Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, người Sán Chỉ phải ăn hỏi đến 3 lần, và mỗi lần ăn hỏi lại đòi hỏi những lễ vật thách cưới khác nhau từ nhà gái.
Không những thế, lễ rước dâu còn trải qua nhiều màn đối đáp để thử thách đoàn rước dâu và nhiều tục lệ kỳ lạ xoay quanh đám cưới của người Sán Chỉ.
Họ tin rằng, như vậy vợ chồng sẽ mãi hạnh phúc, sống bên nhau đến “đầu bạc răng long” không chia lìa.
Đặc sắc đám cưới người Sán Chỉ
Nằm cách thành phố Cao Bằng hơn 120km, những mái nhà người Sán Chỉ hiện ra thành từng bản nhỏ, sinh sống tập trung ở 5 xã: Thượng Hà, Sơn Lộ, Cốc Pàng, Hương Đạo và Kim Cúc.
Hầu hết người dân nơi đây cuộc sống đều khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu sống dựa vào cây ngô, sắn trên nương rẫy.
Tuy nhiên, người Sán Chỉ lại có đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán rất đa dạng và phong phú như lễ cưới hỏi, ma chay, hát dân ca truyền thống, trang sức, trang phục thổ cẩm dân tộc…
Trong đó, lễ cưới hỏi, rước dâu là một phong tục độc đáo đã tồn tại từ rất lâu đời.
Trước khi đi tới hôn nhân, người Sán Chỉ thực hiện rất công phu, tỉ mỉ các nghi lễ như so mệnh, dạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới, dẫn cưới và đón dâu.
Cũng giống như các dân tộc khác, đám cưới dân tộc Sán Chỉ thường được tổ chức vào mùa đông, mùa xuân hay vào dịp nông nhàn sau khi đã trải qua nghi thức trên.
Trong đó, họ thường chọn ngày mùng một đầu tháng hoặc ngày rằm để làm lễ ăn hỏi.
Nghi thức lễ ăn hỏi được tổ chức khá đơn giản. Nhà trai chỉ cần cử một ông mối khác họ tộc, có uy tín và thạo ăn nói cùng 4 thanh niên phụ lễ mang đồ lễ đến nhà gái để xin đặt gánh.
Sau đó hai bên nhà trai và nhà gái cùng định ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ cưới hỏi, rước dâu về nhà chú rể.
Khi mọi thủ tục trong lễ ăn hỏi đã xong, trước khi rời khỏi nhà gái, mỗi thành viên trong đoàn ăn hỏi, trừ ông mối đều được quệt nhọ vào mặt để đi đường gặp nhiều may mắn và ma quỷ không nhận ra.
Vào xóm Khuổi Tặc thuộc xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), chúng tôi may mắn được chứng kiến đám cưới của gia đình chú rể Triệu Văn Chuốn khi đang chuẩn bị nghi thức rước dâu cùng làng.
Lúc này, thầy Ta Lý Văn Kẻng đang cùng gia chủ sắp xếp lễ vật cầu thân.
Với người Sán Chỉ, họ coi nhân vật dẫn dâu phải là người có uy tín trong làng và được mọi người nể trọng để làm thầy Ta (có nhiệm vụ kết nối, dẫn dắt cô dâu chú rể bái lạy, báo cáo với tổ tiên, gia đình hai bên).
Trước khi đi rước dâu, thầy Ta phải xin phép tổ tiên và các cụ cao niên để làm thủ tục rước dâu. Gia đình sẽ chuẩn bị 1 bát gạo trắng và 2 chén rượu trắng để thầy Ta làm phép, cầm mấy hạt gạo tung quanh nhà, thả vào chén rượu.
Cửa nhà lúc đó được khép kín lại, những viên than hồng được đặt bên trong.
Thầy Ta cầm 4 chiếc ô làm phép rồi nâng chân trái ra phía trước, hơ trên hòn than, kế đó xoay vòng 360 độ dùng chân phải giẫm nát hòn than.
Xong thủ tục thầy mở cửa trao ô cho từng người trong đoàn đón dâu đi ra. Cuộc hành trình đón dâu bắt đầu.
Khi gần đến nhà cô dâu, thầy Ta đem đến một tấm khăn hồng, phủ lên mình cô dâu đang ở trên lưng người anh trai.
Hai tay cô dâu bắt chéo quanh cổ, một tay cầm túi tiền đi đường, anh trai chống gậy chờ lệnh khởi hành để thực hiện nghi thức người cõng em gái ra cổng được chuẩn bị sẵn.
Khi cõng em gái đến đoàn nhà trai đang đợi sẵn trước cổng, anh trai của cô dâu để thầy Ta làm lễ cởi bỏ khăn.
Thầy Ta bắt đầu khấn với thần lửa, thần nước, thần rừng và mẹ đất, đồng thời dúi vào tay cô dâu chút tiền lẻ để cầu phúc, sau đó mới cho phép cô dâu buông tay, rời bỏ lưng anh trai.
Tiếp đến, thầy Ta gỡ bỏ chiếc khăn hồng, trao cho cô dâu chiếc ô đi đường. Lúc này, lễ nhận dâu chính thức hoàn thành, đoàn nhà chú rể có thể rước dâu về nhà, chính thức cô dâu trở thành người nhà chú rể.
Theo anh Đặng Văn Goành ở xóm Khuổi Tặc, xã Hưng Đạo là người nổi tiếng hát giao duyên Sình Ca (dân ca Sán Chỉ) hay trong huyện, chuyên đi hát tại các đám cưới, lễ tết chia sẻ: “Ngày cưới của một gia đình cũng là ngày vui chung của cả bản làng.
Tối đến trai gái quây quần hát đối đáp mừng cô dâu chú rể. Tiếng hát lúc rộn ràng như lời chúc đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, rồi lúc thì thủ thỉ như lời tâm tình dặn dò họ hãy yêu thương nhau, sống vẹn nghĩa trọn tình.
Tiếng hát kéo dài cả đêm thể hiện sự chân tình của tất cả mọi người dành cho đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống mới”.
Đám cưới cũng lắm kỳ công
Đám cưới của người Sán Chỉ có nhiều nét khác biệt so với các dân tộc khác. Bắt đầu từ lễ ăn hỏi, người Sán Chỉ phải ăn hỏi 3 lần, tiếng Sán Chỉ gọi là “nhìn chảy”, đến lần thứ 3 mới chính thức làm lễ ăn hỏi gọi là “nhìn chảy mùn xa”.
Lần thứ nhất đi hỏi, nhà trai phải đưa thầy Ta và “Dìn đoong phà” (bà đón dâu) mỗi người 12kg thịt lợn. Đến nhà gái ăn hỏi, nếu đồng ý gả con gái thì nhà gái sẽ thịt gà, nấu cơm mời.
Lần thứ 2 là nhà gái thách cưới. Lễ vật thách cưới 120kg thịt lợn và khoảng 50 đồng bạc trắng gọi là “nhàn pe”.
“Nhàn pe” có 2 loại, loại 1 có giá 900.000 đồng/1 đồng, loại 2 có giá khoảng 600.000 đồng/1 đồng, tuy nhiên hiện giờ nhà gái đã không nhận loại bạc 2 này bởi nó được coi là bạc giả.
Nếu nhà trai chấp thuận thì sẽ tiến hành lễ ăn hỏi chính thức “nhìn chảy mùn xe”.
Lễ ăn hỏi được thầy Ta và bà đón dâu dẫn đầu cùng 2 thanh niên chưa vợ và người nhà trai khiêng 120 kg thịt lợn, một đôi gà trống mái và 5 lít rượu trắng.
Khi đến đầu làng, nhà trai phải tìm một nhà người quen gần nhà gái ở nhờ, sau đó thông báo cho nhà gái là nhà trai đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật thách cưới.
