"Các em ngồi gần lại đây. Cô thích trò chuyện với các bạn trẻ", danh ca Khánh Ly bắt đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng những câu nói gần gũi và thân tình như thế.
Ở tuổi 77, dáng đi của bà vẫn nhanh nhẹn, giọng nói vang, cách kể chuyện hóm hỉnh, cuốn hút. Trở lại gặp khán giả sau hai năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19 bằng một tour xuyên Việt, Khánh Ly cho biết bà cảm thấy hạnh phúc.
Bà cũng thẳng thắn khi trao đổi với chúng tôi câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn , phiên bản Khánh Ly trên màn ảnh rộng.
Danh ca Khánh Ly: "Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình"
Thời điểm này, khán giả nhắc tới Khánh Ly không chỉ về show diễn cuối trong sự nghiệp mà có cả Khánh Ly trong phim về Trịnh Công Sơn đang công chiếu. Bà nhận xét gì về phiên bản Khánh Ly trên màn ảnh rộng?
Thật sự mà nói, tôi không biết nhiều về phim ảnh vì tôi ít có cơ hội đi xem. Mặc dù vậy, tôi vẫn có khả năng nhận biết phim nào hay, phim nào dở. Phim hay dở thế nào là tùy ý kiến người xem. Mọi người xem phim sẽ biết được phim hay, phim dở ở đâu và họ sẽ tìm hiểu lý do vì sao lại có những tình tiết như thế. Tôi có nhiều việc để làm, để nghĩ, không nhất thiết phải chú tâm đến những việc không liên quan đến mình.
Trong phim, Khánh Ly hiện lên là người thẳng tính, có những câu nói như: “Ông thó bài này của Văn Cao đấy à". Bên cạnh đó, phim có những khoảnh khắc Khánh Ly đút sữa chua cho ông Trịnh Công Sơn, ôm ông khi ông buồn. Bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có từng tình tứ như thế?
Tôi không xem phim, chỉ nghe bạn bè kể lại và các bạn hỏi về chuyện có một cuốn phim như thế, có những cảnh, lời thoại như vậy. Thật sự mà nói tôi không có ý kiến đâu vì không thể ý kiến được trước những sự việc xảy ra như vậy. Làm gì có chuyện tôi bằng vai phải lứa với ông Sơn đâu.
Tôi chỉ nghĩ một điều là vì sao người ta làm như thế trong khi tôi còn sống. Tôi chưa chết mà. Người ta có thể bán người chết được vì người chết không trả lời được nhưng mà tôi còn sống. Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình.
Và bạn bè của tôi, những người đã biết tôi 60 - 70 năm nay, họ hiểu rõ con người tôi thế nào, khán thính giả yêu thương tôi 60 năm qua, họ biết tôi ra sao. Bạn bè biết 60 năm qua, chưa bao giờ tôi lớn tiếng với bất cứ ai. Bạn bè, người thân của tôi sẽ nghĩ sao, đánh giá gì về những làm phim đó.
Đoàn phim có liên lạc với bà để có thêm tư liệu cũng như hình dung về nguyên mẫu cho nhân vật Khánh Ly?
Đại diện của đoàn phim đã liên lạc, có cho tôi xem kịch bản những phân đoạn Khánh Ly trong phim. Với những cảnh họ dự định thực hiện, tôi đã không đồng ý. Và tôi cũng nói nếu muốn sáng tạo, muốn giữ kịch bản thì phải đổi tên nhân vật. Nhưng cuối cùng, một số cảnh tôi không đồng ý vẫn đưa lên phim và tên Khánh Ly không hề thay đổi.
Vậy thật sự mối quan hệ ngoài đời của bà và ông Trịnh Công Sơn như thế nào?
Tôi là một người có tính đàn ông. Tôi không biết e lệ, thẹn thùng nhưng tính đàn ông của tôi cũng có giới hạn. Chuyện tôi tôn trọng, kính nể ông Trịnh Công Sơn như một người cha, ai cũng biết cả. Tôi luôn khẳng định là mình với ông Sơn hoàn toàn là anh em, bạn bè. Trong nhà, ngoài ngõ, trong gia đình, ngoài xã hội ai cũng biết điều đó nhưng họ vẫn cố tình gán ghép chúng tôi thành một đôi. Để làm gì, tôi không hiểu. Để cho họ thỏa mãn à?
Nếu được là người yêu của ông Sơn, tôi hãnh diện chứ. Dễ gì được làm người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi có gì đáng để cho ông ấy yêu đâu. Nếu điều đó là sự thật thì ông Sơn là người thiệt, và tôi là người có lợi. Nhưng mà tôi không thể tự nhận điều đó được. Tôi không thể tham lam, nhận những điều không phải của mình.
Và quan trọng là lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn. Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau.
