Cuộc sống đôi khi có những tình huống thật trớ trêu, như các bác sĩ tại Đại học Campania Luigi Vanvitelli ở Ý đã gặp phải vào năm 2009. Một cô gái 19 tuổi đến phòng khám vì phát hiện ra những sợi lông kỳ lạ ngay trong kẽ răng của mình.
"Đó là một phụ nữ trẻ có những sợi lông trên biểu mô đáy của vòm miệng", các bác sĩ cho biết. Chúng không phải những sợi lông bị mắc kẹt hay dính từ bên ngoài vào, mà thực sự mọc ra từ kẽ răng của cô ấy. Như bạn có thể thấy ở ảnh chụp thật dưới đây, những sợi lông này giống như một lông mi trọc ra từ mô nướu ngay sau răng cửa trên và cả ở giữa các kẽ hở của răng hàm.
Ngay sau khi xác nhận trường hợp kỳ lạ của cô gái 19 tuổi, các bác sĩ Ý đã lục lại tất cả các y văn từ năm 1960 và tìm thấy đúng 5 tài liệu mô tả các trường hợp tương tự. Họ đều là những người đàn ông và được chẩn đoán mắc một chứng bệnh lạ gọi là rậm lông ở nướu.
Tất cả các nghiên cứu trước đó không giải thích được nguyên nhân tại sao tình trạng này lại xảy ra. Cũng không ai ghi chép lại trước năm 1960, đã có những ai khác phải chịu đựng những sợi lông mọc ra từ nướu răng nữa hay chưa.
Trong trường hợp của cô gái người Ý 19 tuổi, các bác sĩ đã chạy một loạt các xét nghiệm máu, nội tiết tố và siêu âm để đi đến chấn đoán, cô gái còn mắc một hội chứng nữa được gọi là buồng trứng đa nang. Đó là một tình trạng gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, mà có thể chính là nguyên nhân dẫn đến chứng rậm lông của cô.
Rậm lông - hay còn gọi là thừa lông – thường là hậu quả của sự mất cân bằng nội tiết. Nhưng đối với đa số các trường hợp, lông của bệnh nhân chỉ phát triển ở những khu vực đã có sẵn nang lông như chân, tay, mặt hoặc lưng.
Trong trường hợp lông mọc ra ở những vị trí không có sẵn nang lông như nướu răng của cô gái, tình trạng vẫn khó có thể giải thích được. Các bác sĩ cũng không biết tại sao nướu răng của cô có thể sản sinh ra nang lông mới, nhưng họ chắc chắn tình trạng buồng trứng đa nang đã khiến chứng rậm lông trầm trọng hơn.
Để giúp cô gái trở lại cuộc sống bình thường, các bác sĩ người Ý năm đó đã thực hiện một cuộc tiểu phẫu để nhổ hết lông mọc trong kẽ răng của cô. Họ kê cho cô ấy một đợt thuốc tránh thai để giúp cân bằng lại nội tiết tố trong cơ thể. Cô gái sau đó đã trở lại cuộc sống bình thường, trong vòng 6 năm, trước khi những sợi lông mới lại mọc ra từ kẽ răng cô.
Năm 2015, cô gái năm đó đã 25 tuổi trở lại phòng khám. Cô cho biết chỉ cần mình ngừng thuốc nội tiết, tình trạng rậm lông lại quay trở lại.
Lần này, các bác sĩ không chỉ giúp cô nhổ những sợi lông ấy ra, mà còn lấy một phần mô nhỏ dưới nướu để xét nghiệm. Dưới kính hiển vi, các bác sĩ nhìn thấy các mô dày bất thường và một sợi lông nhỏ đang dần hình thành và trồi lên trên đó.
Một lời giải thích được đưa ra, mặc dù chính các bác sĩ còn chưa chắc chắn về nó. Đó là những mô nướu và niêm mạc bên trong miệng từng có quan hệ rất mật thiết với mô hình thành nên da của chúng ta. Thời kỳ còn trong bào thai, chúng gần như đã phát triển lên từ cùng một loại tế bào gốc. Vì vậy, ở một số bệnh nhân có tình trạng đặc biệt, khi họ đã trưởng thành, tế bào niêm mạc bên trong miệng vẫn có thể biến trở lại thành tế bào da và phát triển các nang lông.
Hội chứng rậm lông ở nướu răng dường như có liên quan đến một tình trạng gọi là hạt Fordyce. Trong đó, các tuyến sản xuất dầu thường chỉ có trên da cũng lại xuất hiện bên trong miệng. Nhưng rốt cuộc tại sao một số tế bào như vậy lại phát triển không đúng chỗ thì chưa có bác sĩ nào giải thích được.
Họ viết trong phần kết luận của một nghiên cứu năm 2019: "Không có lời giải thích rõ ràng cho sự hiện diện bất thường này, tại sao một tình trạng (như Fordyce) lại tương đối phổ biến còn chứng rậm lông trong nướu lại ít khi xuất hiện".
Trở lại với cô gái người Ý, các báo cáo cuối cùng theo dõi cô ấy xuất hiện vào năm 2016 cho biết tình trạng rậm lông của cô ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Những sợi lông tiếp tục mọc ra ở nhiều vị trí quanh miệng.
Nhưng báo cáo không cho biết cô ấy có sử dụng lại thuốc điều chỉnh nội tiết hay không. Bệnh nhân sau đó biến mất hoàn toàn khỏi các tài liệu y tế. Chúng ta không biết liệu cô gái có được tiếp tục chữa trị hay không, tình trạng rậm lộng của cô ấy ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày như thế nào?
Cũng không rõ liệu cô gái này đã lấy chồng, sinh con hoặc có một cuộc sống tốt đẹp lên hay chưa?
Các báo cáo y tế này rõ ràng là một tài liệu và bằng chứng quan trọng cho phép các bác sĩ trong tương lai không bị bất ngờ khi đối mặt với một bệnh nhân tương tự. Nhưng nó cũng để lại rất nhiều câu hỏi làm nhột trí tò mò của chúng ta.
Rốt cuộc, lông có thể mọc ở bất cứ đâu trên cơ thể, ngay cả trong các kẽ răng. Nhưng lý do tại sao lại vậy thì chưa có nghiên cứu nào cho chúng ta biết toàn bộ câu trả lời. Cũng bởi, tình trạng rậm lông này quá hiếm, và nhiều người có thể hỏi rằng liệu nó có đáng để tìm hiểu hay không?
Tham khảo Sciencealert