Kham phá Succulent Karoo, sa mạc đẹp nhất thế giới

Thái Thiên |

Dù hiếm mưa, Succulent Karoo vẫn sở hữu thảm thực vật dày đặc với hơn 3.300 loài cây mọng nước. Xuân sang, hàng loạt các vạt cây cỏ dại bung hoa. Động vật hoang dã quý hiếm nườm nượp kéo về, điểm nét động vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ.

Thiên đường sen đá

Succulent Karoo là sa mạc sinh thái trải dọc duyên hải Tây Nam quốc gia Namibia và tỉnh Bắc Cape của Nam Phi. Như mọi hoang mạc trên thế giới, nó chỉ có lượng mưa dưới 200mm/năm.

Khác ở chỗ, sa mạc này được dòng hải lưu lạnh Benguela ngoài khơi hỗ trợ. Luồng không khí nóng trong đất liền khi tràn ra biển bị cản trở, ngưng tụ hơi nước bốc lên thành sương mù và bay ngược trở lại. Nhờ vậy mà dù hiếm mưa, nó ít khi bị thiếu nước.

Succulent Karoo có trên 6.300 loài thực vật. Chỉ riêng họ cây mọng nước đã 3.300 loài, chiếm 1/3 trên hành tinh. Từ “succulent” trong địa danh Succulent Karoo mang nghĩa là “thực vật mọng nước”. Có tới 40% giống loài mọng nước ở sa mạc này là thực vật đặc hữu, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu ngoài nơi đây.

Kham phá Succulent Karoo, sa mạc đẹp nhất thế giới - Ảnh 1.

Thực vật mọng nước Succulent Karoo chia thành 2 nhánh chính, xương rồng và lô hội. Chúng có chung một đặc điểm là rất giỏi tích trữ nước trong lá cây, mọc khắp bề mặt sa mạc. Từ lô hội thân đơn đến thân nhánh, Succulent Karoo đều có đủ. Ngay cả Kokerboom, loài lô hội thân nhánh quý như kim cương ở Nam Phi cũng có khá nhiều.

Trên tất cả, Succulent Karoo dày đặc sen đá. Tại nhiều vị trí, chúng phủ kín vạt đất rộng lớn. Khi xuân sang, sen đá cũng nở hoa. Trong khu vực Namaqualand, chúng tràn ngập màu sắc rực rỡ lóa mắt.

Cũng nhờ hệ thống sen đá đa dạng, Succulent Karoo đẹp tứ mùa. Dù chưa nở bông, mỗi nhánh sen đá vẫn là một cụm hoa màu xanh mọng nước đẹp mắt. Chúng còn một vài màu lá khác ngoài màu xanh, nên trông càng mỹ lệ mê hồn.

Bên cạnh xương rồng và lô hội, Succulent Karoo còn rất nhiều thực vật họ cúc. Mùa xuân nào, sa mạc này cũng nở hoa tưng bừng, thu hút hàng triệu du khách ghé thăm.

Đa dạng động vật quý

Kham phá Succulent Karoo, sa mạc đẹp nhất thế giới - Ảnh 2.

Chuột chũi vàng không tai, không mắt đặc hữu của Succulent Karoo.

Thế giới động vật ở Succulent Karoo cũng đa dạng, có trên 50 loài bọ cạp mà 22 loài là đặc hữu. Các nhà bọ cánh cứng ăn mật trên khắp miền Nam châu Phi đổ về đây. Côn trùng bộ cánh màng, ong mật, ong bắp cày… đông đến không đếm xuể.

Succulent Karoo có 15 loài lưỡng cư, trong đó có 3 loài đặc hữu. Bò sát có 115 loài, 48 đặc hữu. Chim và động vật có vú tuy ít là đặc hữu, nhưng đông đảo. Ngoại trừ hệ thống thực vật siêu hoa, Succulent Karoo còn là nhà của 630 loài cây rễ củ. Chúng cung cấp lượng thức ăn giàu có cho động vật ăn cỏ, cuối cùng thu hút động vật ăn thịt.

