Khát tài nguyên, Trung Quốc "ngấu nghiến" tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ!

Hồng Anh |

Sau khi ban hành lệnh cấm khai thác gỗ tự nhiên trong nước từ 2 thập kỷ trước, Trung Quốc đã quay sang "người bạn" Nga để thỏa mãn cơn khát tài nguyên...

Từ dãy núi Altai tới bờ biển Thái Bình Dương, việc khai thác gỗ đang tàn phá những cánh rừng rộng lớn của Nga, bỏ lại phía sau là những khu đất trơ trọi: Không còn màu xanh của lá, mà chỉ còn những gốc cây cụt đang chết dần chết mòn.

Theo New York Times (NYT), đối với nhiều người Nga, thì thủ phạm đã quá rõ ràng, đó chính là: Trung Quốc.

Kể từ 2 thập kỷ trước, khi Trung Quốc bắt đầu ban hành lệnh cấm khai thác gỗ tự nhiên trên lãnh thổ của mình, họ đã phải trông cậy vào các thị trường khác, trong đó có Nga. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng gỗ khổng lồ từ Nga nhằm thỏa mãn "cơn khát" của các công ty xây dựng và các cơ sở sản xuất đồ nội thất trong nước.

"Ở Siberia, người dân hiểu rằng chuyện sinh tồn của họ phụ thuộc vào rừng xanh", ông Eugene Simonov, một nhà môi trường học chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của việc khai thác gỗ thương mại đối với vùng Viễn Đông của Nga. "Và giờ họ nhận ra rằng những cánh rừng của họ đang bị 'đánh cắp'", ông Simonov nói.

Khát tài nguyên, Trung Quốc ngấu nghiến tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ! - Ảnh 1.

Những đoàn tàu chở gỗ từ vùng Viễn Đông Nga tới thị xã Tuy Phân Hà, Trung Quốc, một trong những "cửa ngõ" lớn nhất tại vùng biên giới Nga-Trung. Ảnh: EIA

Tất nhiên là một bàn tay không thể vỗ nên tiếng. Trung Quốc chỉ làm nên một nửa câu chuyện, một nửa còn lại là lỗi của Nga đã sẵn lòng xuất gỗ sang Trung Quốc với giá rẻ, thậm chí là giả vờ "tai không nghe - mắt không thấy" trước hành động khai thác vượt quá giới hạn cho phép.

Không chỉ riêng Nga, "cơn khát" gỗ của Trung Quốc còn chạm tới nhiều nước khác trên thế giới: Từ Peru tới Papua New Guinea, từ Mozambique cho tới Myanmar.

Tại Quần đảo Solomon, tốc độ khai thác gỗ của các công ty Trung Quốc hiện nay được đánh giá là có thể biến cả một cánh rừng mưa nguyên sơ thành khu đất trống vào năm 2036, theo tổ chức vì môi trường Global Witness.

Còn tại Indonesia, các nhà hoạt động đã đưa ra cảnh báo rằng việc khai thác gỗ trái phép tại nước này - có liên quan tới các đối tác nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc - đang đe dọa "ngôi nhà" cuối cùng của loài đười ươi orangutan trên đảo Borneo.

Các nhà môi trường học cho rằng Trung Quốc không hề giải quyết vấn đề, mà chỉ chuyển mối nguy hại từ hoạt động khai thác gỗ trong nước sang những nước khác. Mặc dù điều này giúp Trung Quốc đạt được những lợi ích nhất định về kinh tế, nhưng về lâu dài, tốc độ khai thác gỗ ngày nay có thể dẫn tới việc những cánh rừng nguyên sơ còn sót lại bị tàn phá, khiến trái đất ngày càng nóng lên.

Trong khi đó, Trung Quốc đang ra sức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của mình.

Hai thập kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu ban hành lệnh cấm khai thác gỗ thương mại trong những khu rừng quốc gia do lo ngại về hiện tượng đất trống, đồi trọc, sông ngòi ô nhiễm và những trận lũ quét khủng khiếp gần lưu vực sông Dương Tử.

Mặc dù vậy, nhu cầu sử dụng gỗ của nước này vẫn không hề giảm sút. Tương tự, nhu cầu của thế giới về các loại gỗ dán hay đồ nội thất gỗ do Trung Quốc sản xuất - đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ngành công nghiệp gỗ Trung Quốc - cũng không hề suy giảm.

