Phim cổ trang - niềm tự hào của điện ảnh Trung Hoa
Nếu được bình chọn quốc gia nào sản xuất nhiều phim cổ trang nhất thế giới thì có lẽ Trung Quốc sẽ là cái tên được xướng lên đầu tiên.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn được xem là "mẹ đẻ" của dòng phim cổ trang với số lượng tác phẩm nhiều không đếm xuể. Thời thơ ấu, ai trong chúng ta cũng từng đắm chìm trong câu chuyện của Hoàn Châu Cách Cách (1997) hay Tây Du Ký (1986).
Khi bắt đầu nhận biết được cuộc đời thì lại ngưỡng mộ những câu chuyện tình yêu trong Hồng Lâu Mộng (1987) hay Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài (1999).
Lớn lên một chút, trưởng thành hơn, người ta lại "chết mê chết mệt" với những anh hùng tái thế bước ra từ những trang sách kiếm hiệp của Kim Dung...
Thời gian qua đi, phim cổ trang vẫn không đánh mất vị thế của mình trong lòng khán giả Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung. Kể cả Hàn Quốc, quốc gia có nền giải trí phát triển bậc nhất Châu Á cũng phải chào thua Trung Quốc trong lĩnh vực "đẻ" phim cổ trang.
Hiện tại, khi nhiều thể loại phim ra đời, đặc biệt với dòng phim thanh xuân vườn trường hay ngôn tình hiện đại đang dần dân nhận được nhiều sự yêu mến thì phim cổ trang Trung Quốc vẫn không đánh mất đi vị trí của mình. Phim cổ trang Trung Quốc hiện nay đã lột bỏ cái áo cũ kĩ, khoác lên mình diện mạo mới.
Năm 2013, các nhà làm phim cổ trang Trung Quốc hân hoan với tin bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc có tên "Legend of Zhen Huan" (Truyền kỳ về nàng Chân Hoàn) được chiếu trên truyền hình Mỹ.
Thậm chí, để đầu tư cho việc sản xuất phim cổ trang, Trung Quốc còn cho xây dựng những phim trường rộng lớn, quy mô xây dựng tỷ lệ 1:1, các nhà làm phim có bối cảnh tốt để quay thể loại phim này.
Hoành Điếm rộng gấp 27 lần diện tích phim trường Universal và Paramount, mang kiến trúc của Tử Cấm Thành. Không kém cạnh, phim trường Vô Tích nằm ở tỉnh Giang Tô cũng tự hào là địa điểm mang lại sự thành công cho nhiều phim cổ trang.
Phim cổ trang hay sự gian dối đối với lịch sử của các nhà làm phim Trung Quốc?
Một trong những lý do khiến phim cổ trang Trung Quốc giữ vị trí độc tôn trong hàng thập kỷ là bởi đề tài vô cùng phong phú. Quen thuộc nhất trong dòng phim này là cung đấu, sử thi về các nhân vật có thật.
Cuộc chiến hoàng cung, tình yêu tình thù của vua chúa là đề tài không bao giờ hết hấp dẫn của phim cổ trang Trung Quốc.
Ngoài ra, những năm gần đây điện ảnh Hoa ngữ còn liên tục sản xuất phim chuyển thể tăng sự đa dạng trong đề tài. Phim cổ trang Trung Quốc còn mạnh về kiếm hiệp, tiên hiệp, huyền huyễn, đam mỹ, ngôn tình.
Mới đây, trên mạng xã hội Weibo bất ngờ xôn xao một đề tài về những bộ phim cổ trang Trung Quốc thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Người khởi xướng đề tài đã đặt ra một vấn đề khá thú vị. Người này cho rằng các nhà làm phim cổ trang Trung Quốc hiện nay là những "kẻ gian dối". Cụ thể: "Phim cổ trang hiện nay chỉ toàn bóp méo lịch sử, quần áo thì diêm dúa khoa trương, diễn viên thì bận rộn khoe thân bù diễn xuất...".
Người này cho rằng các nhà biên kịch hiện nay đang "xào nấu" lịch sử để biến thành những câu chuyện phi thực tế, hư cấu một cách quá đáng.
Cụ thể, trong phim, đền đài, cung điện, ngay cả cái… ghế ngồi cũng đẹp mỹ mãn, cái gì cũng nguy nga tráng lệ, nhất là dàn phi tần, công chúa thì đẹp như mơ. Nhưng sự thật thì không được tuyệt vời như thế.
Người này cho rằng các nhà làm phim không tôn trọng những tư liệu lịch sử được ghi chép lại để tuyển chọn diễn viên. Họ chỉ cần có những diễn viên xinh đẹp lộng lẫy là được mà quên đi việc phải căn cứ vào những mô tả trong quá khứ.
Người này còn "cẩn thận" lấy dẫn chứng trong các bộ phim cổ trang.
Nhan sắc của nữ diễn viên Lưu Tuyền trong Chiến tranh Đông Phương có vẻ không liên quan mấy tới nhan sắc thực Hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc - Uyển Dung.
Trong Mạt Đại hoàng phi, Thục Phi Văn Tú được miêu tả là một cô gái thông minh, xinh đẹp, sắc nước hương trời. Tuy nhiên, theo các hình ảnh tư liệu ghi lại thì nhan sắc của bà khác xa trên phim. Người tạo chủ đề cho rằng đây là một sự "gian dối" với lịch sử.
Trên phim, các diễn viên thủ vai Võ Tắc Thiên đều có nhan sắc hơn người. Tuy nhiên, theo sử sách ghi lại thì Võ Mị Nương từ nhỏ đã mặt vuông trán rộng, béo phục phịch, đôi mắt phụng dài, có tướng đế vương.
Trên phim ảnh, Từ Hy Thái Hậu thường được xây dựng hình ảnh người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp dù tuổi ngoài thất thập. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy.
Theo ghi nhận của sử sách Cẩn Phi là người có gương mặt tròn trịa, tướng mập mạp. Tuy nhiên trong phim, nhà sản xuất lại chọn Lưu Đào, nữ diễn viên mang gương mặt góc cạnh, dáng hình thanh mảnh.
Không chỉ từ việc chọn diễn viên, các nhà làm phim còn "làm quá" ở phần trang phục. Trang phục cổ trang Trung Quốc đã vượt quá biên giới truyền thống. Các nhà sản xuất không tiếc tiền đầu tư những bộ y phục lộng lẫy, xa hoa, thiết kế lạ mắt.
Trang phục trong phim Võ Tắc Thiên nhận rất nhiều chỉ trích.
Sự sáng tạo là cần thiết nhưng khi lạm dụng lại khiến phim bị phê bình và doanh thu mang lại không được như mong muốn.
Chốt lại bài viết của mình, người viết này đã chỉ ra rằng nếu còn làm phim cổ trang thế này thì lịch sử Trung Quốc sẽ bị bóp méo và các nhà làm phim đừng bao giờ hi vọng có thể "xuất khẩu" phim cổ trang ra các nước phương Tây.
Nhân vật cổ trang mà sử dụng lối trang điểm hiện đại như mày ngang, mắt kẻ eyeliner, đeo lens, son đậm.
Đề tài này đã nhận được khá nhiều sự đồng tình của dư luận. Nhiều người cũng cho rằng phim cổ trang Trung Quốc càng ngày càng "giả dối". Bằng chứng là khán giả phải thường xuyên xem những bộ phim cổ trang nội dung mơ hồ sai lệch lịch sử, diễn viên thì dù mặc đồ cổ trang cũng cố gắng khoe ngực hết cỡ.
Ngay sau khi nhận được quan tâm trên mạng xã hội, đề tài này nhanh chóng 'đến tai" nhiều nhà phê bình và truyền thông.
"Làm phim lịch sử, điều tối thiểu là phải tìm hiểu lịch sử. Vấn đề của phim cổ trang hiện nay là thực trạng làm ẩu, quay vội, thiếu cẩn thận dẫn đến phản cảm", một nhà phê bình đánh giá trên Ifeng.
Thậm chí, nhiều trường Đại học, các diễn đàn về điện ảnh phải mở các buổi tọa đàm, nói chuyện về chủ đề này.