Đặc biệt, trong Succulent Karoo có chuột chũi vàng (golden moles) độc đáo nhất. Chúng không tai và mắt nhưng lại nhanh như cắt. Chỉ cần thoáng đánh hơi thấy mùi nguy hiểm, cặp chi trước đầy vuốt sắc lập tức thoăn thoắt bới đất. Nhoáng một cái, chúng đã “lặn” mất tăm.

Chuột chũi vàng kiếm ăn vào lúc hoàng hôn và bình minh, khi thời tiết không quá nóng hay lạnh. Con mồi của chúng là các loài côn trùng. Vì chúng quá cảnh giác và hiếm, đến nay các nhà quan sát mới phát hiện còn 5 cá thể chuột quý này.

Thách thức bảo tồn

Kham phá Succulent Karoo, sa mạc đẹp nhất thế giới - Ảnh 3.

Nông dân Succulent Karoo là những chiến sĩ bảo tồn.

Từ lâu, Succulent Karoo đã được Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) xác định là điểm nóng đa dạng sinh học, cần được bảo vệ. Tuy nhiên, với cư dân Namibia và Nam Phi, nơi đây chỉ đơn giản là mảnh đất hoang. Họ lợi dụng thảm thực vật chăn thả gia súc. Hiện tại, chỉ khoảng 1/4 Succulent Karoo là còn nguyên sinh.

“Rất khó để khiến dân cư nơi đây hiểu rằng, sa mạc hoang dưới chân họ chính là mảnh đất giàu giá trị sinh thái nhất”, Cobus Theron, thành viên Ủy ban Động vật Hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng Nam Phi (South Africa’s Endangered Wildlife Trust) cho biết, “mặc dù Succulent Karoo nhìn khá tươi tốt, sức khỏe của nó rất mong manh”.

Trước đây, sa mạc này từng một lần suýt bị hủy hoại vì chăn thả đà điểu, cừu và gia súc quá mức. Tuy được mẹ thiên nhiên ban tặng lượng sương mù lý tưởng, Succulent Karoo vẫn một phần phụ thuộc vào lượng mưa. Những giai đoạn hạn hán kéo dài khiến nó phục hồi chậm. Cộng với sự lạm dụng chăn thả, sự khôi phục lại càng khó khăn hơn.

Thêm vào đó, Succulent Karoo còn là khu vực khai thác kim cương, uranium và cát. Tại nhiều vị trí, nó bị khoét đến tận tầng đá lớp phủ.

Đáng ngại nhất là ở đây còn phát sinh nạn săn bắt, buôn lậu động thực vật. Vào năm 2015, Tổ chức Bảo vệ hoang dã CapeNature, Nam Phi bắt giữ một cặp vợ chồng buôn bán trái phép trên 2.200 loài cây quý của Succulent Karoo. Hầu hết các loài bọ cánh cứng, nhện, thằn lằn đặc hữu của sa mạc này cũng luôn trong nguy cơ bị bắt trộm.

Từ năm 2002, CapeNature quyết định đổi chiến thuật bảo tồn. Thay vì thu mua đất, họ tiến hành cắt giao cho nông dân, cho phép chăn thả nhưng phải bảo đảm an toàn sinh thái và canh tác bền vững với môi trường. Chẳng bao lâu, các cư dân đã chuyển vai từ người khai thác sang bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Nhờ có họ, các hành lang và vùng đệm bảo vệ động - thực vật quý hiếm dần mở rộng.

Hiện tại, CapeNature nỗ lực triển khai và duy trì nhiều dự án chăm sóc Succulent Karoo. Họ hy vọng mọi người đều hiểu rõ giá trị sinh thái của sa mạc này, chung tay góp sức bảo tồn và phát hiện các loài mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại