiểm soát của một nhà khai thác mạng duy nhất. Thông qua mạng 6G, các thiết bị được có thể coi như được kết nối miễn phí, vì tốc độ dữ liệu cao hơn và độ trễ thấp hơn, giúp kết nối giữa thiết bị gần như ngay lập tức.
6G sẽ biến các lĩnh vực khoa học viễn tưởng sẽ trở thành khoa học thực tiễn, khi tốc độ vượt quá 100Gbps có thể khiến các giao diện cảm giác có thể cảm nhận và trông giống như đời thực, có thể thông qua thiết bị như kính thông minh hoặc kính áp tròng…
Nhưng không chỉ có Samsung, hàng loạt các quốc gia cùng công ty nổi danh khác đang tích cực tham gia vào “cuộc đua 6G”. Nhật Bản hé lộ dự án về 6G trong cuộc họp báo vào tháng 1/2020. Quốc gia này cũng không giấu ý định muốn dẫn đầu các nỗ lực tiêu chuẩn hóa và các thách thức nghiên cứu đối với 6G. Bộ Truyền thông Nhật Bản công bố mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược “Vượt lên 5G” hồi tháng 4/2020: Chiếm 30% thị phần trạm gốc và cơ sở hạ tầng khác, tăng từ 2% hiện tại.
Tokyo cũng muốn 10% bằng sáng chế liên quan trên toàn thế giới đến từ các công ty Nhật Bản. Mặc dù trên thực tế, người dẫn đầu đang là Samsung khi chiếm 8,9% bằng sáng chế về mạng 5G, tiếp theo là Huawei 8,3% và Qualcomm 7,4%. NTT Docomo của Nhật Bản đứng thứ sáu với 5,5% thị phần, theo Cyber Creative Institute. Trên lý thuyết, các trạm thu phát sóng (BTS) dự kiến sẽ phải thay đổi cả về chất lượng lẫn số lượng để tương thích với mạng 6G. Mạng này có thể sẽ hỗ trợ tốc độ lên đến hơn 1 terabit/giây, nhanh hơn gấp 10 lần so với mạng 5G.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng kể cả cuộc đua này có người thắng cuộc là ai đi chăng nữa thì rõ ràng, người được lợi lớn nhất vẫn là người dùng và các doanh nghiệp trên toàn thế giới.