Đối với những quốc gia nhỏ và chấp nhận hy sinh vì cần tiền thì đây là điều dễ hiểu. Nhưng với một quốc gia lớn như Nga - một cường quốc và đối tác chiến lược của Trung Quốc, việc chấp nhận để cho một quốc gia khác bòn rút nguồn tài nguyên như vậy đã trở thành vấn đề gây tranh cãi và gây bức xúc trong dư luận.

Mặc dù lãnh đạo của hai nước - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - được cho là có mối quan hệ thân thiện, nhưng trong lòng người dân Nga có không ít bất mãn.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố của Nga. Các nghị sĩ Nga cũng đồng loạt lên tiếng chất vấn chính phủ vì làm ngơ trước những hiểm họa môi trường ở vùng Siberia và vùng viễn Đông. Người dân và các nhà môi trường học cũng đã lên tiếng khiếu nại rằng việc khai thác gỗ gây ô nhiễm các lưu vực sông, đồng thời phá hoại môi trường sống của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Siberia và báo Amur.

"Điều chúng ta đang làm ở Siberia và Vùng Viễn Đông hiện nay đang dần phá hủy những gì còn sót lại của những cánh rừng nguyên sơ", ông Nikolay M. Shmatkov, Giám đốc chương trình lâm học của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Nga, cho biết. Theo tổ chức này, thời điểm những khu rừng của Nga đã bị tàn phá nặng nề cũng trùng khớp với thời điểm Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gỗ từ Nga.

"[Hoạt động khai thác này] không bền vững", ông Shmatkov nói.

"Sẽ chẳng còn lại gì khi người Trung Quốc tới"

Sự biến chuyển thần kỳ trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua đã tạo ra một "cơn khát" lớn về tài nguyên. Hiện nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu gỗ nhiều nhất thế giới (Mỹ đứng thứ hai). Tất nhiên, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu gỗ lớn nhất trên thế giới.

Tính đến nay, tổng giá trị gỗ Trung Quốc nhập khẩu - bao gồm cả gỗ thô hay bột gỗ - đã tăng gấp hơn 10 lần so với thời điểm họ bắt đầu ban hành lệnh cấm khai thác gỗ trong nước vào năm 1998. Trong năm 2017, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 23 tỉ USD gỗ thô và bột gỗ, theo Global Trade Atlas.

Khát tài nguyên, Trung Quốc ngấu nghiến tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ! - Ảnh 3.

Cổng biên giới Mãn Châu Lý - cửa ngõ nhập khẩu gỗ từ Nga. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times

Tới cuối năm 2016, lệnh cấm khai thác gỗ tự nhiên mới chính thức được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Hiện nay việc khai thác gỗ thương mại chỉ được cho phép tại các khu rừng được tái trồng - đây là chính sách nhận được sự hưởng ứng của các nhà môi trường học, và họ cho rằng ý tưởng này cần được nhân rộng ở các quốc gia khác nữa.

Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề là các quốc gia khác vẫn không áp dụng được chính sách tái trồng rừng nói trên, và các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục tận dụng cơ hội này để làm ăn.

Hiện nay ở Nga có hơn 500 công ty Trung Quốc hoạt động, thông thường là có sự kết hợp với đối tác Nga, theo một báo cáo của học giả Vita Spivak tại Trung tâm Carnegie Moscow. Trước đây từng có thời điểm Nga gần như không xuất gỗ sang Trung Quốc, nhưng hiện nay gỗ Nga chiếm đến hơn 20% số lượng gỗ nhập khẩu vào Trung Quốc.

"Sẽ chẳng còn lại gì khi người Trung Quốc tới", Marina Volobuyeva, một cư dân sinh sống tại vùng Zamensky, phía Nam Hồ Baikal, trả lời phóng viên sau khi một công ty Trung Quốc kí được gói thuê rừng trong 49 năm để khai thác gỗ ở khu vực này.

NYT cho biết giá những gói thuê rừng như trên còn phụ thuộc vào khu vực hoặc loại gỗ, nhưng trung bình thì phía Nga đưa ra giá tiền rẻ hơn rất nhiều so với các nước khác: khoảng 2 USD/ha/năm, theo ông Shmatkov của tổ chức WWF.

Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu gần 200 triệu m3 gỗ từ Nga.

Ông Artyom Lukin, giáo sư quốc tế học tại trường đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, bổ sung thêm rằng vấn nạn tham nhũng trong chính phủ, tội phạm và tình trạng kém phát triển về kinh tế tại Siberia và vùng Viễn Đông của Nga càng khiến tình hình thêm trầm trọng.

"Tại nhiều vùng nông thôn ở Siberia và vùng Viễn Đông của Nga, người ta không có nhiều lựa chọn để kiếm tiền ngoài việc lấy trộm tài nguyên thiên nhiên trong những cánh rừng rộng lớn", ông Lukin nói.

Biến đổi nhờ... gỗ

Đối với Trung Quốc, thì hợp đồng này chính là một cơ hội vàng.

Phần lớn số gỗ nhập khẩu từ Nga sẽ được đưa qua thành phố sát biên giới Mãn Châu Lý. Trước đây, địa điểm này từng là một thành phố du mục, nhưng kể từ thế kỷ 20 nó đã trở thành khu vực cửa ngõ, là ngã ba đường của tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Thương vụ nhập khẩu gỗ từ Nga đã biến đổi nơi từng là một thị trấn buồn tẻ thành một trong những trung tâm xử lý và sản xuất gỗ quan trọng nhất Trung Quốc.

Trong vòng 2 thập kỷ qua, hơn 120 xưởng và nhà máy đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại khu vực này. Các cơ sở này sẽ chịu trách nhiệm xử lý gỗ thô thành các tấm gỗ ép, và sản xuất các sản phẩm như cửa gỗ, khung cửa sổ, đồ nội thất, v.v...

Theo một quan chức địa phương, các cơ sở sản xuất gỗ đã tạo ra hơn 10.000 việc làm trong thành phố chỉ có khoảng 300.000 người này.

Khát tài nguyên, Trung Quốc ngấu nghiến tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ! - Ảnh 5.

Quảng trường Matryoshka ở Mãn Châu Lý. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times

NYT cho biết, tại thành phố Mãn Châu Lý cũng dần mọc lên nhiều ngôi nhà có kiến trúc theo phong cách Nga, ví dụ như bản sao của nhà thờ St. Basil được dùng làm bảo tàng khoa học cho trẻ em, hay một khách sạn được xây dựng phỏng theo hình dáng của búp bê matryoshka Nga nổi tiếng.

Bà Zhu Xiuhua, 50 tuổi, là một trong số những người được coi là "thức thời". Bà đã tới Manzhouli từ rất sớm, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu ban hành lệnh cấm khai thác gỗ. Bà Zhu đã tự mình đàm phán và gây dựng Tập đoàn Kaisheng Nội Mông, một trong những công ty về gỗ lớn nhất trong thành phố Mãn Châu Lý.

Hiện nay bà Zhu sở hữu 3 nhà máy xử lý và sản xuất tại Mãn Châu Lý, với hợp đồng khai thác hơn 728.000 ha rừng gần Hồ Baikal của Nga. "Tập đoàn của chúng tôi ngày càng lớn mạnh", bà Zhu nói.

Tuy bà này không chia sẻ về hợp đồng với phía Nga, nhưng theo thông tin được đăng tải trên trang web của công ty, thì bà Zhu đã đầu tư 20 triệu USD tại Nga trong năm 2015. Hãng Tân Hoa Xã ước tính khối tài sản của tập đoàn Kaisheng Nội Mông lên tới 150 triệu USD trong năm 2017.

Khát tài nguyên, Trung Quốc ngấu nghiến tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ! - Ảnh 6.

Từ một thị trấn buồn tẻ, Mãn Châu Lý khởi sắc nhờ... gỗ. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times

Lách luật

Trên thế giới đã có các bộ luật và quy định quốc tế về vấn đề khai thác gỗ, trong đó nêu rõ loại gỗ nào được phép khai thác. Riêng nước Mỹ đã ban hành Đạo luật Lacey vào năm 2008, nghiêm cấm nhập khẩu các loại gỗ khai thác trái phép. Tuy nhiên, sự thật là những đạo luật như vậy rất khó thi hành.