Thời điểm quen biết Trịnh Công Sơn là khi bà đã có chồng và hai con. Vậy có bao giờ bà đi B'lao, chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn?
Không, tôi chẳng bao giờ đi tìm ông Trịnh Công Sơn cả. Điều đó có nhiều người biết. Tôi không tìm ông Sơn để xin nhạc hay cầu cạnh một điều gì cả. Không việc gì tôi phải đi tìm ông Trịnh Công Sơn bởi yêu thì không, nhạc ông đưa thì tôi hát.
Tôi kính trọng ông ấy là bởi ông là một người tài hoa, viết nhạc hay, một người có tư cách. Những người đã có chồng rồi, không bao giờ ông Sơn “vờn” cả, không bao giờ có chuyện đó.
Ở đời có nhiều việc để làm lắm, những trẻ em đi học vượt sông, vượt cầu bị chết đuối, người già lê la ăn xin ngoài đường. Hãy làm những phim như vậy đi để kêu gọi lòng từ tâm của mọi người, hãy đi xây cầu, xây dựng trường học, nhà tình thương cho người khó khăn, kém may mắn.
Sau những tranh cãi về hình ảnh nhân vật Khánh Ly, bà có thay đổi suy nghĩ và sẽ xem phim không?
Tôi đã hơn một lần trả lời rằng mình sẽ không đi xem vì bản thân đã có một ông Trịnh Công Sơn thật rồi.
Danh ca Khánh Ly: "Đừng lầm tưởng là Trịnh Công Sơn yêu người ta, ông ấy chỉ yêu cái đẹp"
Là người đã tiếp xúc lâu năm với nhạc sĩ, bà nhận thấy ông Sơn yêu thế nào?
Tôi nói thật, ông Sơn ông chẳng yêu ai đâu. Chắc chắn là như vậy. Ông ấy chỉ yêu tình yêu của ông ấy thôi. Đừng lầm là ông ấy yêu ai đó. Ông Sơn cũng không hề viết là tôi làm bài hát này cho ai, mà chỉ do những người yêu nhạc tự động thêm vào mà thôi. Điều đó giống như bài Nước mắt mùa thu, sau này ông Phạm Duy mất rồi, mới in ra và chú thích là viết cho Lệ Thu. Người ta tự đặt ra như vậy đấy.
Tình yêu của ông Trịnh Công Sơn không dành cho một người nào. Người duy nhất ông dành tình yêu trọn vẹn, thiêng liêng và đẹp đẽ là mẹ ông. Còn lại, ông ấy chỉ yêu cái đẹp, như vai em gầy, tóc em dài, môi em hồng. Mà thực tế, đâu có em nào cả đời đẹp được như vậy. Do đó, ai mà nghĩ ông Trịnh Công Sơn yêu mình là nghĩ sai đó.
Đừng đánh giá tình yêu qua những bức thư tình vì khi viết thành con chữ đó, đã phải qua nhiều cái máy lọc rồi.
Bà nói Trịnh Công Sơn là người rất yêu cái đẹp, đến với những người con gái vì họ đẹp chứ thực chất không yêu ai cả. Điều này có thể khiến khán giả cho rằng ông thuộc tuýp “bad boy”?
Tất cả nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ cũng như mọi người đều yêu cái đẹp. Nhưng ông Trịnh Công Sơn cũng từng nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tôi từng hỏi ông ấy: “Cần tấm lòng để làm gì? Tấm lòng đâu có ăn được đâu, đâu có đổi để mua một cái áo đẹp được đâu?”. Ông cười và nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi và hãy sống với nhau bằng một sự tử tế”.
Ông Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ với chúng ta rất nhiều trong âm nhạc của ông ấy.
Còn cái đẹp, ở đời ai cũng yêu cả. Những bông hoa đẹp hay người đẹp không có tội. Ai cũng có quyền yêu cả, đừng kết tội những người yêu cái đẹp. Còn với riêng ông Trịnh Công Sơn, ông có một ngàn, một vạn cái hơn như thế. Tôi cứ nghĩ mấy chục năm mọi người phải hiểu, phải biết sống trong đời sống cần có một tấm lòng, và Trịnh Công Sơn đã sống với tấm lòng đó.
Khánh Ly phiên bản điện ảnh được nhắc tới là một trong những nàng thơ của ông Trịnh. Vậy trong mối quan hệ với nhạc sĩ, từ “nàng thơ” có đúng với bà?
Một cây hoa đẹp cũng là nàng thơ của các nhạc sĩ. Các ông nhạc sĩ hay lắm, qua lăng kính của họ một cái cây, một bông hoa, con chim, cũng có thể trở thành một người đẹp. Có những người không có tình yêu thật, họ tự hình dung để viết nhạc. Chẳng hạn, với ông Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn... mình đâu có biết người yêu của họ là ai. Nhưng mà các ông ấy viết về các mối tình rất đẹp, lãng mạn. Đó là những người nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam.
Với nhiều người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một huyền thoại, vì sao bà lại khuyên không nên tạc tượng Trịnh Công Sơn?
Nghĩ về ông Sơn như thế nào là quyền của mọi người. Nếu bạn hỏi tôi, nhiều khi tôi nghĩ khác bạn. Ai cũng có quyền riêng tư và đánh giá của mình. Nếu bạn đã yêu nhạc của ông Sơn như thế, coi ông là huyền thoại thì cứ giữ như vậy đi, cứ vững tin vào những điều bạn đã cảm nhận được. Bạn sẽ không lầm đâu.
Vậy nếu phải dành cho ông Trịnh Công Sơn một danh xưng, bà sẽ dành danh xưng nào?
Vẫn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thôi.
Danh ca Khánh Ly: "Tôi không nghĩ đây là lần cuối nhưng lần cuối có thể xảy ra bất cứ lúc nào"
Cuộc sống hiện tại của bà ở Mỹ hiện thế nào?
Cuộc sống của tôi bình an. Bình an bởi vì mình cảm thấy bình an. Thật sự bình an trong cuộc sống mình phải tự tạo ra, không ai đem lại cho cả. Khi mình cảm thấy đủ, sẽ thấy bình an, hài lòng với những gì mình có, dẫu là ít. Đừng nhìn qua bên cạnh thấy nhà lớn mà nghĩ nhà mình nhỏ. Dẫu cái nhà mình nhỏ đó, nhưng là nơi để mình về. Đó là nơi duy nhất để mình mong ước trở về mỗi khi đi xa.
Đời sống này phức tạp và mình tự tạo cho bản thân sự bình ổn trong tâm hồn. Giàu chưa chắc là hạnh phúc, mà nghèo chưa chắc đã không vui. Hạnh phúc vẫn có thể đến với những mối tình, tình yêu nghèo nhưng cảm thấy vui vì chúng ta có nhau trong đời.
Hơn 8 năm qua, Quang Thành đã giúp tôi quay trở lại với chương trình thiện nguyện Vòng tay nhân ái. Tôi mong có cơ hội đi được nhiều hơn, đến được với nhiều người bất hạnh, để có niềm tin mình còn có thể đóng góp một chút nhỏ nhoi cho quê hương. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong chặng đường cuối này
Quay trở lại với show diễn xuyên Việt vào dịp này, bà đã chuẩn bị thế nào để đảm bảo đủ sức hát hơn 20 bài mỗi đêm?
Công việc của một người ca sĩ trước những show diễn là chuẩn bị thật tốt cho sức khỏe của mình và lựa chọn những tình khúc nào được mọi người yêu thích nhất để phục vụ khán giả.
Lo lắng trước mỗi show diễn là điều không thể tránh khỏi. Tôi cố gắng có một ngày hoặc một đêm nghỉ ngơi, có giấc ngủ thật tốt. Bên cạnh đó, tôi chỉ cố gắng hoạt động một chút, tập thể dục được thì càng tốt, còn không thì mình nói chuyện, hát, để thanh quản nở ra, cổ họng sẽ thích ứng được.
“Như một lời chia tay” có thể là show diễn cuối của bà. Đã hơn 60 năm đứng trên sân khấu, bà có hình dung được ngày mình rời xa ánh hào quang thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thật ra tôi không nghĩ đây là lần cuối đâu nhưng lần cuối có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Show diễn này như một lời chia tay, chứ không phải là lời chia tay.
Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người ra đi mà chúng ta không còn cơ hội để nói lời chia tay. Họ đã ra đi trong lặng lẽ, rất đáng thương, không được gặp chồng con, không được nhắn nhủ một câu nào. Vì vậy, tôi nghĩ chi bằng mình gặp nhau bây giờ, đừng để ngày mai, đừng để lúc không còn cơ hội nào nữa. Nếu sau này, mình không còn cơ hội chào nữa thì trong lòng cũng không tiếc, không buồn.
Trải qua mùa Covid-19, tôi cảm thấy có một vài thay đổi nhỏ thôi, trong đời sống. Hình như người ta quan tâm nhau hơn một tí. Vì vậy, nếu có yêu tôi thì yêu bây giờ, đừng đợi tôi chết rồi mới ra mộ khóc lóc. Lúc đó, khóc để làm gì, nói yêu thương để làm gì? Do đó, cho tôi xin một lời chào từ ngày hôm nay. Nếu ngày mai, may mắn gặp lại tôi xin chào khán giả một lần nữa. Sau này, nếu không gặp thì cũng coi như tôi đã chào rồi.
Cảm ơn danh ca Khánh Ly vì cuộc trò chuyện này!