Daily Mail đưa tin hôm 13/4, một nhóm các nhà khảo cổ học ở Rome (Ý) đã khai quật được bộ xương nghĩa địa vùng Longobard phía nam nước này, được cho là thuộc về một chiến binh người Longobard sống vào khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 8 sau Công nguyên.
Bên cạnh nơi chôn cất người đàn ông này còn có xác một con ngựa không đầu, xác vài con chó cùng hàng trăm bộ xương khác.
Các nhà khảo cổ cho rằng, người đàn ông qua đời từ lúc 40, 50 tuổi. Trên bộ xương có gắn một con dao.
Một cánh tay của người này đã bị cắt cụt, con dao bên cạnh chính là dụng cụ thay thế cho cánh tay bị mất trong nhiều năm. Qua khám nghiệm, các nhà khảo cổ kết luận cánh tay bị mất sau một lần cắt duy nhất.
Bộ xương chiến binh bị mất một tay được khai quật, với con dao được đặt trên người.
Hàm răng của người này bị mài mòn khá nhiều và có nhiều lỗ hổng gây ra nhiễm trùng, phỏng đoán có thể vì người chiến binh thường xuyên phải dùng răng để thắt chặt con dao vào cánh tay bị mất của mình.
Hàm răng đã bị mài mòn khá nhiều.
Theo thông tin trên tạp chí Anthropological Sciences, các nhà nghiên cứu cho biết, cánh tay bị mất này có thể là hậu quả của chiến tranh. Nhưng cũng không ngoại trừ khả năng là do can thiệp y tế, hoặc vị chiến binh không may bị ngã, thậm chí có thể là do bị phạt.
Nhưng đối với nền văn hóa chiến binh đặc thù của người Longobard, thì khả năng cao người này bị mất tay do chiến đấu. Người Longobard là thành viên của một bộ tộc ở Đức, từng cai trị nước Ý từ năm 568 đến năm 774 sau Công nguyên.
Trong thời kỳ còn chưa tồn tại thuốc kháng sinh, việc một người có thể sống sót với một cánh tay bị chặt mất là điều đáng kinh ngạc. Hơn nữa, người này còn có thể sử dụng con dao như một cánh tay của mình.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng, người đàn ông đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng. Đây chính là bằng chứng của một cộng đồng quan tâm đến các thành viên, cũng như tình cảm và sự cảm thông đến từ gia đình.