Tại một số quốc gia như Mỹ và Canada, việc khai thác gỗ được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Mặc dù vậy, theo NYT, các công ty Trung Quốc thường lợi dụng kẽ hở luật pháp và khai thác gỗ trong những khu rừng được bảo vệ, theo các quan chức và nhà môi trường học.

Ở Nga, tình trạng khai thác gỗ xâm lấn các khu vực ngoài ranh giới phân bổ và các công ty xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc làm giả hồ sơ không phải là chuyện hiếm thấy.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác gỗ không qua hợp đồng cũng khá phổ biến. Lợi dụng kẽ hở trong luật pháp, nhiều người được cho đã có hành vi phóng hỏa đốt rừng, và những thân gỗ cháy sém nghiễm nhiên sẽ được chọn lựa và bán đi một cách hợp pháp.

Khát tài nguyên, Trung Quốc ngấu nghiến tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ! - Ảnh 7.

Gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc chất đống ngoài Mãn Châu Lý. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times

Năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ từng cáo buộc công ty Lumber Liquidators vì tội nhập khẩu trái phép mặt hàng sàn gỗ từ Trung Quốc - sản phẩm này được làm từ loại gỗ khai thác trái phép ở vùng Viễn Đông Nga.

Dư luận Nga đã vô cùng phẫn nộ khi tài sản quý giá của đất nước bị "ăn mòn" trái phép như vậy. Trong cuộc họp báo thường niên hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Putin đã nhận được câu hỏi về tình trạng khai thác gỗ trái phép tràn lan, và đã có câu trả lời rất gay gắt khi gọi ngành lâm nghiệp của Nga là "một lĩnh vực vô cùng tham nhũng".

"Tàn phá dã man"

Các cuộc biểu tình phản đối việc khai thác gỗ - đặc biệt là việc khai thác gỗ của các công ty Trung Quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc - đã xuất hiện trên khắp Siberia và vùng Viễn Đông Nga. Chúng còn dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa các dân tộc dọc theo vùng biên giới trải dài 2.600 dặm giữa Nga và Trung Quốc.

Tháng 5/2018, tại Ulan Ude, một thành phố gần Hồ Baikal, người dân đã đồng loạt xuống đường kêu gọi "ngưng tàn phá rừng dã man". Cuộc biểu tình này đã dẫn tới vụ đụng độ với cảnh sát địa phương, khiến 8 người bị bắt giữ.

Chưa dừng lại ở đó, việc khai thác gỗ còn trở thành vấn đề chính trị nóng. Tháng 1 vừa qua, Thượng viện Quốc hội Nga đã mở phiên điều trần với sự tham gia của Bộ trưởng Lâm nghiệp Nga Ivan Valentik.

Một mặt, ông Valentik đã bào chữa cho những điều khoản trong thỏa thuận cho thuê rừng cho Nga, nhưng mặt khác, ông này cũng đã đổ lỗi cho các công ty Trung Quốc vì đã "không làm tròn nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng", chẳng hạn như việc họ không tái trồng rừng. Thông qua đó, ông này đã đề nghị rằng Nga có thể cấm xuất khẩu gỗ sang Bắc Kinh.

Phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Trước đó, các quan chức của họ từng cam kết rằng các công ty Trung Quốc sẽ tuân thủ luật lệ của địa phương và lưu ý về những ảnh hưởng đối với môi trường.

Khát tài nguyên, Trung Quốc ngấu nghiến tài sản quý báu của Nga: Người dân phẫn nộ! - Ảnh 9.

Bà Zhu Xiuhua đã tự mình gây dựng Tập đoàn Kaisheng Nội Mông, với cụm 3 nhà máy xử lý và sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở Mãn Châu Lý. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times

Ban đầu, bà Zhu Xiuhua (Giám đốc Tập đoàn Kaisheng Nội Mông) khẳng định bà không lo lắng về những cuộc biểu tình tại Nga, bởi mọi hành động của công ty bà đều tuân thủ luật pháp của Nga. Tuy nhiên, sau phiên điều trần của Thượng viện Nga hồi tháng 1 vừa qua, bà này không còn lạc quan nhiều như trước nữa.

Trả lời phóng viên NYT, bà Zhu nói: "Nước Nga đang thay đổi", sau đó từ chối trả lời thêm câu hỏi của báo này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại