Trong lăng mộ của bà nội Tần Thủy Hoàng có cả bộ xương của một loài vượn đã bị tuyệt chủng từ lâu. (Ảnh: Sohu)
Lăng mộ của Thái hậu Hạ, hay còn được biết đến là bà nội của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Kknews)
Vào năm 2004, một nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ Thiểm Tây (Trung Quốc), Hiệp hội Động vật học London (Anh), Đại học Arizona (Mỹ) và một số tổ chức khác đã tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện tại cố đô Trường An.
Ngôi mộ bà nội của Tần Thủy Hoàng - Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - được phát hiện nằm bên dưới một khu ký túc xá của Trường Kinh doanh Tây An. Ngôi mộ nằm cách lăng mộ của Tần Thủy Hoàng khoảng 30km về phía Tây Nam.
Ngôi mộ của bà lớn thứ hai chỉ sau lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, có niên đại khoảng 2.300 năm, diện tích lên tới 17,3 ha, dài tới 550m và rộng 310m. Được biết ngôi mộ của bà được xây dựng theo lệnh của Tần Thủy Hoàng sau khi bà qua đời. Dù bà không nổi tiếng như mẹ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng nhưng được biết bà có ảnh hưởng rất lớn đối với quan điểm chính trị của ông.
Trong lăng mộ của Thái hậu Hạ, các chuyên gia còn tìm thấy rất nhiều bộ xương của các loài vật quý hiếm. (Ảnh: Sohu)
Bên trong ngôi mộ, các chuyên gia tìm thấy 12 hố chôn cất, có rất nhiều dấu vết đã bị trộm vài lần. Trên phiến đá trong lăng mộ, các chuyên gia đã tìm thấy những chữ khắc như "Bắc Cung" và "Tư Cung", kết hợp với ghi chép trong "Sử ký của Lã Bất Vi" thì đây chính xác là mộ của Thái hậu Hạ, bà nội của Tần Thủy Hoàng.
Dù đã bị trộm đi nhiều bảo vật, các nhà khảo cổ học vẫn tìm thấy những thứ đáng kinh ngạc bên trong, bao gồm: 2 cỗ xe sáu ngựa kéo, nhiều tiền xu thời Tần, còn có một số ấn, triện của hoàng gia, nhiều mảnh vỡ của các lọ hoa bằng gốm, đất sét, nhiều đồ đồng và nhiều bộ hài cốt động vật quý hiếm như sếu, linh miêu, báo hoa mai, gấu, vượn và nhiều loài động vật khác.
Đặc biệt, trong đó có một bộ xương vượn mà theo kiểm tra sơ bộ thì loài vượn thuộc chi này là lần đầu tiên mới thấy.
Trong đó có cả bộ xương của một loài vượn đã bị tuyệt chủng từ lâu. (Ảnh: Sohu)
Dù không thể thực hiện phân tích ADN trên hộp sọ và hàm dưới của bộ xương vượn nhưng qua quét kỹ thuật số và so sánh hình dạng của nó với hàng trăm loài vượn tương tự tại châu Á, Đức và Anh, họ nhận thấy đây là loài vượn rất nổi bật và khác biệt, có thể xếp vào một chi riêng biệt.
Xét về gốc gác, loài vượn này có họ hàng gần với vượn Hải Nam, cũng là một giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Tuy nhiên, ở thời đó, cố đô Trường An vốn không có vượn, nên các nhà khoa học nhận định, loài vượn này cùng nhiều loài động vật được tìm thấy trong lăng mộ của Thái Hậu Hạ là được nuôi để làm thú cảnh. Những con vật này đều là cống phẩm từ các nơi khác được dâng tặng cho triều đình.
Các nhà khoa học đã đặt cho loài vượn này cái tên là "Vượn quý ông hoàng gia". (Ảnh:Kknews)
Để tưởng nhớ vai trò của loài vượn này, các chuyên gia đã quyết định đặt cho nó cái tên "Vượn quý ông hoàng gia". Sau khi kết quả này được công bố đã gây ra một sự chấn động lớn đối với giới khoa học.
Phát hiện này được đánh giá là một tiến bộ và khám phá mới cho thế giới sinh học Trung Quốc, đồng thời đã cung cấp thêm cơ sở cho các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của vượn Trung Quốc.
Tham khảo: Sohu