Kháng kháng sinh sẽ đẩy 28 triệu người vào cảnh nghèo đói, đảo ngược tiến bộ y tế 100 năm

zknight |

Nếu kỷ nguyên kháng sinh kết thúc, chúng ta sẽ mất lợi thế tăng trưởng mà nó tạo ra trong gần 1 thế kỷ qua.

Trong một báo cáo trước thềm cuộc họp khẩn của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề kháng kháng sinh, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết:

Nếu vấn đề nhiễm khuẩn kháng thuốc trên cả người và động vật không được kiểm soát, cho tới năm 2050 nó sẽ khiến 28 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Bên cạnh đó, những tiến bộ y tế mà chúng ta xây dựng được cho tới nay sẽ bị đảo ngược về thời điểm 100 năm trước.

Trong báo cáo Ngân hàng thế giới dự đoán đến năm 2050, GDP toàn cầu hàng năm sẽ giảm ít nhất 1.1%. Trong khi đó, con số lớn nhất có thể lên đến 3.8%, tương đương những gì xảy ra với khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự gia tăng mạnh của các loại siêu vi khuẩn kháng thuốc là hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh trên người và các chế phẩm kháng sinh trong nông nghiệp.

Chúng ta không thể để mất sự tăng trưởng suốt thế kỷ này nhờ khởi đầu của kỷ nguyên kháng sinh”, Tim Evans, Giám đốc mảng Sức khỏe, dinh dưỡng và dân số của Ngân hàng thế giới cho biết. 

Trên mọi phương diện, cái giá của việc không hành động trước vấn đề kháng kháng sinh là quá lớn. Vấn đề này cần được giải quyết một cách khẩn trương và triệt để”.

Trước đó vào tháng 5, một báo cáo khác được ủy quyền bởi chính phủ Anh chỉ ra một thực trạng: Ngày nay, kháng sinh mà con người sử dụng trong nông nghiệp còn nhiều hơn cả trong bệnh viện. 

Và đa số chúng được dùng với mục đích kích thích vật nuôi tăng trưởng chứ không phải điều trị bệnh.

Báo cáo này ước tính đến năm 2050, nhiễm trùng kháng thuốc có thể gây ra tới 10 triệu cái chết mỗi năm, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Thêm vào đó, chi phí điều trị y tế sẽ trở nên rất đắt đỏ.

Người nông dân với ngành chăn nuôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngân hàng thế giới dự báo năm 2050, tổng sản phẩm ngành chăn nuôi có thể tụt giảm từ 2.6% đến 7.5%, nếu vấn đề siêu vi khuẩn kháng thuốc không được giải quyết.

Bởi vậy, Evans nói rằng: “Đầu tư để thúc đẩy năng lực cơ bản trong lĩnh vực thú y cộng đồng là rất cần thiết ở các nước đang phát triển”. Việc giám sát dịch bệnh phải được cải thiện, các phòng thí nghiệm mới cần được xây dựng để đảm bảo chẩn đoán nhanh chóng, chính xác.

Bên cạnh đó là hoạt động thanh kiểm tra trang trại, lò mổ và đào tạo đội ngũ thú y, hạn chế và quản lý chặt tình trạng sử dụng kháng sinh không cần thiết, Evans cho biết.

Kháng kháng sinh sẽ đẩy 28 triệu người vào cảnh nghèo đói, đảo ngược tiến bộ y tế 100 năm - Ảnh 1.

Mỗi năm có khoảng 60.000 tấn thuốc kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi

Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) ước tính: Mỗi năm có khoảng 60.000 tấn thuốc kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi. Với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thực phẩm có nguồn gốc động vật, con số sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Juan Lubroth, Giám đốc lĩnh vực thú y của FAO cho biết một trong những giải pháp quan trọng nhất để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc là tạo ra một nền chăn nuôi sạch.

Tôi nghĩ rằng đây là lĩnh vực mà chúng ta có thể làm nhiều việc để phòng tránh. Người nông dân càng có kiến thức về vệ sinh, chiến dịch tiêm chủng, vật nuôi sẽ càng khỏe mạnh và do đó không cần sử dụng đến kháng sinh”, Lubroth nói.

Để làm được những điều này, Ngân hàng thế giới ước tính mỗi năm thế giới cần đầu tư 9 tỷ USD cho lĩnh vực y tế và thú y. Tuy nhiên, Evans cho biết “chúng ta sẽ nhận lại được từ 2 nghìn tỷ tới 5.4 nghìn tỷ USD” lợi ích từ những khoản đầu tư này.

Theo Reuter

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại