PGS. TS. Kinh tế Đỗ Quốc Anh của Đại học Monash (Australia) nêu lo ngại về nhiệm kỳ Trump 2.0 với kinh tế - thương mại toàn cầu và Việt Nam.
PGS. TS. Kinh tế Đỗ Quốc Anh của Đại học Monash (Australia) nêu lo ngại về nhiệm kỳ Trump 2.0 với kinh tế - thương mại toàn cầu và Việt Nam.
Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ đối với nước Mỹ, mà còn với nền kinh tế - thương mại toàn cầu do tác động tiềm tàng từ cách tiếp cận chính sách của 2 ứng viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á 2024 (AMES 2024) với PV Báo điện tử VTC News , GS. TS. Nguyễn Đức Khương nhận định bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là "ẩn số lớn" đối với bài toán tăng trưởng ở hầu hết các nước, nhất là những quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều vào bối cảnh thương mại quốc tế như Việt Nam. Đặc biệt là khi chúng ta có hoạt động xuất, nhập khẩu quan trọng với thị trường Mỹ, châu Âu.
Kết quả của cuộc bầu cử sẽ có vai trò lớn với tình hình kinh tế chung của thế giới trong thời gian tới. " Liệu chúng ta hợp tác kinh tế nhiều hơn, hay sẽ có sự hình thành của những khối kinh tế nhỏ và gắn kết sâu, chặt chẽ với nhau, từ đó tạo ra những cực cạnh tranh và ảnh hưởng địa chính trị lẫn nhau ở phạm vi toàn cầu?" - GS. Khương đặt ra câu hỏi.
Cùng chung ý kiến với GS. Nguyễn Đức Khương, PGS. TS. Kinh tế Đỗ Quốc Anh từ Đại học Monash nhận định, kinh tế toàn cầu trong 20-30 năm qua có được "lực đẩy" phát triển rất lớn từ thương mại quốc tế, nhất là kinh tế của các nước đang phát triển. " Không phải tất cả các nước đang phát triển đều tận dụng được cơ hội của thương mại quốc tế. Tuy nhiên những quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam thực sự đã được nở rộ và có một nền kinh tế lớn mạnh lên rất nhiều nhờ vào thương mại quốc tế ", ông nhấn mạnh.
Đặc biệt, PGS Quốc Anh đánh giá Việt Nam được hưởng lợi lớn từ thương mại quốc tế nhờ nền kinh tế rất cởi mở, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn hơn GDP rất nhiều.
Trên thực tế, theo số liệu từ Báo cáo Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD, tổng kim ngạch khoảng 680 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Việt Nam năm 2023 theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 430 tỷ USD.
"Trump 2.0" sẽ gây bất lợi về lâu dài
Nhận định về tình hình địa chính trị - kinh tế trên thế giới thời gian qua và sắp tới, PGS. Quốc Anh nhấn mạnh rằng chúng ta đang chứng kiến xu hướng dân túy ở Mỹ và một số nước phương Tây trong những năm gần đây.
" Xu hướng dân túy, đẩy lùi thương mại quốc tế có sự ủng hộ rất mạnh trong nước, là do trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế, đôi khi những người công nhân nghèo tại các quốc gia đó bị bỏ quên ", PGS. Quốc Anh lý giải.
Về ngắn hạn, các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội ở một số ngành nhất định. Đặc biệt, nếu các chính sách hạn chế thương mại của Mỹ chỉ nhằm vào Trung Quốc, thì trước mắt Việt Nam sẽ hưởng một số điểm lợi nhất thời.
Tuy nhiên về lâu dài, vị chuyên gia đánh giá xu hướng bảo hộ thương mại và chống tự do thương mại quốc tế sẽ trở thành một "cú sốc" tương đối nặng cho các nước. Đặc biệt, tình huống hiện nay gợi nhắc lại giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 20, khi tự do thương mại bị hạn chế dẫn đến những biến động địa chính trị - kinh tế rất lớn, thậm chí là chiến tranh diện rộng.
Quan điểm phổ biến được hầu hết các nhà kinh tế học hiện nay đồng thuận là ủng hộ sự thông thương và hòa nhập, tự do thương mại toàn cầu. Các nhà kinh tế thường ủng hộ thương mại tự do vì về cơ bản nó phù hợp với các nguyên tắc về hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng. Lý thuyết lợi thế so sánh, lần đầu tiên được David Ricardo đưa ra, chỉ ra rằng khi các quốc gia chuyên sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ có hiệu quả tương đối, sau đó giao dịch với nhau, sản lượng toàn cầu và phúc lợi chung sẽ tăng lên.
Nguyên tắc này vẫn đúng bất kể quốc gia lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển. Thương mại tự do cho phép các quốc gia phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, dẫn đến giá thấp hơn cho người tiêu dùng, nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn và đổi mới được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh.
Việt Nam cần làm gì?
Theo PGS. Quốc Anh, Việt Nam có khá nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho từng kịch bản hai ứng viên tổng thống nói trên đắc cử. Lịch sử đã chứng minh ngay trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump vào năm 2016-2020, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ cho những thay đổi về cán cân thương mại quốc tế, và chúng ta vẫn đang làm rất tốt về phát triển bền vững, sẵn sàng với mọi thách thức.
Trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục đầu tư, phát triển với tầm nhìn lâu dài về hạ tầng, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cấp và cải thiện dịch vụ công. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư có mũi nhọn, có trọng điểm, nhất là đầu tư vào các trường đại học.
PGS. Quốc Anh khẳng định đây là một chiến lược quan trọng với lợi ích kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí cả nửa thế kỷ cho Việt Nam. Thời gian gần đây, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, bao gồm cả đầu tư về thể chế để các trường đại học thực sự có tự chủ và cạnh tranh, cũng như đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là tài chính và nhân lực.
" Những nghiên cứu trong lý thuyết kinh tế vĩ mô hàng chục năm nay đã chỉ ra rằng, khi đầu tư mạnh vào đại học và các phương pháp, quy trình sáng chế, sẽ dẫn đến những sự sáng tạo không chỉ là công nghệ mới nhất thế giới mà còn bao gồm việc du nhập những công nghệ vẫn còn rất mới đối với một nền kinh tế. Điều này sẽ giúp tăng cường mức độ tăng trưởng về năng suất ", ông nhấn mạnh.
Dù tình hình thương mại thế giới thời gian tới có biến động như thế nào, việc tạo ra được lợi thế trong thương mại sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh có thể xảy ra những tình huống cắt giảm thương mại toàn cầu, các quốc gia tiến xa và nhanh hơn trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ cơ bản để đạt được lợi thế về năng suất và sáng chế sẽ dễ dàng giành được thắng lợi.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào đại học và quy trình sáng chế không chỉ là một chiến lược dài hạn mà còn là hướng đi đúng đắn, giúp Việt Nam tăng cường lợi thế thương mại và phát triển kinh tế bền vững.
Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và dư địa rất lớn để phát triển trong giai đoạn 10 năm tới. Hôm 1/8, Nikkei trích dẫn Báo cáo triển vọng Đông Nam Á 2024-2034, dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam sẽ ở mức dẫn dắt trong khu vực với con số 6,6%.
GS. TS. Nguyễn Đức Khương nhận định để tận dụng được lợi thế đó, trong thời gian tới cần tìm ra giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp của chúng ta quay lại một quỹ đạo tăng trưởng nhanh hơn, tốt hơn. Đặc biệt là cần tập trung đầu tư vào việc đổi mới khoa học - công nghệ, ứng dụng nhiều khoa học - công nghệ hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, hàm lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam làm tại Việt Nam và quan tâm tới những tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng cao của khối EU. Đây là một trong những thị trường lớn của Việt Nam, nhưng cũng là một thị trường đang bắt đầu trở nên rất khó tính với những tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Theo GS. TS. Nguyễn Đức Khương, Hội nghị AMES 2024 năm nay là một trong những ví dụ điển hình của sự kết nối, hợp tác với Hiệp hội Kinh tế lượng toàn cầu với các trường đại học trong và ngoài nước để tạo ra một sân chơi cho các nhà khoa học và chuyên gia có thể trao đổi, thảo luận những ý kiến, suy nghĩ hay dự báo về kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực và kinh tế Việt Nam.
Đây cũng là một cơ hội tốt cho các nhà khoa học của Việt Nam trong ngành kinh tế và tài chính có thể tiếp cận được với kiến thức, nghiên cứu, công trình gần nhất mà các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đang thực hiện.
Hội nghị AMES 2024 đã diễn ra từ ngày 2-4/8 vừa qua tại TP.HCM. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của Hiệp hội Kinh tế lượng thế giới tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học từ hơn 40 quốc gia. Các chủ đề được thảo luận bao trùm nhiều lĩnh vực: Kinh tế lượng và ứng dụng kinh tế lượng; Kinh tế vĩ mô; Tiền tệ và Ngân hàng; Giáo dục và Phúc lợi; Tổ chức công nghiệp; Thương mại quốc tế; Khí hậu và năng lượng; Kinh tế Việt Nam;...