Ông Triệu Văn Chòi (68 tuổi, ở xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) cho biết: “Đến buổi chiều cùng ngày, nhà trai cử đoàn đến nhà gái để rước dâu. Đồ lễ mang theo có chăn màn, có con gà và dắt theo con trâu.
Họ nhà trai mang sang họ nhà gái 1,4 tạ thịt lợn, 1 gánh nếp tẻ, 1 gánh gạo tẻ để nhà gái nấu ăn, có trầu cau, rượu là 60 đến 80 chai.
Sau khi giao đủ lễ vật cho nhà gái, đoàn dẫn lễ về ngay, không ăn uống và không ngủ lại, nên nếu nhà gái ở xa, nhà trai phải đi thật sớm và chuẩn bị đồ ăn đường cho những người mang lễ.
Khi cô dâu về nhà chú rể, đoàn nhà gái cũng đem theo của hồi môn về nhà chồng gồm: 1 đôi hòm gỗ, 2 chăn bông, 2 cái chiếu, 1 cái kiềng, 1 con dao, 1 cái cuốc và những vật dụng khác mà cha mẹ cho con gái trước khi về nhà chồng.
Giống như nhà gái, nhà trai cũng mở tiệc hát giao duyên đến sáng. Đến chiều hôm sau, chú rể đưa cô dâu trở lại nhà gái thắp hương lạy tạ tổ tiên nhận họ hàng và ngủ lại 1 đêm, đến hôm sau trở về nhà chồng xây dựng cuộc sống mới”.
Những người tham gia vào đoàn rước dâu cũng như gia đình nhà cô dâu đều phải mặc trang phục truyền thống, đàn ông đầu chít khăn chàm, phụ nữ mặc váy áo sặc sỡ tua rua che mặt như cô dâu, mỗi người cầm 1 cái ô có tết hoa gồm màu xanh, vàng, đỏ rồi đứng trước cánh cổng được làm bằng tre đan dán giấy và một miếng vải hoa.
Cổng có cửa cao 1,2 m, rộng 60cm, 2 bên cửa có dán 2 miếng giấy vàng vẽ 2 con rồng, 2 con cá và 2 con chim gọi là “kiáu chai”.
Xong lễ rước dâu, đến 21h nhà trai mới bắt đầu hát giao duyên đối đáp, bạn bè chúc tụng cô dâu và chú rể hạnh phúc.
Cuộc hát dân ca giao duyên có thể kéo dài đến buổi trưa hôm sau.
Đến bữa trưa, hai bên gia đình cô dâu chú rể được rót đầy rượu, không dùng đũa vừa uống rượu vừa dùng tay cầm miếng thịt lợn ăn và nhắn nhủ, hứa hẹn trách nhiệm nuôi dạy con cái kết nghĩa thông gia mãi mãi.
Đám cưới của người Sán Chỉ náo nhiệt, với nhiều tập tục, kéo dài thời gian vui chơi nhưng không mệt mỏi.
Cũng giống một số dân tộc khác như Tày, Nùng, trước đây, người Sán Chỉ ở huyện Bảo Lạc có tục bán họ, gọi là “mải tau”(bán đầu - ở rể) trong những trường hợp nhà gái không có con trai, nhà trai quá nghèo không có tiền lấy vợ hoặc trong trường hợp nhà gái nhiều tiền của.
Theo tục này, việc hôn lễ diễn ra ngược lại với đám cưới lấy dâu về. Sau lễ cưới, con cái đẻ ra sẽ mang họ mẹ, gọi bố mẹ cô gái là ông bà nội, bố mẹ của chàng trai là ông bà ngoại.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, cuộc sống của người Sán Chỉ đã có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, người Sán Chỉ ở huyện Bảo Lạc vẫn còn bị hủ tục đè nặng, việc có được 1 cô vợ khó gấp nhiều lần việc làm nhà, tậu trâu, tính sơ qua việc lo cho đám cưới này nhà trai đã phải có tối thiểu trên 50 triệu đồng – một con số quá lớn đối với tộc người còn sống trong vùng khó như bản Khuổi Tặc.